Tư thế bất động (ngủ và ngồi yên) hơn 9,5 giờ mỗi ngày đã đủ gây hại cho sức khoẻ cả tinh thần lẫn thể chất.
Những người không vận động có nguy cơ chết sớm cao gấp 5 lần những người vận động thường xuyên và trong giới hạn cho phép. Một nghiên cứu mới cũng đưa ra lời khuyên hãy giảm khoảng 300 calorie thường đưa vào cơ thể mỗi ngày nếu muốn có sức khoẻ tốt hơn. Ngoài ra, tình bạn lành mạnh và tích cực có ảnh hưởng rất lớn đối với sức khoẻ.
Tình bạn đích thực là thuốc bổ
Tình bạn giúp chúng ta sống vui khoẻ hơn hay ngược lại. Bỏ ra thời gian với những người bạn “tích cực” có lợi cho sức khoẻ và hạnh phúc? Đó là câu hỏi mà y học đang tìm cách trả lời. Trong khi nhiều người chỉ chú trọng đến “ăn uống hợp lý” và “vận động cơ thể” để có sức khoẻ tốt hơn, đẩy lùi được sự tàn phá của các bệnh mạn tính thì khoa học cũng chứng minh “sức khoẻ tinh thần và vật chất có thể bị ảnh hưởng đáng kể bởi những người bạn chúng ta chọn”.
Một số nghiên cứu khẳng định lối sống tốt có thể lây nhiễm qua các mối quan hệ, dù đó là quan hệ ngoài đời thực hay trên mạng. “Béo phì, lo âu hay hạnh phúc đều có thể phản ánh qua nhũng mối quan hệ bạn bè. Chơi với những người bạn có hành vi và thói quen xấu, sớm muộn gì bạn cũng sẽ bắt chước”. Một nghiên cứu mới đây cho thấy thói quen tập thể dục có thể đến từ tấm gương của bạn bè. Sức mạnh của tình bạn không hề nhỏ.
- Xem thêm: 5 cách để giữ được tình bạn suốt đời
Tham gia vào một tập thể sống vui vẻ, năng động với đầy ắp tiếng cười, những người đang mang bệnh được cải thiện sức khoẻ thấy rõ. Sự lạc quan lây lan từ người này sang người khác. Mới đây, tờ Times Journeys đã tổ chức một chuyến đi chơi dành cho những khách mời tuổi từ 15-90 để chứng minh điều này. Một cụ ông trên 80 tuổi đã truyền cảm hứng cho nhóm về chế độ ăn uống và tập thể dục thường xuyên đã giúp ông kiểm soát bệnh tiểu đường.
Một phụ nữ 50 tuổi nói về kinh nghệm vượt qua “án tử hình” ung thư của bà, trong đó có cả niềm lạc quan và yêu đời. Sau chuyến đi, bị ấn tượng bởi những “tấm gương vượt khó”, nhiều người trẻ đã vạch ra “những cam kết phải làm” trong quãng đời còn lại, đồng thời tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ bi lụyvà tuyệt vọng. “Chơi với những người lạc quan và có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và xã hội bao giờ cũng mang lại những kết quả tích cực hơn là chơi với những người suốt ngày chỉ say xỉn, than thở và nói về những bi quan trong cuộc sống. Sớm muộn gì bạn cũng có tác phong như họ”.
Dan Buettner, một nhà báo của tờ National Geographic nói. Ông đã nghiên cứu thói quen đối với sức khoẻ của những người sống trong “những vùng xanh” (blue zones) trên thế giới, nơi có tuổi thọ cao hơn nhiều so với tuổi thọ trung bình ở nhiều nơi khác. “Tình bạn có thể tạo ảnh hưởng tích cực và lâu dài đối với lối sống, bổ sung quan trọng cho ăn kiêng và tập thể dục”-Buettner nói. Tại Okinawa (Nhật Bản), nơi tuổi thọ trung bình của phụ nữ trên dưới 90, thọ nhất thế giới, người dân có truyền thống thành lập những nhóm bạn 5 người gọi là “moai” để chia sể với nhau nhiều vấn đề cùng quan tâm, kể cả việc cưới hỏi, tang gia và các khó khăn tài chính khác.
Buettner nhận xét: “Đây là ý tưởng rất hay. Có những bậc cha mẹ đưa con vào moai ngay khi chúng vừa sinh ra. Suốt cuộc đời, nhóm bạn này luôn sát cánh bên nhau và lối sống tốt cho sức khoẻ được truyền trao cho nhau”. Buettner đang làm việc với các quan chức y tế Mỹ để thành lập các hình mẫu moai tại hơn 20 thành phố. Ông đã đến thăm các nhóm moai mở rộng (đi bộ chung và sinh hoạt chung) tại thành phố Fort Worth, Texas và thấy kết quả rất khích lệ.
Đừng lười vận động nếu không muốn chết sớm
Tạp san y học BM vừa công bố một báo cáo nói về tầm quan trọng của hoạt động thể chất đối với việc kéo giảm nguy cơ chết sớm ở tuổi trung niên và tuổi già. Hầu như mọi nghiên cứu y học đều khẳng định bất cứ “tác phong tĩnh tại” (sedentary behavior) nào như ngồi yên, nằm yên một chỗ đều không tốt cho sức khoẻ. Một chuyên gia sức khoẻ cộng đồng cảnh báo: “Sức khoẻ yếu ở tuổi 30 sẽ quyết định sức khoẻ của trái tim lúc qua tuổi trung niên!”.
- Xem thêm: Chúng ta có… chơi nhiều quá?
Một nghiên cứu mới do giáo sư Ulf Ekelund thuộc Trường Khoa học Thể thao (SSS) ở Oslo (Na Uy) chủ trì đã chứng minh về mối quan hệ “nhân quả” giữa lối sống lười vận động và nguy cơ chết sớm của mỗi cá nhân. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng thiết bị accelerometer mang theo người để đo khối lượng và cường độ tất cả các hoạt động thể chất diễn ra hàng ngày theo ba cấp độ: nhẹ, trung bình và nặng. Nấu ăn và giặt giũ được xem là vận động nhẹ.
Đi bộ nhanh và làm cỏ vườn được xếp vào loại vận động trung bình. Còn chạy bộ, tập tạ và mang vật nặng được xem là vận động nặng. Kết quả, nguy cơ tử vong sớm của những người tham gia nghiên cứu thuộc nhóm “không vận động” cao gấp 5 lần những người vận động nhiều nhất. Nghiên cứu được tiến hành tại Mỹ và châu Âu trên 36.383 người lớn từ 40 tuổi trở lên với tuổi bình quân 62 và số liệu được thu thập trong vòng 6 năm.
Như vậy, nghiên cứu không áp dụng cho thành phần dân số dưới 40 tuổi. Hiện nay Viện Y tế Mỹ (NIH) khuyến cáo là mỗi người nên vận động ôn hoà ít nhất 150 phút mỗi tuần hay vận động nặng ít nhất 75 phút mỗi tuần tuỳ theo nhóm tuổi. Nhưng nghiên cứu mới đánh giá hướng dẫn này là “không chính xác lắm”, vì chỉ dựa vào “tự khai” của các cá nhân” tham gia, mà thông điệp về sức khoẻ nên đơn giản thế này cho dễ hiểu: “Hãy ít nằm, ngồi và dịch chuyển lúc có thể!”.
Coi chừng chết sớm vì nạp nhiều năng lượng!
Thống kê cho thấy có khoảng 610.000 người Mỹ chết vì bệnh tim mỗi năm, chiếm 25% tổng số người chết (theo Trung tâm kiểm soát và ngừa bệnh-CDC). Bản hướng dẫn chế độ ăn áp dụng từ những năm 2015-2020 (US Dietary Guidelines) ở Mỹ lưu ý phụ nữ trưởng thành cần nạp vào cơ thể khoảng 1.600-2.400 calorie mỗi ngày và nam giới trưởng thành cần khoảng 2.000-3.000 calorie tuỳ lứa tuổi, chiều cao, trọng lượng và hoạt động thể chất.
Nay, một nghiên cứu mới cho thấy “nếu giảm được 300 calories trong chế độ ăn hàng ngày chúng ta sẽ cải thiện được đáng kể sức khoẻ tim mạch, ngay cả khi đang cân nặng”. Bạn có thể làm việc này dễ dàng như bỏ bớt một miếng bánh phô mai trong món tráng miệng. Trong 2 năm nghiên cứu, nhóm giảm số calorie đưa vào cơ thể đã hạ được huyết áp và mức cholesterol xấu (LDL) xuống mức an toàn. Mật độ triglyceride, một loại chất béo trong máu, cũng giảm 24%.
Kết quả nghiên cứu được đăng trên tờ The Lancet Diabetes & Endocrinology. “300 calories là con số bình quân những người tham gia nghiên cứu giảm được – tiến sĩ William Kraus, giáo sư tại Trường Y thuộc Viện đại học Duke ở Durham, bang North Carolina (Mỹ) nói – Tập thể dục và giảm calorie là hai sự can thiệp mà ai cũng có thể thực hiện để giảm nguy cơ tim mạch. Không có loại thuốc nào có sẵn trên thị trường làm được điều kỳ diệu như giảm calorie”.
Vậy giảm calorie đưa vào cơ thể đã bảo vệ trái tim bạn thế nào? Nghiên cứu được thực hiện trên 218 người lớn khoẻ mạnh, tuổi từ 21 đến 50 tại 3 bệnh viện ở các bang khác nhau. Từ những năm 2007-2010, 143 người lớn được chọn ngẫu nhiên vào nhóm giảm 25% calorie so với số calorie tiêu thụ bình thường (chỉ còn 2.170 calorie so với 2.467 calorie). 75 người lớn còn lại vẫn ăn theo chế độ “ad libitum” hay “free-feeding”, tức không giảm.
Trong 2 năm nghiên cứu, chỉ có một số người duy trì được mức giảm 25%. Số khác không làm được. Mỗi nhóm được kiểm tra mức cholesterol, huyết áp và mật độ triglyceride định kỳ. Đây là 3 yếu tố ảnh hưởng đến tim mạch và nguy cơ lên cơn đau tim. Nghiên cứu kết luận: “Những người tuân thủ đúng chế độ ăn giảm calorie đã hạ được đáng kể mức cholesterol toàn phần và LDL cholesterol sau hai năm trong khi ở nhóm đối chứng sự thay đổi là rất nhỏ”. Nghiên cứu cũng phát hiện ra ở nhóm giảm calorie, huyết áp giảm sau 6 tháng, ổn định sau 1 năm và duy trì đến hết thời gian nghiên cứu.
Đây là nghiên cứu bài bản đầu tiên về ảnh hưởng của việc giảm calorie đối với sức khoẻ tim mạch của “người trẻ khoẻ mạnh không béo phì và người trưởng thành truổi trung niên”. “Vấn đề còn lại là những người tham gia có duy trì được chế độ giảm calorie sau 2 năm kết thúc nghiên cứu hay không dù chúng tôi đã tư vấn cho họ về sự cần thiết của việc tiếp tục. Thực phẩm lành mạnh có dễ tiếp cận tại nơi họ sống không cũng là một yếu tố. Ngoài ra, thuế đánh vào thực phẩm không lành mạnh như đường cũng giúp loại bỏ nhiều thực phẩm làm tăng calorie” – tiến sĩ Subbarao Myla, giám đốc phòng thí nghiệm tim mạch Cardiac Cath Labs tại bệnh viện Hoag Memorial Hospital Presbyterian ở Newport Beach, bang California, nói.
“Nếu nghiên cứu có một khiếm khuyết là chúng tôi không theo dõi hoạt động thể chất của người tham gia mà chỉ chú trọng giảm calorie để giảm cân và làm chậm quá trình lão hoá” – TS Frank Hu, giáo sư và chủ nhiệm khoa Dinh dưỡng tại Trường Y tế cộng đồng T.H. Chan thuộc Đại học Harvard ở Boston, nhận định trong bài viết đi kèm báo cáo nghiên cứu.