Nhà tôi đang xây ở một khu đô thị mới, khá xa trung tâm thành phố, nên làm hàng rào và cổng như thế nào để đảm bảo an ninh mà không che hết cái đẹp bên trong?
Lê Minh Tâm (Q.8, TP. Hồ Chí Minh)
Từ làng quê đến phố thị, hàng rào và cổng ở các ngôi nhà là hình ảnh rất quen thuộc. Ngôi nhà nào cũng cần được bảo vệ, che chắn vừa để tránh các tác động xấu từ môi trường bên ngoài cũng như giữ gìn nội khí bên trong. Hàng rào và cổng được xây dựng sao cho đảm bảo an toàn, chất lượng mà còn cần thẩm mỹ vì là thành phần được nhìn thấy trước tiên của mỗi ngôi nhà. Chúng tôi xin đưa ra những gợi ý sau:
– Trước hết, tùy theo phong cách kiến trúc của công trình, sở thích của gia chủ mà hàng rào được xây dựng cho phù hợp: cổ điển hay hiện đại, nặng nề hay thanh thoát…, song về cơ bản thì chất liệu, kiểu dáng, màu sơn của cổng và hàng rào phải hài hòa nhất định với ngôi nhà bên trong và phải tạo được cảm giác thân thiện cho người nhìn từ bên ngoài.
– Nếu mặt ngoài của hàng rào hay cổng nhà quay về hướng xấu (hướng chịu nắng gắt, bụi bặm nhiều, xe cộ ồn ào, công trình đối diện gây ô nhiễm) thì phải làm cổng và tường rào kín đáo. Ngược lại, nếu bên ngoài nhà là không gian rộng mát, cảnh quan đẹp thì hàng rào cần làm nhẹ nhàng, giản dị, kết hợp trồng cây xanh, có khoảng thông gió để giảm bức xạ mặt trời cũng như giảm bớt tiếng ồn phía bên ngoài.
– Tường rào không nên quá cao so với nhà bởi che chắn tầm nhìn, phá vỡ khung cảnh đẹp, cũng không nên quá thấp sẽ không phát huy được chức năng chính là bảo đảm an toàn, giảm tiếng ồn và chống ô nhiễm. Chiều cao hàng rào nên trong khoảng 1,5m – 1,8m.
– Trừ trường hợp bất khả kháng thì tường rào không nên xây quá gần nhà vì sẽ tạo cảm giác bức bối, vướng víu chân tay, hạn chế ánh sáng và thông gió. Nếu phải xây tường rào quá gần nhà thì nên tạo một khoảng cách khoảng 20cm giữa nhà và tường bao để vẫn có được sự thông gió, đón ánh sáng, vừa có thể trồng cây xanh.
– Nên sử dụng các vật liệu có bề mặt “mềm” để tránh làm cho tường rào quá khô cứng và đơn điệu; ví dụ: đá ong, gạch trồng cỏ, bông gió đục lỗ… có tính xốp, hợp với mảng tường rào xây cao, vừa cản nóng vừa thông thoáng được. Trồng cây và mảng cỏ gần tường rào cũng là cách giảm bớt bức xạ tích tụ trước vỉa hè và mặt sân.
– Có nhiều loại vật liệu làm hàng rào như gỗ, nhựa, xi măng, kim loại…, mỗi loại có những ưu nhược điểm riêng:
+ Hàng rào xây bằng gạch nung từng rất phổ biến bởi vững chắc, kiên cố nhưng nay trở nên lỗi thời vì tốn kém chi phí, mất nhiều thời gian thi công và không có tính thẩm mỹ cao.
+ Hàng rào bằng composite tạo nét trẻ trung, hiện đại cho ngôi nhà, khá được ưa chuộng ở các nước phương Tây song lại không phổ biến ở Việt Nam vì độ an toàn thấp, chỉ nên sử dụng với mục đích trang trí.
+ Hàng rào gỗ mang lại vẻ đẹp cổ điển cho ngôi nhà song do thường xuyên tiếp xúc với mưa nắng nên không bền, dễ cong vênh, song hiện nay được ưa chuộng để làm hàng rào là vật liệu giả gỗ (tấm xi măng hỗn hợp, cụ thể là vật liệu smartwood có mẫu mã đa dạng, bảo hành tới 30 năm, chịu nước, không cong vênh, chống mối mọt, phù hợp với nhiều loại khí hậu, thi công nhanh).
+ Hàng rào kim loại chống rỉ đang được nhiều người lựa chọn nhờ độ vững chắc, tính thẩm mỹ cao, thời gian thi công được rút ngắn, đỡ tốn kém.
812 Quang Trung, P.8, Q. Gò Vấp, TP.HCM – ĐT: 0903927300
www.thietketamda.com