Một năm cũ trôi qua, chào đón chúng ta là năm mới cùng dự định mới ở phía trước. Với những gia chủ và nhà chuyên môn sắp xây hay sửa nhà, có không ít vấn đề, bài học có thể đúc kết để giúp cho không gian sống ngày càng hợp lý, an lành và hòa hợp hơn. Đó cũng là những tiêu chí mà phong thủy xưa truyền lại và phong thủy nay luôn hướng tới, trước tiên là thái độ ứng xử thuận với môi trường, hợp với lòng người.
Có nhiều quan niệm – tiêu chuẩn khác nhau về chốn an cư, nhưng các tác động về môi sinh, môi trường như nhiệt độ, gió, ánh sáng… lên không gian sống luôn là vấn đề cơ bản và thiết thực nhất. Không gian mở ra đến mức nào để đủ đón gió lành cho ngôi nhà, giảm nắng gắt mưa tạt gió lùa? Không gian đóng đến mức nào để đảm bảo sự thông thoáng tích cực và chủ động đối phó trước các tác động xấu của biến đổi khí hậu? Những câu hỏi này đều liên quan đến việc bố trí không gian đóng hay mở nhằm phù hợp với điều kiện vi khí hậu, kinh tế và cấu trúc cụ thể của mỗi nhà.
Đóng – mở có mức độ
Từ nếp nhà truyền thống xưa, có thể nhận ra cha ông ta không hề đóng mở tùy thích, mà có tính toán cẩn trọng như thế nào. Từ những “vợ đàn bà – nhà hướng nam” hay “trước cau – sau chuối”…, các truyền tụng dân gian về phong thủy đã chiếm trên 50% là kinh nghiệm ứng xử với thiên nhiên. Không phải cứ mở rộng cửa về hướng có gió vào là tốt, vì gió từ hướng nào thì tốt cần đón nhận mà hướng nào thì xấu cần phải che chắn đều phải xác định rõ ràng. Gió mùa đông bắc, gió quẩn, gió lùa… thì nhất quyết không nhận, không tiếp, không dẫn vào nhà được. Từ những tấm phên đan bằng tre của nếp nhà đồng bằng, đến bờ tường xếp đá của ngôi nhà miền núi đều có tác dụng giúp gió xấu không thể xâm nhập. Và muốn gió vào thì phải có chỗ để gió ra, đối lưu tạo dòng chuyển động khí nhằm đón sinh khí thoát thán khí, ấy cũng là triết lý phong thủy sơ đẳng nhất. Rồi tùy theo vùng miền và cấu trúc nhà cụ thể mà bố trí các điểm phân tán gió để tránh gió quẩn, đắp gò trồng cây lá dày để ngăn gió lạnh, mở cửa lệch trục để giảm các khối khí lưu thông thẳng hàng nhau gây ra gió hút gió lùa… luôn là những kinh nghiệm đáng quý cần kế thừa. Với những ngôi nhà bố trí hệ thống thông gió thường xuyên và thông phòng (ví dụ dùng lam, cửa sổ lật trên cao, giếng trời hở, cửa chớp…) thì sẽ ít xảy ra hiện tượng gió lùa vì không có chênh lệch áp suất không khí nhiều giữa các vùng không gian.
Hiện nay, với dạng nhà chung cư, có thể đặt tại lối vào các chức năng cần “đóng” như bếp, vệ sinh, còn nên dành phần “mở” ra phía sau (ban công, logia) dành cho các không gian sinh hoạt (ở Hongkong và Singapore xem xét phong thủy rất kỹ cho căn hộ cũng thường bố trí như vậy). Việc tính toán mức độ thoáng mở có phân cấp (từ nhiều đến ít) sẽ giúp giảm các luồng không khí xấu lưu chuyển trong nhà, nhất là từ khu vực có khí thải và nước thải nhiều như phòng vệ sinh hoặc bếp, theo nguyên tắc Tọa Hung Hướng Cát, tức là đặt không gian bếp núc vệ sinh nhà kho về vùng xấu của nhà, và hướng các vị trí sinh hoạt cơ bản được đón nhận luồng khí tốt.
Tiếp thu đúng các giá trị truyền thống
Như vậy, không phải chỉ kiến trúc hiện đại mới quan tâm và biết xử lý vấn đề đóng hay mở trong không gian, mà thực ra đây là vấn đề muôn thuở từ khi con người biết làm nhà, lập làng mạc, xây thị tứ… đều phải thuận thiên (nhiên) mà sống. Ta để ý nếp nhà truyền thống Việt Nam về bản chất là một không gian mở – open space – liên tục và đồng nhất dưới một bộ mái, chỉ dùng các ngăn chia nhẹ nhàng, tính chất nội thất lưu chảy ít đứt đoạn và tạo nên một cơ cấu nhà nhiệt đới theo dạng ngoài đóng trong mở khá thích hợp với thực tiễn sử dụng. Nhưng so với vùng khí hậu nhiệt đới nóng khô (Trung Cận Đông, Bắc Phi…) có giải pháp đóng kín bên ngoài hoàn toàn, cửa sổ ít, tránh bão cát… thì ngôi nhà truyền thống nhiệt đới gió mùa nóng ẩm mưa nhiều của chúng ta xử lý đóng mở theo kiểu cân bằng âm dương: bên ngoài đóng với rào dậu cây xanh, với mái hiên cửa chớp, với phên liếp tre nứa… nhưng luôn có trên bề mặt vô số những khoảng hở để gió vẫn lưu thông mà nắng thì dừng bước. Còn bên trong mở nhưng không hề trống trơn kiểu tối giản hay ốc đảo sa mạc, mà xếp đặt định vị không gian bằng vật dụng, bình phong, lối đi… một cách mềm mại, thấp thoáng, che chắn uốn lượn qua lại… để vừa giảm tốc độ gió, vừa tránh các tia nhìn xuyên thấu, đồng thời giữ được sự kín đáo mang tính Âm của văn hóa nông nghiệp (riêng tư, nhẹ nhàng, trọng tình, ít động…).
Ngôi nhà Việt hiện đại có thể tiếp thu phần nào nguyên tắc đóng – mở nêu trên như dùng hành lang, mái hắt bên ngoài vươn rộng, che chắn bức xạ, nếu cần thì đóng lại theo kiểu tường hoa, che mảng lam đối với các hướng xấu, mở ra dưới dạng hàng hiên, cửa gấp đối với các hướng tốt. Chỗ nào cần gió mát như khu tiếp khách, ngủ, làm việc (có mức độ “mát” khác nhau) thì đặt và mở về các vị trí đón gió chủ đạo. Còn các khu vệ sinh, bếp hoặc kho thì nên tựa vào các hướng “xấu” và vẫn phải trổ cửa đối lưu không khí với bên ngoài chứ không thể đóng hoàn toàn. Dĩ nhiên phòng vệ sinh thời hiện đại có nhiều thiết bị thư giãn cao cấp thì không thể gọi là “khu phụ” hay là “khu xấu” được, nhưng nếu xét theo ưu tiên thì gió mát vẫn phải dành cho phòng ngủ, phòng sinh hoạt, nơi ẩm thực… như cha ông ta đã làm rất đúng với kiểu nhà có gian, có hiên, có chái…, mở và đóng hợp lý. Có thể thấy nhiều công trình gần đây của kiến trúc Việt hiện đại được ghi nhận sự sáng tạo trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc giá trị truyền thống, bên cạnh đó cũng còn không ít ngôi nhà vẫn nặng về hình thức, chưa khai thác được lợi điểm khí hậu của cơ chế đóng mở hợp môi trường nhiệt đới nêu trên.
Đóng – mở theo chiều cao
Trong điều kiện nhà ống, nếu thiếu khả năng thông gió ra các bề mặt chung quanh thì cần quan tâm đến việc đóng – mở theo cả chiều cao nữa. Ví dụ sử dụng cửa trời, cửa mái, lam lật… để điều tiết lượng nắng gió vào nhà là kinh nghiệm các nhà ống ở Hội An, Hà Nội đã làm khá hiệu quả từ xưa. Hoặc có thể thay đổi độ cao toàn nhà bằng cách thiết kế không gian thông tầng, không gian lệch tầng nhằm giúp không khí được luân chuyển theo dạng chéo. Lệch tầng đi kèm với giếng trời trong nhà ống hẹp sẽ giúp ánh sáng và gió phân bố đều hơn, tạo các tầm nhìn phong phú, thay vì phân tầng thẳng suốt. Cần lưu ý những không gian tập trung nhiều người, bố trí nội thất hay bị xáo trộn do sinh hoạt như phòng khách, bếp ăn, sảnh chính,… thì nên làm thông thủy cao, còn các không gian riêng tư như phòng ngủ, phòng làm việc, nhà vệ sinh… cần tính độ cao tương ứng với tỷ lệ người sử dụng. Có thể tính toán vật dụng và mở cửa sổ thông gió tỷ lệ với chiều cao phòng, như phòng ngủ cao có thể dùng giường tầng hoặc làm như một gác lửng bên trên để ngủ, bên dưới là bàn làm việc, khi đó cần có cửa thông gió trên cao. Còn phòng ngủ thấp, nằm trên sàn hoặc dùng giường thấp thì bố trí cửa cũng cần hạ thấp tương ứng để gió vào phòng tương ứng vị trí sinh hoạt thường xuyên, giảm bớt các vùng khuất gió trên mặt cắt.
Việc đóng hay mở ra bên ngoài còn liên quan đến tổng thể sử dụng vật liệu trong xây dựng và hoàn thiện, với nhà xưa do bao cảnh thiên nhiên nhiều nên không gặp vấn đề tích nhiệt và phản xạ nhiệt từ bên ngoài vào nhà. Nhà hiện đại nếu không đánh giá đúng sẽ có thể chịu tác động nhiệt và gió (Hồi Phong Phản Khí) của các bề mặt chung quanh như mặt đường, sân, nhà lân cận… Khi đó cấu trúc đóng mở sẽ phải gia giảm cho hợp lý, thậm chí phải thay đổi bề mặt như làm hồ nước, trồng cây leo dạng greenwall để cải tạo tích cực bao cảnh chung quanh.
Năm mới sẽ có những ngôi nhà mới mọc lên, nhưng các vấn đề về môi trường sống thì vẫn vậy, vẫn là chuyện muôn thuở cần rút kinh nghiệm cho ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua. Cách xử lý không gian đóng hay mở đồng nghĩa với việc biết chọn giải pháp bố cục, vật liệu, kết cấu… hiện đại sao cho hợp với điều kiện sử dụng và khí hậu, song hành với giảm thiểu trang trí rườm rà, tạo nhiều khoảng trống giúp ngôi nhà “hô hấp” tốt hơn, người cư ngụ có được môi trường sống tiện ích và hài hòa hơn.
- Ảnh Xuân Trang