Trong những ngôi nhà hiện đại, nếu chủ nhân không biết cách sắp xếp thì đồ cổ khó hài hòa trong không gian kiến trúc, khó bật ra vẻ thân thiện và nét lộng lẫy xa xưa.
Nhắc đến từ “đồ cổ”, trong ký ức nhiều người dễ liên tưởng đến những ngôi nhà gỗ xưa cũ xây dựng từ nhiều năm trước, bên trong bài trí bàn thờ gỗ chạm đặt ngay trục chính ngôi nhà, lư đồng đối xứng hai bên, bàn ghế chạm trổ đặt ngay ngắn phía trước, bên trên là các câu đối sơn son thếp vàng và cả một hệ khung mái cũng chạm trổ.
Đó là một hình ảnh của quá khứ quan cách và nặng nề màu gỗ, chìm đắm trong ánh sáng yếu ớt của ngôi nhà. Cũng có người liên tưởng đến các viện bảo tàng, nơi đồ cổ được sắp xếp hệ thống theo niên đại, bài bản khoa học đến lạnh lùng. Lại có những không gian chật hẹp chen chúc quá nhiều cổ vật lộn xộn như một cái kho đồ cũ, làm mất giá trị vật chất và giá trị nghệ thuật của cổ vật.
Khi chuyển đến sinh sống ở Việt Nam trong ngôi biệt thự Mỹ Kim ở khu Phú Mỹ Hưng, bà Catherine, người Pháp, mang theo rất nhiều đồ cổ và nhiều tranh ảnh xuất xứ từ nhiều quốc gia ở châu Á. Tổ chức cuộc sống mới tiện nghi trong ngôi nhà hiện đại xây sẵn với bấy nhiêu cổ vật thật là bài toán khó. Với sự trợ giúp của một nhà thiết kế nội thất nổi tiếng, cuối cùng ngôi nhà với nhiều cổ vật lại đem đến cảm giác ấm cúng, thân mật, lộng lẫy nhưng không quan cách.
Với gỗ và cẩm thạch trắng cho nền nhà, màu kem nhạt cho tường (theo thói quen thích màu trắng của người châu Âu), màn cửa trắng làm phông cho cổ vật; dưới ánh đèn halogen trong vắt, các cổ vật trong nhà bà Catherine như được tiếp sinh khí để hiện diện một cách thân thiện trong ngôi nhà hiện đại.