Đã bao giờ bạn bước vào một gian phòng, bật đèn và bỗng cảm thấy ngột ngạt hoặc… lạnh mình với ánh sáng ở đó chưa? Ánh đèn chi phối rất nhiều đến tâm lý của bạn. Có khi, bạn thấy không gian quanh mình ấm cúng hơn, lãng mạn hơn hoặc thậm chí rộn ràng hơn chỉ nhờ một ánh đèn.
Không chỉ là “chiếu sáng”
Đã qua rồi cái thời bóng đèn nhà nào cũng y hệt như bóng đèn nhà ấy, và việc “chiếu sáng” chỉ đơn thuần là gắn những bóng đèn. Bây giờ, không ít gia đình đã chi rất mạnh tay cho việc thiết kế nguồn sáng nhân tạo này, không chỉ vì công năng chiếu sáng mà còn vì giá trị thẩm mỹ, khả năng tôn lên nét đẹp của ngôi nhà, khiến gia chủ và các thành viên trong gia đình thấy thoải mái, ấm cúng hơn.
Một chiếc đèn rất đắt tiền nhưng nếu đặt sai chỗ, sai mục đích chiếu sáng sẽ không hiệu quả và lãng phí. Vì thế, bạn đừng vội thấy đèn đẹp là mua, mà cần tham khảo, tìm hiểu xem hệ thống đèn chiếu như thế nào thật sự phù hợp với nhà mình. Thông thường, ánh sáng cho khu vực tiền sảnh hay hay lối vào cần tạo cảm giác thân thiện, ấm áp. Nếu lối vào hẹp, dài dọc hành lang, có thể chiếu sáng rõ hơn với những đèn chiếu nhỏ, đèn vách để tránh cảm giác hun hút lạnh lẽo.
Cầu thang là nơi mà cần phải được chiếu sáng đầy đủ. Tốt nhất nên dùng đèn trần nếu cầu thang thẳng và dùng đèn vách nếu cầu thang có độ uốn cong. Phòng khách (phòng sinh hoạt chung) nên bố trí nhiều điểm sáng để có thể điều chỉnh tùy theo nhu cầu những lúc khác nhau như tiếp khách bình thường, tiếp khách thân, đọc sách, uống cà phê, thư giãn…
Khu bếp, ngoài ánh sáng bố trí chung còn cần có chiếu sáng trực tiếp trên mặt bàn bếp để việc chế biến thức ăn và nấu nướng được dễ dàng. Thật ra, bếp cần được tận dụng tối đa ánh sáng thiên nhiên để có cảm giác trung thực về màu sắc của các món ăn. Đèn chỉ nên được bố trí tại các khu vực bàn ăn và các vị trí quan trọng khác như bếp đun, tủ lạnh. Đối với một số bếp theo kiểu hiện đại mà phần dưới tủ bếp không gắn sát xuống sàn, có thể bố trí cả hệ thống đèn dưới chân bếp, vừa tiện lau chùi sàn vừa tạo ánh sáng độc đáo cho gian bếp.
Với phòng ngủ, nên dùng bóng đèn đầu giường để khi muốn đọc sách sẽ không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của người khác. Nên chọn loại đèn có bóng xoay được và điều chỉnh độ sáng mạnh yếu khác nhau. Có thể dùng chụp đèn nhằm hạn chế sự khuếch tán ánh sáng trong cả phòng.
Trong phòng tắm, ánh sáng có thể bố trí đèn trần hay đèn tường đều được. Nếu có gương trên lavabo, bạn nên gắn đèn đi kèm để có thể soi gương vào bất kỳ thời điểm nào. Riêng với phòng trẻ con, không nên đặt bàn đèn trong phòng trẻ, vì chúng có thể làm đổ vỡ hoặc vướng víu. Ở khu vực này, bố trí đèn tường, đèn trần là tốt nhất. Cũng cần đảm bảo ánh đèn trong phòng trẻ luôn ổn định, đủ sáng, không gây hại mắt. Nên dùng loại bóng đèn không phát nhiệt và bóng đèn phải có lớp bảo vệ bên ngoài, được thiết kế cách xa tầm với của trẻ.
Một vài lưu ý
Có hai dạng ánh sáng: trực tiếp và gián tiếp. Ánh sáng trực tiếp là ánh sáng đi thẳng từ nguồn sáng đến chủ thể cần chiếu sáng. Ánh sáng trực tiếp có cường độ mạnh, tạo nên bóng đổ sắc nét. Ánh sáng gián tiếp hay còn gọi là ánh sáng phân tán là ánh sáng được khuếch tán qua một môi trường khác như tấm rèm chẳng hạn. Ánh sáng gián tiếp cũng có thể là ánh sáng phản chiếu, tức loại ánh sáng được chiếu vào bề mặt rồi phản chiếu đến chủ thể. Sự phản chiếu bề mặt này có thể xảy ra nhiều lần trên các bề mặt khác nhau. Ánh sáng gián tiếp đều và dịu, thường không rõ bóng đổ.
Nguồn sáng trực tiếp thường được tạo ra, xuất phát từ các loại đèn trần, đèn tường. Kiểu chiếu sáng này phổ biến và tương đối hiệu quả về công năng. Tuy nhiên, chiếu sáng trực tiếp cũng có nhược điểm là đều và gây nhàm chán, thiếu cảm xúc. Trong khi đó, ánh sáng gián tiếp có thể tạo cảm giác dịu nhẹ, tạo hiệu quả thẩm mỹ, khiến không gian sống như “lung linh” hơn.
Nguyên tắc cơ bản của lắp đặt ánh sáng trong gia đình là tính chất phòng càng “cứng” và càng có nhiều người sinh hoạt thì càng nên dùng ánh sáng “mềm” để cân bằng khí. Trong khi đó, các phòng có đường nét, vật liệu mềm mại (hoặc như phòng của bé gái, phụ nữ) khi bố trí ánh sáng nên bổ sung yếu tố ấm áp, dùng ánh sáng vàng và tươi.
Để phòng sáng như ban ngày, ánh sáng cần phân bố đều, mạnh, đặc biệt là chiếu mạnh lên đều các vách tường. Với những căn phòng diện tích hẹp, muốn tạo cho phòng cảm giác rộng rãi hơn, cần tập trung ánh sáng chiếu đều lên các vách. Để có cảm giác thư giãn, cần chiếu sáng không đều trong phòng, có nơi mạnh, nơi yếu.
Phòng khách có chiều cao khoảng 3,6m chỉ nên dùng bộ đèn chùm một tầng từ bốn đến sáu bóng. Còn những bộ đèn chùm nhiều tầng nên dành cho các đại sảnh hoặc các kiến trúc cổ chiều cao trần từ 4m trở lên.
Tủ treo quần áo to thiết kế kiểu âm tường cũng nên có mắc đèn để thuận tiện sử dụng. Những bóng đèn halogen nhỏ gắn trên mỗi ô tủ sẽ rất tiện cho việc sử dụng. Một lưu ý cuối cùng: “Chơi sáng” đúng cách nghĩa là có một hệ thống chiếu sáng hợp lý, thẩm mỹ, kinh tế. Sẽ thật lãng phí nếu như bạn tốn không biết bao nhiêu điện chỉ để làm “lung linh” căn nhà của mình quá mức cần thiết trong khi lại khiến người khác muốn “ngộp thở” vì sự thừa thãi ánh sáng đó. Ngoài ra, cần bố trí hệ thống công tắc hợp lý, dễ tìm, dễ nhận biết và dễ nhớ. Việc cứ phải bật nhầm đèn thường xuyên sẽ gây tâm lý rất khó chịu và làm giảm tuổi thọ bóng đèn.