Nằm trong khu vực Tây Nam Thái Bình Dương, thuộc vùng Melanesia, New Caledonia cách Đông Australia chừng 1.500km và cách Bắc New Zealand khoảng 1.700km, bao gồm hòn đảo chính Grande Terre, nhóm đảo Loyauté và một số đảo nhỏ khác mà gộp lại có tổng diện tích 18.575km². Khi nhìn từ trên cao xuống, Grande Terre có hình dáng một trái tim hoàn hảo, khiến các du khách đặc biệt thích thú ngay từ lúc chưa đặt chân xuống đảo.
Thiên nhiên trong lành
Con người có mặt ở vùng Nam Thái Bình Dương khoảng 50 ngàn năm trước. Ngược dòng lịch sử, người Lapita đến lập nghiệp tại quần đảo New Caledonia từ 1.500 năm trước Công nguyên, còn người châu Âu biết đến nơi này vào cuối thế kỷ XVIII. Nhà thám hiểm người Anh James Cook đã đặt tên “New Caledonia” để tưởng nhớ về Scotland vì Caledonia vốn là tên cổ của Scotland. Năm 1853, người Pháp phát hiện ra nơi đây có trữ lượng khoáng sản lớn, sẽ mang lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ nên Hoàng đế Napoleon Đệ tam tuyên bố New Caledonia là thuộc địa của Pháp. Tuy đa sắc tộc nhưng New Caledonia chỉ có chừng 240 ngàn dân, trong đó người bản xứ Kanak chiếm 42,5%, người da trắng gốc Âu chiếm 37%, số còn lại là các sắc tộc khác. Trong giai đoạn 1930-1940, nhiều người Việt đã bị thực dân Pháp đưa sang đây làm phu đồn điền và New Caledonia được bà con ta gọi là Tân Đảo. Đến đầu thập niên 1960, một bộ phận khá đông đã trở về Tổ quốc nên nay người Việt chỉ còn chiếm 1,6% dân số.
Từ sân bay Tân Sơn Nhất, sau hơn tám giờ bay, vào lúc nửa đêm, chúng tôi tới sân bay Tontouta, cách Nouméa – thủ phủ New Caledonia khoảng bốn chục cây số. Nouméa chìm trong đêm đông nhưng thời tiết khá mát mẻ, nhiệt độ chỉ 22 độ C. Đường sá nơi này không thênh thang, tráng lệ, nhưng láng bóng, sạch sẽ và tĩnh lặng.
Thủ phủ Nouméa cũng là thành phố lớn nhất của đảo quốc, tuy mới hơn 150 tuổi nhưng năng động, lại rất thanh bình với chỉ khoảng 100 ngàn dân. Lối kiến trúc tại đây khá độc đáo, phù hợp với địa hình các triền núi và hài hòa với quang cảnh thiên nhiên. Hiếm thấy những tòa nhà đồ sộ cao tầng, hầu hết chỉ là những ngôi nhà vài ba tầng, mái lợp bằng tôn màu sáng, nâu hoặc đỏ. Điểm nổi bật trong quy hoạch nơi đây là giữ được những không gian rộng lớn để làm công viên hay nơi tụ họp công cộng nên thành phố lúc nào cũng thoáng đãng, không bụi bặm và ồn ào. Mọi người dân đều có ý thức giữ gìn thành phố sạch đẹp, không vứt rác ra đường, nghiêm túc tuân thủ luật giao thông… Trên phố có thể bắt gặp rất nhiều loài chim ung dung bay lượn, tụ tập trên những cành cây thấp hay thảm cỏ ven đường bất kể người xe qua lại vì chúng không bị bất cứ mối đe dọa nào từ phía con người.
Phương tiện di chuyển công cộng ở Nouméa rẻ và tiện lợi. Những du khách lần đầu đến đây như chúng tôi chỉ việc xin tấm bản đồ ở khách sạn và dựa vào đó để tìm xe đưa đến nơi muốn khám phá. Trong thành phố có tám tuyến xe bus, mỗi tuyến dài từ 25 đến 35 cây số, thời gian chạy hết một tuyến thường mất từ 40 đến 60 phút. Vì vậy, ngay trong ngày đầu đến đây, chúng tôi đã thử lên xe bus để sơ bộ làm quen với cảnh vật của thành phố này.
Ngày hôm sau, chúng tôi thuê xe hơi đến thăm các danh thắng như nhà thờ Saint Joseph, Place des Cocotiers, bãi tắm Baie des Citrons, Anse Vata, Ilot Maître… Hấp dẫn nhất là Baie de la Moselle – nơi neo đậu của hàng ngàn tàu du lịch. Hầu hết tàu được sơn màu trắng, neo thành hàng thẳng tắp, soi bóng trên nền nước biển xanh biếc, ngắm từ xa toàn bộ khung cảnh như một bức tranh nghệ thuật.
Cũng rất thú vị khi thăm Trung tâm Văn hóa Tjibaou. Giữa cây xanh, hoa cỏ có tới cả chục công trình bằng gỗ trông như những chiếc lá chắn của người thổ dân nhô lên cao, hướng về phía đại dương như sẵn sàng cảnh báo bất cứ sự xâm phạm nào. Được biết, kiến trúc sư Renzo Piano đã lấy nguồn cảm hứng chính từ bản sắc hoang dã của người bản địa để thiết kế trung tâm này và thể hiện bằng một ngôn ngữ kiến trúc đương đại hết sức tinh tế. Mỗi công trình là một gian trưng bày được dựng theo kiểu lều truyền thống của người Kanak, dẫn dắt du khách đến với cội nguồn văn hóa nơi đây. Những câu chuyện truyền thuyết lịch sử được thể hiện qua các tác phẩm hội họa, điêu khắc, qua cả những vật dụng bài trí và những đoạn video clip, mang đến cho khách tham quan những cảm nhận sâu sắc về một nền văn minh đã tồn tại qua nhiều thiên niên kỷ.
Ngọn hải đăng trên đảo Amédée
Cách thành phố Nouméa khoảng 24 cây số, đảo Amédée có chiều dài 400m, chiều rộng 270m. Trên hòn đảo nhỏ nhắn này, người Pháp đã xây một ngọn hải đăng bằng thép đầu tiên được cho là cao nhất thế giới. Người chỉ huy xây dựng công trình là ông Rigolet. Các chi tiết của tháp bằng thép được chế tạo và lắp ráp theo cụm tại công xưởng của ông ở vùng Butte Chaumont, nằm ở phía đông bắc thủ đô Paris. Tổng cộng 1.265 cụm nặng 388 tấn đã được đưa xuống tàu ở sông Seine, hướng ra cảng Le Havre và cuối cùng cập đảo Amédée.
Một lực lượng binh sĩ và nhân công bản xứ được trưng dụng để lắp ráp và xây dựng ngọn hải đăng trong suốt mười tháng. Ngọn hải đăng 56m cao tương đương với tòa nhà 20 tầng đã được đốt lửa khai trương ngày 15-11-1865 (trùng ngày lễ bổn mạng của hoàng hậu Eugénie, vợ của vua Napoleon đệ tam).
Xe bus đến khách sạn đón chúng tôi ra cảng Port Moselle. Tại đây đã có một ban nhạc sĩ chờ sẵn, đón chào du khách bằng những bài ca của người Polynésian. Tàu của Công ty Mary D Enterprises làm nhiệm vụ đưa khách ra đảo. Mất khoảng nửa tiếng là tàu tới đảo Amédée. Ngay từ xa, chúng tôi đã thấy ngọn hải đăng màu trắng hiện rõ giữa bầu trời.
Sau khi tàu cập bến, du khách được chia làm hai nhóm, nhóm đầu đi ngắm biển san hô bằng tàu lắp kính ở đáy, nhóm sau đi ngoạn cảnh trên đảo. Sau bữa cơm trưa, nhóm đã ngắm san hô chuyển sang khám phá cảnh quan trên đảo, nhường tàu cho nhóm chưa ra biển san hô.
Bờ biển san hô bao quanh New Caledonia dài hơn 1.600km. Tính theo chiều dọc, biển san hô kéo dài từ Bắc xuống Nam dài khoảng 700km, trải rộng từ 200m đến một cây số. Độ sâu ngoài vùng san hô chừng 1.000m, nhưng ở bên trong vỉa đá ngầm và những vùng phá có san hô thì nước biển nông, sâu tối đa chỉ 25m và đó là nơi có nhiều loài cá sinh sống. Thật tuyệt vời khi được lặn xuống và ngắm cảnh cá lớn, cá nhỏ đủ màu sắc, đủ hình thù nhởn nhơ bơi lội.
Sau một giờ lặn biển, chúng tôi được mời lên tàu lớn để đi xem các vỉa san hô ngầm nổi tiếng. Các ổ bánh mì được phát ra để du khách nhử cá mập đến ăn và quan sát chúng. Nhưng để nhanh chóng thu hút bầy cá mập, các thủy thủ trên tàu cột những miếng thịt sống vào dây thừng và quẳng xuống nước. Chẳng bao lâu sau, những con cá mập từ đâu hiện ra, đuổi theo đuôi tàu, nơi có dây treo những tảng thịt. Nhiều con trồi hẳn lên mặt nước đớp mồi. Đây cũng là một trải nghiệm hết sức thú vị trong chuyến thăm đảo Amédée.
Trở về bến, chúng tôi được mời bữa ăn nhẹ và thưởng thức các điệu múa của người dân trên đảo, xem biểu diễn trèo dừa, bửa trái dừa, trình diễn các cách vận y phục của các cô gái người Polynésian bằng một tấm vải lụa. Theo lịch trình, đến 4 giờ chiều, chúng tôi cần tập trung ở cầu tàu để quay trở về Nouméa. Tranh thủ một giờ còn lại, chúng tôi mua vé để trèo lên đỉnh ngọn hải đăng để ngắm cảnh. Phải leo qua 247 bậc thang xoáy trôn ốc, có lúc tôi cảm thấy hơi chóng mặt, phải ngừng lấy sức, nhưng rồi cũng leo lên được tới tận đỉnh. Từ đây có thể quan sát được mọi hòn đảo nhỏ phía dưới. Đèn của hải đăng ngày xưa có sức tỏa ánh sáng tới 25km để hướng dẫn tàu bè đi lại. Từ năm 1985 đèn dầu đã được thay thế bằng đèn điện và nay sử dụng năng lượng mặt trời.
Quả là không hề uổng phí khi ghé thăm quần đảo xinh đẹp này. Chuyến đi đã để lại trong chúng tôi những kỷ niệm khó quên về vẻ đẹp của thiên nhiên và sức sống mãnh liệt của con người giữa đại dương mênh mông, bao la.