Trong khi độ tuổi sống riêng trung bình của thanh niên châu Âu là 26, giới trẻ Thụy Điển lại rời tổ từ lúc mới 18-19 tuổi. Bất chấp giá cả nhà cho thuê mỗi lúc một cao, chi phí sinh hoạt leo thang chóng mặt, họ nỗ lực xoay xở, đấu tranh để tự lo. Ngay cả sự cô đơn và cuộc sống lắm khó khăn cũng có mặt tốt, tuổi trẻ Thụy Điển khẳng định. Nó dạy nhiều thứ, giúp trưởng thành. Câu cửa miệng của họ là “Ensamar stark”, tức “Một mình là mạnh mẽ”.
Thụy Điển là một quốc gia ở châu Âu có tổng dân số khoảng 10.182.300 người.
“Rời tổ” trước tuổi 20
Trên khắp Thụy Điển, thiếu niên mới 14-15 tuổi đã tính đến việc tách khỏi bố mẹ, tự lo cơm ăn áo mặc. Ở châu Âu, độ tuổi sống riêng trung bình của giới trẻ là 26. Nhưng ở Thụy Điển, con số này thấp đến kinh ngạc, chỉ trong độ tuổi 18-19. Trong khi Thế hệ Z (sinh sau năm 2000) trên toàn cầu hãy còn trong vòng tay bao bọc của gia đình, thanh thiếu niên Thụy Điển chưa vào tuổi 20 đã rời nhà, tự xoay xở để có cuộc sống riêng.
Theo một nghiên cứu thống kê xã hội ở Anh năm 2019, tỷ lệ thanh niên 23 tuổi (tức là trước khi tốt nghiệp đại học) sống cùng cha mẹ đã tăng từ 37% năm 1998 lên 49%. Rất khó để một thanh niên chưa ra trường chi trả nổi chi phí ăn học và sinh hoạt. Chuyện này không riêng gì ở châu Âu, mà trên mọi miền Trái đất. Nhưng tại Thụy Điển, đã tới tuổi 18-19 mà còn “bám váy mẹ” là chuyện không thể nào. Ngay cả khi vẫn còn ở trong nhà của cha mẹ, họ cũng đã “riêng nồi”, tự giác trả tiền thuê phòng.
Số liệu thống kê của chính phủ Thụy Điển cho thấy, có đến hơn một nửa số hộ gia đình trong nước là người độc thân. 1/5 trong số này là thanh niên ở độ tuổi từ 18-25. Nếu tính riêng con số thanh niên 18-25 tuổi sống tự lập, con số tỷ lệ có thể lớn hơn 1/10 tổng dân số bởi vì vẫn còn những người tuy đăng ký địa chỉ nhà cha mẹ, nhưng thực chất đã như… khách trọ.
Kể từ năm 19 tuổi, Ida Staberg đã tự thuê một căn hộ nhỏ rộng 30m2 ở Vällingby, vùng ngoại ô thuộc phía Tây Bắc của thủ đô Stockholm. Cô dọn vào ở một mình với giá 850 USD/tháng (tương đương 19,7 triệu VNĐ), trả tiền nhà bằng cách khấu trừ lương làm thêm. Trong khi đó, gia đình gồm cha mẹ và 2 em trai của Staberg sống ở nhà riêng chỉ cách chừng 1 giờ lái xe.
Ấn tượng hơn cả là bất chấp giá nhà ở, phòng trọ ngày một tăng (kể từ năm 2011), số thanh niên sống một mình ở Thụy Điển không hề giảm. “Một mình để biết tự chăm sóc, chịu trách nhiệm với cuộc sống cá nhân”, Staberg lý giải. Suy nghĩ của cô cũng là nhận thức chung của giới trẻ Thụy Điển. Trong khi chúng ta hãy còn cho rằng con cái phụ thuộc vào cha mẹ là lẽ đương nhiên, thanh thiếu niên Thụy Điển chưa tới 20 tuổi đã ý thức được họ là một cá thể độc lập.
Truyền thống lâu đời
Không phải đến tận bây giờ, thanh niên Thụy Điển mới tự lập. Từ nhiều thế kỷ trước, khi các cư dân trên đất nước này hãy còn phụ thuộc vào nông nghiệp, giới trẻ Thụy Điển đã có xu hướng sớm rời nhà. Họ tự túc xin việc, kiếm tiền tại các trang trại khác.
Để gìn giữ quan niệm sống độc lập đáng ngưỡng mộ này, Chính phủ Thụy Điển nỗ lực hỗ trợ. Họ ưu tiên nhiều khoản phúc lợi, giúp giới trẻ dễ bề thuê mướn nhà hay phòng riêng với giá phải chăng. Bên cạnh đó là giảm chi phí chăm sóc sức khỏe, giáo dục.
Nếu tới Thụy Điển, bạn sẽ thấy đa phần các căn hộ cho thuê đều rất nhỏ gọn. Ngược lại, tại các thành phố lớn như London (Anh), Paris (Pháp) hay New York (Mỹ), phần lớn nhà ở hay phòng ốc cho thuê đều từng là nhà riêng. Kích thước của chúng lớn nhỏ là tùy chủ nhà. Khi không dùng để ở nữa, họ mới đem cho thuê. Giá thuê nhà nguyên căn kiểu này, tất nhiên cũng tùy thuộc vào diện tích, vị trí mặt bằng… Vì không rẻ, nên thanh niên, sinh viên cần thuê chỗ ở sẽ chung tiền.
Hệ lụy khó tránh
Ra riêng từ thuở 18-19 tuổi cũng tức là mới vừa rời ghế nhà trường phổ thông. Mặc dù sớm tự lập là tốt, nhưng không phải mọi thanh niên ở tuổi này đều đã sẵn sàng và đủ bản lĩnh sống một mình. Với không ít người, đó là thử thách to lớn. “Bạn có rất nhiều thứ phải suy nghĩ, đưa ra quyết định. Đó thật sự là một cuộc đấu tranh tàn khốc”, Karin Schulz, tổng thư ký của tổ chức từ thiện sức khỏe tinh thần Thụy Điển cho hay.
Quay trở lại với trường hợp tự lập của Ida Staberg, cô gặp phải rắc rối ngay khi vừa dọn vào căn hộ mới. “Lúc đầu, tôi thậm chí còn chẳng biết cách thanh toán hóa đơn chứ đừng nói gì đến kiếm tiền, trang trải cuộc sống”, cô chia sẻ. Ra riêng cũng tức là phải tự lo từ việc rửa bát trở đi. Sau 19 năm được cha mẹ chăm sóc toàn diện, Staberg bối rối từ cách đổi lõi giấy vệ sinh cho đến sắp xếp đồ đạc, dọn dẹp căn nhà.
- Xem thêm: Cảm ơn giáo sư Peter Jones
Trên tất cả là sự cô đơn. Dù đa phần Thế hệ Z ngày nay đều thông thạo phương tiện truyền thông xã hội, không phải tất cả đều có bạn thân để chia sẻ hoặc người quen sẵn lòng lắng nghe kể khổ. Thụy Điển nổi tiếng là ưu tiên cho trẻ em, song lại chỉ tập trung vào nhu cầu vật chất, ít để ý đến tâm tư, cảm xúc riêng. Theo một thống kê năm 2017, có đến hơn 55% thanh thiếu niên Thụy Điển tuổi từ 16-24 không hề tiếp xúc, trò chuyện với người thân.
Cũng tại Thụy Điển, lượng thanh thiếu niên tuổi từ 16-24 phải điều trị tâm thần đã tăng gần 70% trong thập kỷ qua. “Chúng tôi thường nghe các em tâm sự, không có bất cứ người lớn nào đủ thân mật và cởi mở để cùng trò chuyện”, Schultz nói.
“Tôi cảm thấy bị cô lập hơn bao giờ hết”, Christoffer Sandstrom 26 tuổi, một thanh niên Thụy Điển rời nhà năm 21 tuổi nhớ lại. “Cả người như thể mất sức, còn tinh thần thì chán nản, buồn tủi. Lúc nào tôi cũng ước, thời gian hãy trôi thật mau và một ngày hết thật nhanh”.
Có rất nhiều áp lực đối với thanh niên Thụy Điển trong giai đoạn chuyển từ tuổi thiếu niên vô ưu lên tuổi trưởng thành tự lực. “Một mình thì khó khăn hơn có bạn bè hay gia đình”, Sandstrom thừa nhận. Chỉ khi có được một nhóm bạn tốt cùng học cùng làm, anh mới thấy dễ thở hơn. Điều này cũng tương tự với Ida Staberg. Cảm giác một mình một nhà thoải mái nhanh chóng tắt lịm bởi vô vàn những bất tiện, khó khăn và cảm giác đơn độc. “Tôi cảm thấy tủi cực, chẳng có ai để dựa vào”, Staberg bộc bạch. “Những lúc như thế, thật khó mà tránh khỏi suy nghĩ tiêu cực”.
Theo một thống kê năm 2018, có 16,8% thanh thiếu niên Thụy Điển tuổi từ 16-24 cho hay họ “cảm thấy cô đơn trong suốt 2 tuần qua”. Người Thụy Điển không quan tâm đến con số này lắm bởi nhóm lão niên trên 75 tuổi còn có tỷ lệ phần trăm cảm thấy cô đơn cao hơn (17,4%). Chưa kể với quan niệm sống của họ, cô đơn chỉ là một phần của cuộc sống.
Không có dân tộc nào trên thế giới lại nội tâm như người Thụy Điển. Họ ưa khư khư giữ kín cảm xúc, rất hiếm khi chia sẻ với người khác. Kỳ lạ là dù luôn che giấu tâm tư, tỉ lệ người Thụy Điển suy sụp vì cô đơn rất thấp, chỉ 5% (tỷ lệ trung bình của châu Âu là 7%). Hình như đối diện với cô đơn không khiến người ta trở nên yếu đuối. Ngược lại, nó rèn luyện một tâm thế mạnh mẽ, vững vàng.
Chuyển biến mới
Quen với cô đơn và tự lập, người Thụy Điển rất ít kết giao. Tuy nhiên, gần đây đã xảy ra một diễn tiến mới: phong trào sống tập thể. Trước đó, thanh niên Thụy Điển ưa thuê căn hộ đơn. Bắt đầu từ năm 2011, vì giá cả nhà đất đột ngột tăng, giới trẻ có xu hướng chấp nhận ở chung để giảm chi phí. Tại các thành phố lớn, những căn hộ nhiều phòng cho thuê lũ lượt mọc lên. Tiền thuê một phòng cũng khoảng 850 USD/tháng, tương đương với căn hộ nhỏ giá rẻ vùng ngoại ô.
Đến nay, ở Thụy Điển đã có hàng chục nghìn nhà trọ chung. Chúng có thể chỉ có khả năng nhận 5-10 người, cũng có thể đủ lớn để 50 người cùng chia sẻ. Ngoài ra, giới công nghệ Thụy Điển cũng sáng tạo các ứng dụng khuyến khích giới trẻ hòa nhập. Ví dụ như Panion cho phép người sử dụng tìm kiếm bạn bè cùng sở thích hay Gofriendly tập hợp các phụ nữ có cùng chí hướng trong một khu vực…
Tuy nhiên, xu hướng sống tập thể này sẽ tiếp tục hay mở rộng hay dừng lại thì chưa biết được. “Là người Thụy Điển, chúng tôi muốn cảm thấy được riêng tư”, Jonna Lundin, thanh niên rời nhà từ năm 19 tuổi cho hay. Xét ra, chỉ có một bộ phận nhỏ giới trẻ Thụy Điển chọn sống tập thể. Một phần trong số đó lại buộc phải chịu đựng vì điều kiện tài chính khó khăn, chứ không phải thích sống chung.
- Xem thêm: Sống là tư duy độc lập
Thói quen là một thứ khó thay đổi. Với người Thụy Điển, không gì tốt hơn là cảm giác tự lực tự cường. Rất nhiều thanh thiếu niên của họ kiên quyết, sẽ đánh đổi mọi thứ để có được trải nghiệm sống tự lập. “Đối với tôi, tự lập là cách để hiểu cặn kẽ bản ngã, biết mình muốn những gì và không thích những gì”, Lundin nói thêm. Cô cũng cho biết hiếm khi cảm thấy cô đơn hay buồn chán. Đặc biệt, không hề có ý định ở nhà tập thể hay quay về sống chung với người nhà.
“Ngay cả đôi khi có khó khăn và đôi lúc cảm thấy cô đơn”, Ida Staberg lập luận, “những cái đó cũng dạy cho chúng ta nhiều thứ, giúp chúng ta trưởng thành. Tôi nghĩ như thế cũng rất hay. Giống như ông bà chúng tôi đã dạy, Ensamar stark – Một mình là mạnh mẽ”.