Chuyện kể rằng từ thời rất xa xưa, người Trung Quốc đã bị mê hoặc bởi “nhạc công tự nhiên” mang tên Dế. Họ bắt chúng về nâng niu, cho ăn cho uống, thậm chí làm cả lồng bằng vàng để nhốt.
Sợ dế không chịu nổi mùa đông lạnh giá, người ta sáng chế “nhà quả bầu”, sau đó còn kỳ công biến các trái bầu khô thành những chiếc lồng tinh tế, hoàn mỹ.
Trong thế giới tự nhiên, dế là một loài côn trùng thường thấy, con đực thu hút bạn tình bằng tiếng gáy vang rền. Ước tính có khoảng 1.000 loài dế khác nhau, chia làm 2 nhánh dế mèn (Gryllidae) và dế trũi (Gryllotalpidae).
Phổ biến nhờ các phi tần thời Đường
Ở Trung Quốc, kể từ thời nhà Đường (618-907) đã có truyền thống bắt dế vào mùa thu. Khi cây cối trút lá cũng là lúc các phi tần rảnh rỗi rủ nhau đi bắt dế, mang về nhốt trong những cái lồng bằng vàng, háo hức đặt gần đầu giường, chờ nghe chúng gáy.
Ai nấy đều biết hoàng đế ngày xưa có những tam cung lục viện, mỹ nữ nhiều không đếm xuể. Để vơi bớt buồn chán trong những tháng ngày chờ đợi đến lượt sủng hạnh, người ta vẽ ra đủ kiểu thú vui. Nuôi dế là một trong số đó.
Không khó để nuôi dế bởi chúng là loài ăn tạp, tiêu hóa được cả rau cỏ, hoa quả lẫn các loài côn trùng khác nhỏ hơn.
Tuy nhiên, lý do chính khiến chúng được chọn nuôi là vì con đực biết gáy. Bằng cách cọ cặp cánh cứng bên ngoài có nhiều đường gân đan xen nhau, chúng phát ra tiếng kêu.
Ngoài việc dùng tiếng gáy để tán tỉnh con cái, dế đực còn sử dụng nó như công cụ diễu võ dương oai với con cùng giới. Với các cung tần thâu đêm vò võ, chúng trở thành “ca kỹ” mua vui, đánh tan sầu não.
Chí ít thì từ thế kỷ VIII, chuyện nuôi dế trong hoàng cung đã được ghi chép trong văn bản thành văn. Tuy không rõ các phi tần thời này có phải là người khởi xướng ra trò nuôi dế hay không, nhưng rõ ràng là nhờ “dây mơ rễ má” với họ, chuyện bắt dế về nuôi mới thành ra phổ biến.
Từ đất sét đến quả bầu
Nuôi dế không khó, nhưng thuần hóa chúng thành “sủng vật” biết quẩn quanh bên người thì lại là chuyện khác.
Não của nhà côn trùng quá nhỏ, chỉ nhận thức được bản năng chứ không phát triển cảm xúc như sinh vật bậc cao hơn (ví dụ như chim, thú). Thế nên muốn nuôi dế, trước tiên cần phải có dụng cụ nhốt.
Dế là loài có vòng đời ngắn, chỉ khoảng 70-90 ngày. Chúng liên tiếp lớn lên, sinh sản và chết đi, thành ra quanh năm lúc nào cũng sẵn có.
Trung Quốc là vùng đất bốn mùa, mùa hạ quá nóng còn mùa đông lại quá lạnh. Muốn nuôi được dế cần có lồng chuyên dụng dành riêng cho mùa đông và mùa hè.
- Xem thêm: Quà đẹp của biển
Ban đầu, người ta đơn giản nhốt dế trong những cái lọ được làm bằng đất sét. Nghề gốm đã sớm xuất hiện, cung cấp đủ các loại vật dụng tiện ích cho đời sống hàng ngày.
Việc chế thêm một loại lọ có nắp, có lỗ thoát khí cho dế thở không phải là chuyện gì khó khăn. Chỉ cần linh hoạt một chút là thợ gốm người Hán đã nặn và nung được một cái lọ đất nhỏ, vừa vặn làm nhà cho con dế.
Cái tiện lợi của lọ đất nung là chúng có khả năng làm mát, giúp con dế thoát khỏi cái nóng nực khủng khiếp của mùa hè. Tuy nhiên khi mùa đông sang, mớ lọ bằng đất sét này lại chẳng khác nào hộp băng.
Dế không tài nào sống nổi trong điều kiện lạnh cắt như thế. Chúng cần một nơi vừa thoáng khí lại vừa ấm cúng. Để đáp ứng, lồng quả bầu ra đời.
Bầu là một loại thực vật thường thấy ở Châu Á, được trồng lấy quả làm thức ăn. Song nếu cứ để trái bầu già, khô thì còn có thể dùng vỏ làm vật dụng múc, đựng.
Ngay trong thế giới ngày nay, gáo bầu khô, lọ bầu khô vẫn khá thông dụng. Điều thú vị là trong mắt người Trung Quốc (cũng kể từ thời nhà Đường), quả bầu khô rỗng ruột còn là vật dụng tiện lợi giữ ấm cho đám dế sống sót qua mùa đông.
Sau khi moi hết ruột trái bầu già ra, họ phơi khô vỏ rỗng. Chỉ cần đậy nắp, đục thêm vài cái lỗ cho không khí ra vào là vừa hay thành “nhà” cho dế.
Để “côn trùng cưng” không bị lạnh khi đông sang, người ta trộn đất và vôi trải một lớp dưới đáy quả bầu. Những ngày giá rét quá thì bỏ thêm một miếng bông. Riêng việc vệ sinh lồng quả bầu thì phải dùng hẳn nước trà nóng.
Có điều chỉ sơ sài như thế thì e không xứng với các “nhạc công của tự nhiên”. Thế nên giới nghệ nhân liền vào cuộc, biến mớ quả bầu khô lăn lốc thành những kiệt tác thủ công đẹp mê hồn.
Nhiều trái bầu được chạm khắc, tô vẽ công phu đến nỗi mỹ lệ không thua gì những bức phù điêu hay ngọc bội. Từ những hoa văn hình học đơn giản cho đến tranh phong cảnh, người ta đều tỉ mẩn tạo được trên bề mặt trái bầu.
- Xem thêm: Mỹ nghệ khay kim loại Zhostovo
Độc đáo hơn nữa là họ còn kỳ công từ thuở bầu mới đậu trái. Nhờ những chiếc khuôn bằng gỗ hoặc kim loại có hình dạng khác lạ lồng vào quả bầu non, họ ép chúng lớn lên theo kiểu dáng như mong muốn. Thế giới lồng dế quả bầu trở nên đa dạng, có từ khiểu hình tròn đến hình trụ, hình chiếc bình…
Chưa hết, lồng dế quả bầu còn phải đảm bảo thêm tính năng nữa là khuếch đại âm thanh. Bởi vì dế được nuôi để nghe tiếng gáy nên ngoài việc thỏa mãn thị giác ra, lồng quả bầu còn phải quan tâm cả mục tiêu thính giác. Người ta nỗ lực chế tác sao cho nó hỗ trợ gia thanh tốt nhất, khiến tiếng dế càng vang hơn, hay hơn.
Mê dế xuyên thời đại
Sau vỏ bầu khô thì đến vỏ rùa, vỏ dừa, gỗ đàn hương, thậm chí là cả ngà voi, người Trung Hoa thật sự đã chế tác được đủ các kiểu loại lồng nuôi dế.
Tuy nhiên, vỏ bầu vẫn thịnh hành nhất. Có lẽ vì nó vừa dễ kiếm lại vừa dễ tạo tác, trang trí. Hiện nay trong Học viện Nghệ thuật Minneapolis của Mỹ đang trưng bày hàng chục lồng quả bầu nuôi dế từ thời nhà Thanh (1636-1911).
Tuy khác tộc nhưng sau khi xâm chiếm Trung Quốc, người Mãn Thanh lại bị chính người Hán đồng hóa, đến nỗi mê luôn cả thú vui tao nhã là nuôi dế có từ thuở Nhà Đường.
Mỗi chiếc lồng dế bằng vỏ quả bầu còn giữ được trong Học viện Nghệ thuật Minneapolis đều đầy những họa tiết hoa văn, rồng bay phượng múa vô cùng tinh xảo.
Tại Trung Quốc, người ta còn giữ được cả vô số các kiểu lồng nhốt dế cổ khác như lồng tre, lồng gỗ, lồng kim loại… thêm khay sứ siêu tí hon dùng để đựng thức ăn cho dế.
Ngoài mục đích nuôi để nghe tiếng gáy, người Hán còn nuôi dế đánh nhau. Bắt đầu từ thời Nhà Tống (960-1279), chơi chọi dế trở thành thú vui rộng khắp.
- Xem thêm: Đồ chơi đất nung đặc sắc của Nga
Vốn dĩ, dế là loài hiếu chiến. Trong tự nhiên, chúng đánh nhau tới một mất một còn để tranh giành con cái.
Song người chơi chọi dế không đem dế cái vào giữa “sới” cho dế đực tranh nhau, mà móc chân chúng vào dây chỉ hoặc sợi tóc, quay tít cho say mòng mòng, hăng tiết lao vào cắn, đá tới chết.
Cho dù là vì thói hiếu chiến hay tiếng gáy, dế vẫn khiến người Trung Quốc đam mê dế cho đến tận bây giờ.
Có điều tại các điểm bán dế ngày nay, người ta không dùng lồng quả bầu tinh xảo như kiệt tác thủ công mỹ nghệ nữa mà là lồng tre, lồng nhựa nhốt dế.
Những cái lồng này tất nhiên chỉ vì mục đích tiện nhốt bán là chính, nhưng dẫu sao vẫn thể hiện được lòng yêu thích dế không hề vơi. Bất chấp thời gian trôi qua cả hàng ngàn năm, “nhạc công của tự nhiên” này vẫn tiềm ẩn sức hấp dẫn không thể chối từ.