Từ mục đích ban đầu là một mạnh thường quân có mong muốn nhân rộng mô hình nhà ở tình thương ở vùng Tây Nam Bộ-quê hương anh, mô hình nhà tình thương kinh phí thấp đã được thiết kế.
Dự án Món quà màu xanh là thiết kế mô hình ‘Nhà tình thương kinh phí thấp’ do công ty CTA – Creative Architects vừa đoạt giải Nhì của cuộc thi Cuộc thi “Sáng kiến vì cộng đồng” do Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản, Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức hai năm một lần.
Dự án được hình thành từ một mạnh thường quân (đã thành lập Quỹ phát triển quê hương Tiền Giang và xây các công trình nghĩa tình: cầu qua kênh rạch ở vùng sâu vùng xa) có mong muốn nhân rộng một mô hình nhà ở tình thương ở vùng Tây Nam Bộ. Ngôi nhà với tiêu chí phù hợp cho một gia đình neo người (từ 3-4 người, gia đình khuyết cha hoặc mẹ hoặc chỉ có ông/bà và cháu), kinh phí tối đa 50 triệu.
Mô hình nhà ở với kích thước 4x4m cơ bản, đi cùng là định nghĩa về “không gian sống tối thiểu” là gì? “Không gian sống tối thiểu” sẽ đi về bản chất không gian sống nào thật sự cần thiết bao che hay không bao che, từ đó, tiết kiệm tối đa chi phí xây dựng. Việc tiết kiệm thời gian, nhân lực do phương pháp thi công cũng là một yếu tố quan trọng.
Diện tích nhà ở có thể tăng theo số người sử dụng. Việc bố trí các không gian đặc, rỗng, phù hợp với công năng sử dụng, cùng hệ cây xanh bao bọc giúp giúp ngôi nhà thông thoáng, giảm nhiệt, hạn chế sử dụng năng lượng cho chiếu sáng, làm mát. Hình thức kiến trúc hòa lẫn vào cảnh quan vườn tược xung quanh cũng giúp giữ được cảm giác thân thiện, gần gũi với nếp sống hay kiến trúc nông thôn địa phương.
Mô hình này còn tạo ra công ăn việc làm cho nhân công địa phương và có thể trở thành một nghề lâu dài cho nhóm nhân công chuyên xây dựng mô hình nhà ở này, khi nhân rộng ở các địa phương khác hay tạo các biến thể, phát triển thành trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng…tùy nhu cầu sử dụng.
Để dự án này phát triển, yêu cầu về mặt kinh phí, khả năng xây dựng dễ dàng, nhanh chóng, nhưng vẫn đáp ứng các nhu cầu về công năng, hình thức, gần gũi với người sử dụng là những yêu cầu cần giải quyết.
1. Mô tả mô hình nhà ở
Vị trí mô hình thử nghiệm đặt tại các khu đất trống hay vùng nông thôn chưa sử dụng, đất được cho hay mượn. Qua quan sát và nhóm các không gian chức năng sống, mô hình nhà ở được chia làm hai vùng không gian:
a. Vùng lõiNơi các hoạt động cần bảo vệ, cần sự kín đáo (ngủ, vệ sinh, cất trữ tài sản…). Vùng lõi là không gian duy nhất cần tường kín bao che.
Từ việc nghiên cứu kích thước cơ bản cho các hoạt động sống của con người. Nhóm đưa ra kích thước 4m x 4m cho vùng lõi, bố trí gọn nhất với 2 khu vực chức năng với các kích thước tối thiểu:
- Khu vệ sinh: 2.9m x 1.2m (dài x rộng) cho vòi tắm, xí và bồn rửa **
- Khu ở, ngủ và tủ chứa đồ: phản ngủ 2.5m x 2m, tủ chứa đồ 1.8m x 0.6m
b. Vùng đệm
Nơi các hoạt động không cần sự kín đáo (không gian sinh hoạt chung, ăn uống, nấu nướng, học hành, làm việc, chơi đùa,…).Vùng đệm là không gian mở, nửa trong nửa ngoài, chỉ cần mái che.
c. Vành đai xanh
Xung quanh mái che là giàn cây dây leo, rau xanh như bầu bí, mướp đắng, thiên lý có tác dụng làm mát, cản bớt nhiệt, mưa tạt nhưng vẫn thông thoáng, vừa góp phần gia tăng thực phẩm cho gia đình, vừa tạo cảm giác thân thiện, gần gũi.
Khối nhà bao bọc bời hệ cây xanh cũng hòa nhập với cảnh quan vườn tược xung quanh.
Lớp không gian đệm được bao ngoài với vành đai xanh là không gian sử dụng nhiều nhất trong ngày (2/3 ngày). Không gian này được chiếu sáng, thông gió tự nhiên, vừa có chức năng sử dụng cho sinh hoạt chung, vừa che mát, giảm nhiệt cho khối lõi.
2. Xây dựng
- Từ việc xác định không gian sống tối thiểu, diện tích xây dựng tường-thành phần chiếm nhiều kinh phí cũng được giảm xuống tối thiểu giúp giảm chi phí xây dựng.
- Bên cạnh đó, việc sử dụng các tấm bê tông nhẹ đúc sẵn 2.4m x 0.5m thay thế các bức tường gạch thông thường cũng giảm chi phí và thời gian nhân công xây dựng.
- Các cấu kiện ngôi nhà từ các vật liệu đơn giản: sàn ximang hồ dầu, khung nhà sắt, tường tấm bê tông lắp ghép, mái lợp tôn. Tất cả vật liệu xây dựng đều là thông thường, dễ dàng tìm thấy trên thị trường.
- Hệ mái dốc tương tự hình thái mái phổ biến ở địa phương. Hệ mái dốc về 1 phương giúp thu nước mưa về 1 bên mái để tái sử dụng cho nhu cầu tắm giặt, tưới tiêu,…
- Việc xây dựng theo phương pháp lắp ghép cũng giảm ô nhiễm môi trường do quá trình xây dựng so với phương pháp thông thường.
- Cách xây dựng và vận chuyển vật liệu xây dựng cũng đơn giản và nhanh chóng giúp khả năng tiến hành và nhân rộng mô hình dễ dàng.
3. Đối tượng hưởng lợi-Hướng phát triển
Đối tượng hưởng lợi từ dự án trước tiên là các hộ gia đình khó khăn cần một mái ấm.
- Việc xây dựng công trình tạo ra công ăn việc làm cho nhân công địa phương và có thể trở thành một nghề lâu dài cho nhóm nhân công chuyên xây dựng mô hình nhà ở này khi nhân rộng mô hình ở các địa phương khác.
- Mô hình nhà ở với kích thước 4m x 4m là diện tích cơ bản, diện tích nhà ở có thể tăng theo số người sử dụng. Mô hình nhà ở cũng có thể phát triển thành trường học, nhà công cộng, không gian cộng đồng tùy nhu cầu sử dụng.
Năng lực và động cơ của mạnh thường quân tài trợ rõ ràng và đã duy trì trong nhiều năm với các công trình tình thương đã xây dựng. Việc chia sẻ mô hình để tìm thêm được các mạnh thường quân, đơn vị hỗ trợ là việc làm tiếp theo. Số lượng nhà tình thương xây được càng lớn thì sức lan tỏa đến cộng đồng càng lớn, càng tạo được cơ hội cho cộng đồng biết đến để cùng nhau nhân rộng mô hình.