Với chiều cao 1,8m khi chưa mang giày dép và với gương mặt quyến rũ của một phụ nữ Viễn Đông, Thiên Lý (Xin Li) – một trong những cô gái cao nhất vùng Mãn Châu – đi tới đâu cô cũng trở thành tâm điểm chú ý của đám đông. Từng là vận động viên bóng rổ chuyên nghiệp, thi đấu dưới màu áo đội Cát Lâm, sau đó Thiên Lý được chiêu mộ tới Bắc Kinh để rồi đến năm 1996 thì sang Paris, trở thành người mẫu đỉnh cao trên các sàn diễn của hai “ông vua” thời trang Yves Saint Laurent và Jean Paul Gaultier. Đó là hai chương đầu trong sự nghiệp sáng chói của cô. Tuy nhiên “chương 3” cuộc đời rất đặc biệt của Thiên Lý mới thật ghê gớm.
Đó cũng là chương của ngày hôm nay: hai năm trước, ở tuổi 39 Thiên Lý đã được nhà đấu giá hàng đầu thế giới Christie’s cử làm phó chủ tịch bộ phận châu Á – Thái Bình Dương. Ở cương vị quan trọng này Thiên Lý vẫn thu hút sự chú ý mỗi khi cô xuất hiện ở các phiên đấu giá mà doanh số thường là vài trăm triệu USD. Người ta nhận ra cô ngay giữa những phiên đấu giá mà người tham gia đầy sự kích động khi giá tác phẩm không ngừng tăng đến bảy, tám rồi chín con số; khi đó Thiên Lý đầy tự tin với hai tai nghe nối với hai chiếc iPhone, khi thì nói bằng ngôn ngữ Mãn Châu với người này, lúc lại nói tiếng Anh với người khác, đồng thời dùng chiếc iPhone thứ ba chụp nhanh những hình ảnh sống động đang diễn ra, gửi đến các khách hàng của cô ở cách nửa vòng Trái đất. “Tôi ngồi phía sau cô ấy (trong phiên đấu giá), chứng kiến hình ảnh thật quyến rũ. Cô ấy là người có sức mạnh siêu nhiên!” – đó là lời Brett Gorvy, phụ trách bộ phận mỹ thuật hậu chiến và đương đại của Christie’s.
“Trong cuộc sống, sự lựa chọn đúng lúc là tất cả. Thêm nơi chốn nữa” – Thiên Lý nói, ý muốn nhắc đến St. Barth, “nơi chốn may mắn” đối với cô, bởi ở lãnh thổ thuộc Pháp phía tây Ấn Độ Dương ấy cô đã không chỉ gặp gỡ nhà sản xuất âm nhạc lừng danh người Mỹ Lyor Cohen năm 2014, để rồi nên duyên vợ chồng với ông, mà cũng ở đó vào năm 2008 cô còn được biết Diana Widmaier Picasso, cháu nội của nhà danh họa Picasso trong một bữa tiệc. Cuộc gặp và buổi trò chuyện hôm ấy đã thay đổi cuộc đời của Thiên Lý. Lúc đó Thiên Lý đã 32 tuổi, cái tuổi mà những người mẫu buộc phải rời sàn diễn thời trang. Cô đã nhờ bà Diana Widmaier Picasso giúp tạo cơ hội cho cô đến với thế giới nghệ thuật. Sau này, cháu nội của Picasso nhớ lại: “Tôi nhìn thấy ở cô ấy một sự hiếu kỳ không tả nổi (về nghệ thuật), đến độ tôi tưởng cô ấy là một họa sĩ. Nhưng rồi tôi biết cô ấy không có khả năng để vẽ gì cả, vì vậy tôi bảo cô ấy nên làm việc trong ngành đấu giá”. Thật tình cờ, khi đó ông Emmanuel Di Donna, bấy giờ là phó chủ tịch nhà đấu giá Sotheby’s cũng có mặt trên đảo St. Barth. Bà Diana Widmaier Picasso đã giới thiệu Thiên Lý với ông ta. Trở lại New York, cô giã từ nghề người mẫu và bắt đầu làm công việc tập sự cho Sotheby’s. “Không có bất kỳ trường học nào cho bạn kiến thức tốt hơn”, Thiên Lý nói về khóa học cấp tốc cô được hướng dẫn tại Sotheby’s, từ đấu giá tác phẩm nghệ thuật cho tới đồ trang sức, rượu vang… Cô tiếp thu thật nhanh chóng và chỉ vài tháng sau được chuyển sang bộ phận khách hàng kín đáo của Sotheby’s. Bà Diana Widmaier Picasso vẫn nhớ một cuộc gọi của ông Di Donna nói tới năng lực tiềm tàng của Thiên Lý trong nghề đấu giá: “Cô bạn của bà rất xinh đẹp nhưng cô ấy cũng có thể rất nguy hiểm”.
Hóa ra, đó là lời tiên tri của ông Di Donna, bởi vào năm 2010 Thiên Lý đã rời Sotheby’s chuyển sang làm việc cho Christie’s, đối thủ đáng gờm nhất của Sotheby’s. Vì sao vậy? Đây là lời mỹ nhân chân dài: “Tôi đã đưa ra một cơ hội (cho Sotheby’s) nhưng bị khước từ”. Nhưng sự thật là đây: Nửa đầu của năm 2015, nhà Christie’s đã đạt được kỷ lục về doanh số là 4,5 tỉ USD, riêng khoản chi của khách hàng châu Á chiếm đến 27% tổng doanh thu toàn cầu của Christie’s. Thế mà đó là khối khách hàng “ruột” của Thiên Lý, đặc biệt là những khách hàng đến từ Trung Hoa lục địa.
Theo tường trình của Kelly Crow, phóng viên tờ Wall Street Journal thì vào tháng 5-2014, Christie’s đã mời một nhóm 18 nhà sưu tập Trung Quốc đi thăm New York, mà theo nhà đấu giá thì một số trong nhóm nhà sưu tập đó cho thấy họ là những người đặt giá có tiềm lực mạnh mẽ qua các phiên đấu giá của Christie’s tại Thượng Hải và Hongkong. Nhóm khách đó được mời tham quan Bảo tàng MoMA và hội chợ nghệ thuật Frieze, ăn tối tại trụ sở Christie’s trong Trung tâm Rockefeller. Họ được mời dự phiên đấu giá tác phẩm mỹ thuật thời kỳ Ấn tượng, hiện đại và đương đại tại nhà Christie’s New York, nhưng ngồi trong hai phòng riêng biệt, vừa thể hiện sự tôn trọng của nhà đấu giá, vừa tránh sự nhòm ngó, chụp ảnh cũng như bị truy tìm danh tính, nói chung là giữ bí mật hoàn toàn cho số khách mời đặc biệt này. Họ chỉ đặt giá qua điện thoại từ các phòng riêng biệt ấy, thông qua chuyên gia về mỹ thuật đương đại của Christie’s là nàng Thiên Lý xinh đẹp. Kết quả: các khách hàng của Thiên Lý đến từ Trung Quốc đã đặt giá thành công sáu tác phẩm đương đại có giá khởi điểm cao nhất của phiên đấu giá đó, và tổng số tiền họ phải trả lên đến 236 triệu USD, chiếm một nửa doanh số của phiên đấu giá!
Theo ông Brett Gorvy, các khách hàng chính của Thiên Lý là những người Hoa giàu có đến từ Malaysia, Indonesia, Đài Loan và Trung Quốc; còn theo François Curiel, người đã có thâm niên 35 năm làm việc cho Christie’s thì ngoài Thiên Lý, ông chưa thấy chuyên gia nào của Christie’s có được hoa hồng cao như vậy nhờ bán được tác phẩm qua đấu giá. Một trường hợp thành công nữa của người đẹp Mãn Châu: cô đã giúp một khách hàng Trung Quốc mua một tác phẩm điêu khắc đương đại của Jeff Koons với giá 33,8 triệu USD tại nhà Christie’s New York vào tháng 3-2015. Nhưng thành tích lớn nhất của Thiên Lý là khi cô thay mặt cho tỉ phú Trung Quốc Lưu Ích Khiêm đặt giá thành công bức Nu Couché (Khỏa thân nằm tựa – 1917), tác phẩm của Amedeo Modigliani. Bức tranh được gõ búa với giá 170,4 triệu USD cũng trong năm 2015 tại nhà Christie’s New York.
Với cương vị hiện tại ở Christie’s, Thiên Lý cho biết phần lớn thời gian làm việc của cô là với “khoảng năm nhà sưu tập châu Á, mỗi người có thể tiêu pha 100 triệu USD chỉ trong mùa đấu giá”. Đẹp, quyến rũ, tài năng, thành đạt, Thiên Lý có lẽ là chuyên gia đấu giá được biết đến nhiều nhất trên thế giới. Tạp chí W còn ngợi ca cô như là “chiếc cầu nối Trung Quốc với thế giới nghệ thuật phương Tây”.