Diện mạo mặt ngoài ngôi nhà ra sao phụ thuộc vào góc nhìn và cảm nhận không gian của chủ nhân cũng như của người quan sát từ bên ngoài. Nhà cùng dãy liên kế giống nhau nhưng nếu thay đổi màu sơn hay màu vật liệu ốp tường sẽ mang lại ấn tượng thị giác khác nhau. Cùng tìm hiểu màu sắc mặt tiền nhà hợp phong thủy mà vẫn theo xu hướng.
Thời xưa chưa có nhiều điều kiện nhưng cha ông ta mỗi năm đều sơn vôi lại ngôi nhà và tường rào, vừa để làm vệ sinh, tẩy rửa bụi bặm của năm cũ, vừa đem lại sức sống và cảm nhận tươi mới hơn – đó cũng chính là cách dùng màu đem lại vượng khí.
Màu theo phương hướng và tương quan
Có nhiều nguyên tắc để chọn lựa màu sắc và vật liệu hoàn thiện mặt ngoài nhà, nhưtheo bảng màu tương sinh, tương phản hay đồng điệu…, chủ yếu theo các nguyên tắc sinh – khắc của ngũ hành. Màu sắc tác động mạnh vào thụ cảm của người sử dụng ở bên trong, còn phối màu cho mặt ngoài nhà thì không nhất thiết phải căn cứ vào bản mệnh gia chủ mà cần quan tâm đến hướng nhà, nội dung công trình và hiệu quả giao tiếp, thẩm mỹ với cảnh quan kề cận.
Ngoài khu trung tâm thuộc Thổ, các hành khác cũng sẽ phân bố theo ngũ hành của hướng. Cụ thể là: Bắc Thủy, Nam Hỏa, Đông và Đông Nam thuộc Mộc, Tây và Tây Bắc thuộc Kim. Đông Bắc và Tây Nam thuộc Thổ. Biết được yếu tố Ngũ hành giúp tạo ra cơ sở phân bố màu sắc, chất liệu trên bề mặt nhà cho hài hòa, chỗ nào cần sinh vượng, chỗ nào cần khắc chế. Ví dụ như bố trí lam gỗ đi cùng mảng xanh nên nằm về hướng Đông và Đông Nam (Thủy Mộc tương sinh), hoặc nhà quay về hướng Nam thuộc Hỏa nên bố trí hồ nước để Thủy khắc chế bớt Hỏa vượng, mát mẻ hơn. Tương tự, trong ngôi nhà hiện đại, mặt Tây hay Tây Bắc nắng gắt có thể bố trí lam bê tông, lam nhôm kính với gam màu trắng, xám, kim loại, hoặc đen (tương sinh Kim và Thủy) nhằm giảm bức xạ, hợp ngũ hành của các hướng này.
Thực tế chứng minh cùng một mã màu, một cách thức sơn phủ, một kiểu ốp lát gạch… nhưng nếu bề mặt tường và mái nhà nhận ánh sáng khác nhau và hình khối lồi thụt khác nhau thì hiệu quả thẩm mỹ và phong thủy sẽ khác biệt.
Tương hòa là cách chọn bảng màu đồng bộ toàn nhà. Ví dụ: nhà hình khối chủ yếu theo lối hiện đại, dùng bề mặt trắng sáng nhiều (tăng dương), và chọn thêm một hoặc hai màu có tính âm nhiều hơn để cân bằng lại ở các khu vực kết thúc hoặc cần phân biệt. Với dạng nhà có nhiều chi tiết hoa văn cũng nên chọn cách dùng màu tương hòa để khai thác vẻ đẹp chi tiết mà không bị diêm dúa sặc sỡ.
Cách phối màu tương phản thì dựa vào sự đối lập để nổi bật yếu tố chính, tách bạch phông nền với đối tượng chủ đạo. Ví dụ: cả khối nhà thuần gam màu xanh nhạt và xám (Thủy, Kim) có một mảng nhấn màu đỏ sậm như một chủ ý tạo khác biệt. Hoặc không gian nhà tạo hình nhiều mảng tường phẳng, nét ngang (thuộc Thổ) thì màu xanh lá hay màu gỗ có thể bổ sung yếu tố nổi bật trong không gian.
Màu sắc nhà vườn
Nhà ở nông thôn trong điều kiện kinh tế khó khăn thường có màu sắc thuần âm (nhà tranh vách đất, nhà gỗ) có thể mang đến cảm giác buồn tẻ. Còn nhà vườn hiện đại kiểu Tây phương lại dùng màu thuần dương nhiều hơn (màu tươi, mạnh, hoặc trung tính, vật liệu sáng) tạo sự nổi bật. Cả hai cách làm này xét toàn diện trong thời hiện đại đều chưa cân bằng âm dương. Cách khắc phục là nếu nhà đặt trên nền đất cao, cây cối chung quanh ít, thưa, thoáng, thì dùng màu sắc – chất liệu sẽ nghiêng về âm nhiều hơn. Ngược lại nếu khu vườn rậm rạp, đất thấp, bóng râm nhiều, gần mặt nước… thì ngôi nhà nên bổ sung yếu tố dương như bề mặt trắng sáng, mảng miếng rộng. Không nên lấy một mẫu nhà nào rồi áp đặt vào, bởi tùy theo phương hướng, địa phương, ánh sáng… mà điều chỉnh màu sắc cho tương hợp.
Với dạng nhà vườn theo lối truyền thống Việt Nam mang tính Mộc và Thổ, thiên về chất liệu tự nhiên thì gam màu vàng và nâu, xanh lá, trắng kem… là phù hợp. Còn ở kiểu nhà vườn theo lối phương Tây cổ điển thì sử dụng gam màu tương phản sẽ hợp, như trắng làm nền đi với đỏ, cam, màu gạch trần để mang tính Hỏa – Thổ tương sinh. Trường hợp gia chủ chuộng hình khối nhà vườn kiểu phương Tây hiện đại, tạo hình thiên về mảng khối, mạnh mẽ và nổi bật, tính Kim và Thủy nhiều thì gam màu thích hợp là trắng và xám, có viền nhấn đen khung kính để nổi bật hơn. Gần đây xu hướng nhà vườn nhiệt đới đương đại mang đặc tính bộ ba Kim – Thủy – Mộc có bảng phối màu trung tính (trắng xám, vàng ngà) đi với màu của hệ mái và lam gỗ khá hài hòa phong thủy.
Nếu ngôi nhà thuần túy để ở kiểu hiện đại chứ không phải là kiến trúc cổ điển, dinh thự phục chế, không phải là cửa tiệm hay quán xá thì nên tránh làm bên ngoài mặt đứng các chi tiết đắp nổi hoa lá, tượng thần, linh vật, sơn phết màu mè… Các chi tiết du nhập từ nơi khác sẽ có thể gây ngộ nhận về thị giác, khó hòa hợp với các sinh hoạt đương đại và luôn tồn tại nhiều dị biệt về văn hóa.
Màu sắc cho nhà phố nhiều tầng
Nhà phố nhiều tầng vẫn là lựa chọn phổ biến trong các đô thị. Với đặc thù chiều ngang hẹp, vươn lên theo chiều cao, việc bố trí hình khối, màu sắc ngoại thất rất cần cân nhắc để đạt được sự hài hòa về thẩm mỹ và phong thủy.
Làm nhà nhiều lầu theo kiểu… xếp chồng các lầu giống hệt lên nhau không hẳn là sai hay xấu nhưng không đạt được sự dẫn dắt trên – dưới về hình thế và trường khí. Bởi càng lên cao tính dương càng tăng, tính âm giảm (ánh nắng, gió nhiều hơn) nên cần bổ sung âm – dương cho trên dưới hài hòa. Việc bố trí các mảng lồi hay lõm, cong hay thẳng, vuông hay tròn… của mặt ngoài nhà cũng liên quan đến yếu tố hài hòa âm dương. Quá thuần dương sẽ gây cảm giác bít bùng nặng nề, tù hãm nội khí hoặc ngược lại, thuần âm nhiều dễ tạo sự trống trải, gây tán khí, cảm giác bất an. Vì vậy, tùy theo hướng khí hậu, hướng giao tiếp mà bố trí trên cơ sở bổ sung các yếu tố màu sắc tương đồng và tương phản để xác định chính phụ, tạo sự hài hòa. Cũng cần tránh làm mặt ngoài nhà theo lối “đồ giả”, tức là chỉ có bề mặt ngoài hoành tráng, còn bên trong sử dụng không tương ứng cấu trúc, thiếu thuận tiện, ấy là phạm phải vấn đề hình thức và nội dung không tương đồng nhau.
Dáng vẻ bên ngoài của ngôi nhà còn phụ thuộc vào cảnh quan chung quanh. Nguyên tắc của phong thủy là ngôi nhà tránh lấn áp ngoại cảnh, nên tương đồng với các nhà lân cận và giữ được tính khiêm. Phong thủy xưa gọi trường hợp cùng dãy phố mà có nhà nhô ra khác thường là “cô nhạn xuất đầu”, hoặc nhà thụt vào đột ngột là “thác nha” (răng khập khễnh), đều là những hình thế bất lợi. Phàm nhà ở đã cùng dãy là cùng hướng nạp khí, nên nương theo nhau để hài hòa chung các lợi ích về khí hậu, cảnh quan. Không cần lồi thụt mà cứ làm lồi thụt, thiếu nhất quán về hình khối, vật liệu và màu sắc, thích gì gắn nấy lên mặt ngoài… chính là không biết đến tính khiêm. Nhà thiếu khiêm như người ngạo nghễ, lẻ loi và không thuận lý với môi trường.
Tất nhiên dù tương đồng về chiều cao, kiểu cách, vật liệu, nhưng mỗi nhà vẫn có thể giữ được vẻ riêng, không giống hệt nhau đến mức khiến khách… đi lầm nhà. Yếu tố phụ trợ (trồng cây, hàng rào, hồ nước) cũng như mảng màu, điểm nhấn riêng cũng góp phần tạo khác biệt cho nhà mình, miễn sao không ảnh hưởng đến nhà khác.
Tóm lại, dù quan niệm về nhà ở tích cực hay thụ động, có kinh doanh hay chỉ ở thuần túy, thì xử lý màu sắc bên ngoài nên gắn liền với không gian bao cảnh, màu sắc nên theo đặc tính vật liệu và ánh sáng tác động chứ không áp đặt tô vẽ. Hiện nay, xu hướng chung là dùng màu nhẹ nhàng, hợp tâm lý và sở thích với gia chủ, đồng thời hài hòa Ngũ hành theo hướng tạo nên yếu tố hài hòa, gián tiếp nâng cao giá trị của ngôi nhà.
- Ảnh Xuân Trang