Từ thành phố Phủ Lý, tỉnh lỵ tỉnh Hà Nam chúng tôi đi theo quốc lộ 21A hơn 10km là đến vùng hồ Tam Chúc ở xã Ba Sao, huyện Kim Bảng. Đây là thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nam, tiếp giáp với tỉnh Hòa Bình và cách quần thể chùa Hương chừng 3km đường núi. Từ hơn ngàn năm trước, Tam Chúc đã được triều đình nhà Lý chọn làm nơi dựng chùa vì phong cảnh hữu tình và vị trí khá gần kinh đô Thăng Long.
Là một trong những hồ nước ngọt tự nhiên diện tích rộng nhất Việt Nam, hồ Tam Chúc có thảm thực vật phong phú và hàng trăm ngọn núi nhỏ trên hồ. Nhìn từ xa, hồ như một bức tranh sơn thủy trong không gian mênh mông, thoáng đãng, khí hậu trong lành, tươi mát. Các ngọn núi trên hồ có nhiều hình dáng kỳ lạ. Có ngọn nhìn tựa như người đàn ông khổng lồ đang quỳ gối, có ngọn trông lại như cái chuông lớn giữa núi rừng. Ngồi trên con thuyền trôi chầm chậm giữa lòng hồ, du khách được nghe nhiều câu chuyện huyền thoại gắn với các địa danh nơi đây, như hồ Lục Nhạc, núi Thất Linh, chùa Ba Sao…
Vào mỗi buổi sớm mai, ngắm nhìn mặt nước, cành cây, ngọn núi… bồng bềnh trôi trên mặt sương mù, du khách có cảm giác như đặt chân tới chốn bồng lai tiên cảnh. Khi hoàng hôn đổ bóng, mặt hồ lăn tăn gợn sóng, phản chiếu bóng núi, mây trời khiến cảnh vật càng trở nên lung linh, huyền ảo trong muôn vàn tia nắng. Trên dãy núi 99 ngọn nằm ở phía tây nam hồ hướng về động Hương Tích (chùa Hương) có bảy ngọn núi gần làng Tam Chúc. Theo truyền thuyết, trước đây trên bảy ngọn núi này đều xuất hiện đốm sáng lớn. Nhìn xa tựa như có bảy ngôi sao sáng suốt đêm ngày trên bảy ngọn núi. Dân làng gọi đó là núi Thất Tinh, chùa Thất Tinh. Sau đó, có người đến núi Thất Tinh lén lút đục đẽo nhằm lấy đi bảy ngôi sao. Họ chất củi thành đống lớn và đốt nhiều ngày khiến cho bốn ngôi sao bị mờ dần đi, cuối cùng chỉ còn lại ba ngôi sao. Vì thế, chùa Thất Tinh sau này được đổi thành chùa Ba Sao và thị trấn Ba Sao cũng được lấy tên gọi từ tích ấy.
- Xem thêm: Núi Trầm, thắng cảnh bên dòng sông Đáy
Hiện nay, khu vực hồ Tam Chúc đang được xây dựng quần thể du lịch sinh thái với du lịch hồ, du lịch leo núi, thể thao, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí. Tổng diện tích khu du lịch (đã mở rộng) là 4.000ha, riêng diện tích hồ là trên 600ha. Đường vào khu du lịch Tam Chúc tuyệt đẹp, hoang sơ, hùng vĩ, hai bên đường lau sậy ngập lút đầu người. Nếu vào khu vực này khi chiều muộn, thậm chí khách sẽ khó tìm được đường ra.
Điểm nhấn của hồ Tam Chúc là chùa Tam Chúc hiện đang xây mới, diện tích 44ha. Cảnh quan chùa rất đặc biệt với tiền lục nhạc (sáu quả núi giữa lòng hồ tương truyền là sáu quả chuông nhà trời), hậu thất tinh (bảy quả núi sau lưng chùa tương truyền có thể phát sáng khi có ánh trăng đêm). Điện pháp chủ có pho tượng bằng đồng nguyên khối nặng 200 tấn. Ngoài ra chùa còn có 12.000 bức tranh đá núi lửa miêu tả các sự tích của Đức Phật. Chùa cũng lập một vườn cột khổng lồ với 1.000 cột đá, mỗi cột cao 12m, nặng 200 tấn. Trên đỉnh núi Thất Tinh có chùa Ngọc do các nghệ nhân Ấn Độ giáo thi công và đang hoàn thiện những chi tiết cuối cùng.
- Xem thêm: Lãng mạn và hoang sơ biển, núi Thiên Cầm
Ngay sát Tam Chúc – Ba Sao là chùa Bà Đanh. Không hiểu vì lý do gì chùa Bà Đanh vắng khách mặc dù địa thế của chùa tuyệt đẹp và chùa rất cổ kính. Ngay bên cạnh chùa Bà Đanh là núi Ngọc – một vị trí tuyệt đẹp để ngắm sông Đáy từ trên cao.