Tổng kết một năm hoạt động, NỘI THẤT tổ chức buổi giao lưu với các kiến trúc sư trẻ, lắng nghe những tâm tình về những thành quả đã nỗ lực đạt được trong năm qua và những dự định công việc cho năm mới. Mời bạn đọc cùng chúng tôi tham dự BÀN TRÒN CUỐI NĂM.
Khi tìm hiểu hoạt động trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc và nội thất, chúng tôi lại nghe nhiều tin rất lạc quan ngược lại với tình hình biến động có vẻ bi quan từ đời sống xã hội. Với anh chị, hoạt động năm qua như thế nào?
KTS Chi Mai (LimDim House): Tuy có những khó khăn do dịch bệnh gây ra nhưng bản thân Mai cũng như LimDim House vẫn may mắn có được những dự án để cho phép mình thỏa sức sáng tạo những không gian đủ vui trong tình hình chung nhiều âu lo.
KTS Anh Nguyễn (A+H architect studio): Những biến động kinh tế ít nhiều cũng đã ảnh hưởng tới A+H architects. Quả thật, chúng tôi gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng để duy trì hoạt động; nhưng cũng nhờ thế đã giúp chúng tôi có thời gian đi chậm hơn để suy ngẫm lại mục tiêu ban đầu khi xây dựng studio.
KTS Duyên Vũ (AD+): May mắn là chúng tôi có những dự án mà yêu cầu đầu tư thời gian thiết kế tương đối dài, nên hoạt động của công ty ít bị ảnh hưởng. Thời gian sau đại dịch, chúng tôi nhận được một số dự án thay đổi cả về quy mô và loại hình, nhờ thế mà văn phòng chúng tôi phát triển đông đúc hơn đội ngũ thiết kế và một số bộ phận khác. Chúng tôi tổng kết năm 2022 là một năm thành công của AD+.
KTS Tạ Vĩnh Phúc (ROOM+ Design & Build): Một số chủ đầu tư tái khởi động việc xây dựng nên chúng hoàn thành được một số dự án đã bị tạm hoãn từ giữa năm 2021. Nhờ vậy chúng tôi vẫn duy trì được một đội ngũ nhân sự đã gắn bó với công ty trong suốt thời gian dịch Covid-19. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có thời gian để áp dụng kết quả của một số dự án nghiên cứu và phát triển vào một số dự án thiết kế và thi công. Tại khu vực miền Nam và miền Trung, chúng tôi có nhiều dự án cho năm nay và kéo sang đến năm 2023.
Xin chúc mừng tất cả các anh chị. Nhận xét về thiết kế lĩnh vực nhà ở trong thời gian vừa qua, có vẻ như các kiến trúc sư trẻ hiện nay có quá ít những thiết kế đột phá, gây ấn tượng. Chúng ta thường thấy trên các tạp chí những công trình có hình thức khá giống nhau, thiếu bản sắc riêng. Anh chị có ý kiến như thế nào với nhận xét này?
KTS Phan Văn Trần Tuấn (Hinz): Vấn đề quan trọng đối với các kiến trúc sư trẻ là trải nghiệm nhiều qua thực tế để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi “Điều gì thật sự thuộc về mình”. Những thiết kế ban đầu chỉ là cái vỏ, cần nhiều thời gian hơn để đi sâu vào bên trong. Đó là một chặng đường dài và cần nhiều sự ủng hộ và hướng dẫn.
KTS Vương Trung Hữu (HA Workshop): Nền kiến trúc đang rất năng động, các bạn trẻ đang tìm tòi và tiến bộ rất nhiều, kiến trúc đi liền với đời sống xã hội, được hỗ trợ bởi văn hóa và khoa học kỹ thuật. Ở Việt Nam mọi thứ đang phát triển nhanh, không thể so sánh với thế giới đang đi trước ta hàng trăm năm và mọi người đang tự tìm cách thích nghi với điều đó, khi học hỏi đủ thì sẽ dẫn đến đột phá.
KTS Phạm Thành Trung (STD Design): Tôi thấy nhận xét này hoàn toàn đúng nếu nói về mặt hình thức của các công trình. Nhưng trong thiết kế, lấy thí dụ như định hướng của văn phòng chúng tôi không chỉ tập trung vào mỗi hình thức mà hình thức chỉ đóng vai trò một phần nào đó của thiết kế. Chúng tôi chủ yếu nhằm vào việc cải thiện chức năng của không gian cũng như cố gắng tìm tòi tư tưởng cũng như triết lý của công việc thiết kế. Có đôi khi, chủ đích mà chúng tôi muốn đưa ra lại học theo nguyên lý tảng băng trôi của nhà văn Ernest Hemingway, một phần nổi là hình thức bên ngoài và bảy phần chìm chính là cảm xúc, ý tưởng và thông điệp của chính mỗi người tự mình khám phá nội dung bên trong.
KTS Phạm Hữu Sơn (Pham Huu Son Architects): Là một kiến trúc sư trẻ đang làm nghề, tôi nhìn nhận vấn đề này theo hướng tích cực hơn. Với những KTS đã có tên tuổi, có thương hiệu và đã khẳng định được phong cách riêng thì cơ hội để có được một thiết kế mới mang tính đột phá sẽ dễ dàng hơn khi khách hàng đã được định hình, cũng như sự thuyết phục khách hàng cũng vì thế mà dễ dàng hơn. Ngược lại, các kiến trúc sư trẻ rất mong muốn thể hiện những thiết kế sáng tạo và khao khát có được một công trình đột phá mang phong cách và bản sắc riêng vẫn luôn gặp nhiều khó khăn từ chủ đầu tư, từ đó dẫn đến những thỏa hiệp nhất định. Trong chừng mực nào đó, điều ấy chính là rào cản.
Khái niệm thiết kế xanh theo xu hướng bền vững hiện nay có tác động thế nào đến việc thực hành vào các thiết kế của các anh chị?
KTS Hứa Thành Tín (HTT Design): Nhiều kiến trúc sư cho đến nay vẫn hiểu đơn giản là cứ đem cây xanh vào công trình vào nội thất thì là có yếu tố xanh bền vững. Trong khi, công trình xanh và bền vững liên quan đến sử dụng các vật liệu, bản thân tuân thủ những nguyên lý về sử dụng năng lượng mang tính bền vững và thân thiện môi trường… Những tiêu chí này có thể tìm hiểu các tiêu chí đánh giá công trình xanh của LEED, EDGE, BREEAM…
Để thực hành xu hướng thiết kế này, mỗi khi bắt tay vào thiết kế công trình HTT Design luôn coi trọng vấn đề giải quyết sự thông thoáng và chiếu sáng tự nhiên tốt nhất có thể, tính toán hướng nắng, bóng đổ để sử dụng các giải pháp che chắn giảm thiểu bức xạ nhiệt từ mặt trời lên công trình từ đó giảm thiểu việc sử dụng máy điều hòa nhiệt độ. Từ đó, bản thân công trình hình thành các không gian hình khối chứ chúng tôi không làm ngược lại là dùng thẩm mỹ trang trí quyết định đến hình khối và không gian sống.
KTS Tạ Vĩnh Phúc (Room+ Design & Build): Theo tôi, thử thách lớn nhất của thiết kế xanh theo hướng bền vững ở Việt Nam hiện nay là vấn đề chi phí đầu tư ban đầu sẽ cao hơn, ảnh hưởng đến tính khả thi của dự án; đặc biệt là ở các công trình nhỏ như nhà ở riêng lẻ và nhà ở thuộc dự án, vốn chiếm một tỷ trọng xây dựng rất lớn trong các đô thị Việt Nam. Tuy vậy, chúng tôi luôn chú trọng đến yếu tố “xanh” cho các công trình thiết kế và thi công một cách phù hợp với thực tiễn, kể cả ở các công trình quy mô rất nhỏ. Chúng tôi xây dựng các chiến lược thiết kế bền vững và áp dụng một cách chọn lọc và xuyên suốt trong quá trình thiết kế và xây dựng các dự án.
KTS Trần Tuấn Anh (MGV Decor): Tôi nghĩ, sau những căng thẳng và nguy hiểm mà mọi người đã trải nghiệm qua đại dịch covid thì ý thức về một lối sống xanh sẽ trở nên rõ rệt trong mỗi người. Và theo đó là thiết kế xanh để tạo nên những không gian sống lành mạnh, bền vững, thân thiện với môi trường ở nhiều khía cạnh thực hành trong thiết kế và thi công. Chúng tôi luôn đề cao ý nghĩa của việc nghiên cứu để hướng đến thực hành theo xu hướng xanh và bền vững trong mỗi công trình mà mình đảm nhận.
KTS Bùi Thế Long (CTA): Hướng đến tính bền vững là xu thế chung của thiết kế hiện nay và chúng tôi cũng không đứng ngoài. Ở mọi công trình, chúng tôi luôn hướng thiết kế đến các giá trị tự nhiên, tính tương thích với môi trường, với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và yếu tố bản địa. Về mặt kỹ thuật thiết kế, chúng tôi đề cao giá trị của những mảng cây xanh, sự thông gió, chiếu sáng tự nhiên và tiết kiệm năng lượng. Chúng tôi đưa những tiêu chí ấy làm những tiêu chí hàng đầu trong thiết kế của mình.
KTS Nguyễn Thị Thanh Nga (SOI Design): Các tiêu chí của thiết kế xanh và bền vững được đưa ra rất nhiều và khá phức tạp. Tôi quan niệm, một thiết kế bền vững là thiết kế phù hợp với yếu tố địa lý, điều kiện khí hậu, văn hóa môi trường, vật liệu địa phương và tập quán sinh hoạt. Vì thế, mỗi thiết kế của chúng tôi đều tập trung giải quyết vấn đề không gian sao cho mang đến sự phù hợp nhất với lối sống của người sinh sống trong không gian ấy.
KTS Phạm Hữu Sơn (Pham Huu Son Architects): Xu hướng thiết kế xanh – bền vững đang được quan tâm và phát triển mạnh mẽ trong cả thiết kế kiến trúc – nội thất nói riêng và các ngành nghề thiết kế – sản xuất khác nói chung. Tôi nhận thấy, ngày nay các cá nhân hay doanh nghiệp ngoại quốc khi bắt đầu thiết kế hay sản xuất ra một sản phẩm gì đó để đưa ra thị trường đều quan tâm đến yếu tố “xanh”, quan tâm đến sự tác động của sản phẩm đó đến môi trường như thế nào. Các chính phủ cũng lưu tâm, có những ưu tiên và cả những chính sách – quy định cụ thể cho việc này. Rất mừng là nước ta hiện nay, xu hướng này cũng đã có các nhà thiết kế và những chủ đầu tư quan tâm. Tuy vậy, để phát triển đồng bộ và có hệ thống như ở các quốc gia khác, điển hình là Singapore, tôi nghĩ chúng ta cần thêm thời gian. Trong lúc ấy, trách nhiệm của những nhà thiết kế là tạo ra những công trình có lối thiết kế xanh ấn tượng hơn nữa, để góp phần lan tỏa xu hướng nhân văn này.
Chúng ta sắp bước vào một năm mới. Anh chị có chia sẻ gì về những dự dịnh và mục tiêu đề ra trong năm mới 2023 không?
KTS Duyên Vũ (AD+): Mục tiêu năm tới mà chúng tôi đặt ra bao gồm nhiều việc như: thay đổi hiện trạng thiết kế xung quanh, thay đổi cách ứng xử với công trình, tạo ra nhiều trải nghiệm mới, tăng sử dụng nguồn vật liệu bền vững và thân thiện, xây dựng bản sắc và tính triết lí cho mỗi thiết kế của mình. Chúng tôi mong muốn thông qua thiết kế không chỉ giải quyết các vấn đề hiện tại mà còn đưa ra các giải pháp cho tương lai của cả ngành xây dựng.
KTS Anh Nguyễn (A+H architect): Còn mục tiêu của A+H architect chúng tôi trong năm 2023 là hướng đến yếu tố địa phương trong thiết kế. Chúng tôi quan niệm, ai trong chúng ta cũng có một nơi luôn nhớ về, nơi mà bản sắc văn hóa, con người, không gian, cảm xúc và những câu chuyện kể về cuộc sống hàng ngày đã tạo nên một nét riêng không thể tìm thấy ở nơi khác. Chúng tôi sẽ nỗ lực kết nối những yếu tố địa phương ấy vào mỗi công trình.
KTS Hứa Thành Tín (HTT Design): HTT Design mong mỏi được kết hợp với các nhà tài trợ tổ chức chương trình cải tạo các công trình nhà siêu nhỏ, siêu hẹp cho các hộ gia đình nhiều thế hệ, có hoàn cảnh khó khăn sống trong những không gian chật hẹp tại thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị khác trong cả nước. Đây là ước muốn mà chúng tôi đã ấp ủ nhiều năm qua và sẽ nỗ lực để thực hiện trong năm mới này.
KTS Phạm Hữu Sơn (Pham Huu Son Architects): Chúng tôi sẽ luôn trung thành với xu hướng đưa thiết kế xanh – bền vững vào mỗi thiết kế của chúng tôi. Cụ thể trong năm mới, bên cạnh những yếu tố bền vững khác, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu và giới thiệu những công trình có thiết kế tái sử dụng nguồn nước.
KTS Tạ Vĩnh Phúc (Room+ Design & Build): Chúng tôi đã đề ra những mục tiêu rõ ràng cho hoạt động năm tới. Ở đây, tôi muốn chia sẻ một mục tiêu thú vị mà chúng tôi sẽ cố gắng đưa vào thực hiện là nghiên cứu và triển khai thiết bị thích ứng với dịch bệnh. Đây là đề tài khá hấp dẫn và chúng tôi hy vọng trong năm tới sẽ có cơ hội giới thiệu đến với mọi người.
KTS Chi Mai (LimDim House): Tiếp nối thành công từ những công trình nhà ở mang yếu tố địa phương đậm nét đã được nhiều người yêu thích trong thời gian vừa qua, trong năm mới này LimDim House cũng sẽ tập trung khai thác và ứng dụng các yếu tố bản địa trong thiết kế của mình. Điều này không chỉ đơn giản là ở các vật liệu bề mặt và các vật dụng trang trí.
____
Xin cám ơn các anh chị đã tham dự Bàn trong cuối năm. Chúc các anh chị Năm mới 2023 thành công và hạnh phúc!