Thường thì việc cải tạo mỗi ngôi nhà đều có một câu chuyện liên quan đến công trình cũ. Thú vị hay không chính là cách ứng xử của các bên liên quan đối với công trình cũ. Với chủ nhân, những tồn tại ở ngôi nhà cũ có thể là quá khứ không muốn nhìn lại hoặc là những kỷ niệm cần trân trọng nâng niu. Về phần mình, người thiết kế phải đối thoại với chính chủ nhân và công trình hiện hữu để kể tiếp câu chuyện của ngôi nhà…
Khi chưa được cải tạo, ngôi nhà cũ đã gắn liền với quá trình tạo dựng cuộc sống của một cặp vợ chồng trẻ từ miền Bắc vào Lâm Đồng lập nghiệp. Họ tự xây cất chỗ ở trên vùng đất mới. Ban đầu là một căn nhà rất nhỏ, nó được cơi nới dần theo nhu cầu sử dụng của gia đình và ghi dấu sự ra đời của những đứa con.
Rồi do một vài biến cố, ngôi nhà trở nên hoang phế và bỏ không suốt hơn 20 năm. Người cha qua đời. Khi đã chán những ồn ào ngột ngạt của phố thị, những người con có ý định trở về sống trong ngôi nhà xưa của gia đình.
Do bị bỏ hoang phế quá lâu, ngôi nhà đã không còn chịu được tác động của thời gian và nắng mưa… Làm thế nào để giữ lại ngôi nhà của bố mẹ tựa như giữ lại một kỷ vật, đồng thời cải tạo nó nhằm đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt hiện tại? Đó là bài toán mà những người chủ mới đặt ra cho kiến trúc sư.
Để giữ lại tối đa cả phần “xác” lẫn phần “hồn” của ngôi nhà xưa, nhà thiết kế chọn giải pháp bao bọc toàn bộ công trình cũ bằng lớp vỏ mới trong suốt: lớp vỏ mới cũng giải quyết các chức năng mới và nhu cầu mở rộng diện tích sử dụng của ngôi nhà cũ. Mô hình “nhà kính” này còn giúp thỏa mãn thú vui chăm sóc cây cối của chủ nhân, bất kể thời gian và thời tiết. Khoảng không gian nhà kính còn là bếp ăn, chỗ để xe và hành lang. Phòng khách – sinh hoạt, phòng thờ và bốn phòng ngủ nằm trong công trình được cải tạo với đôi chút thay đổi về không gian và hình thức bên ngoài so với ngôi nhà xưa.
Điểm đặc biệt là các chi tiết của công trình cải tạo lại được xử lý khá ngẫu hứng, phụ thuộc vào những gì nhìn thấy trong quá trình “bóc tách” ngôi nhà cũ và từ những câu chuyện kể của chủ nhân. Tường nhà được quét vôi lại với màu cam đỏ là màu gốc của ngôi nhà khi mới được xây dựng. Mảng gạch trần là giải pháp nhằm khắc phục độ nghiêng của bức tường cũ, đồng thời tạo điểm nhấn cho không gian phòng khách – sinh hoạt.
Những viên ngói cũ được dùng lại, xếp theo chiều đứng làm lối đi sân vườn trong và ngoài nhà. Kiến trúc sư cho biết anh đã không khỏi xúc động khi cạo lớp vữa cũ để thay áo mới cho tường nhà: những dấu vết thời gian còn lưu lại trên các lớp vôi vữa khác nhau qua những lần cơi nới. Anh quyết định chọn giữ lại một góc tường trong tình trạng chưa được tô vữa như một cách gợi nhớ những kỷ niệm, những hồi ức của gia đình về không gian sống trong quá khứ – cũng là giữ lại kỹ thuật xây đá xanh “gia truyền” được sử dụng khi xây dựng căn nhà bé nhỏ năm xưa; giữ lại vết tích các ô cửa sổ cũ bằng gỗ đã được lấp lại khi cơi nới và thay đổi chức năng các phòng… Tất cả các lớp trầm tích phủ dần lên công trình theo thời gian và qua các diễn biến của gia đình chủ nhân được khai phá, hiển lộ lại và mang một ý nghĩa mới, theo một cách chủ động và có ý thức.
Với nhóm thiết kế, khi để chính ngôi nhà kể lại câu chuyện của nó trong quá trình cải tạo cũng là cách họ tham gia vào câu chuyện thú vị này. Câu chuyện ấy vẫn còn tiếp diễn…
Thiết kế: atelier Tho.A
Hình ảnh: Quang Trần
- Xem thêm: Giữ lại nét xưa