Mùa xuân là thời khắc cây cối đâm chồi nẩy lộc, mùa của muôn sắc hoa thắm tươi mọi nhà. Việc chọn cây cảnh, hoa lá chưng trong không gian sống của mình vào dịp tết, sao cho phù hợp với thẩm mỹ và phong thủy, là điều rất nhiều người quan tâm. Cũng như các thành phần khác trong không gian cư trú, cây cối chịu tác động của môi trường và thích ứng với môi trường thông qua biểu hiện hình thế bên ngoài như cao – thấp, to – nhỏ, cứng – mềm… Chọn được cây xanh, hoa cỏ hài hòa âm dương, phối hợp tốt ngũ hành không những tô điểm cho ngôi nhà thêm đẹp mà còn thúc đẩy sinh khí hưng vượng vào dịp xuân về.
Kim ngân đáo gia, phát tài phát lộc… là những loại cây được chuộng chưng trong nhà, ngoài vườn vào dịp năm mới bởi gia chủ tin tưởng may mắn sẽ đến, dù chỉ qua… tên gọi của cây
“Sức khỏe” của cây cối cũng là thước đo sinh khí cho mỗi ngôi nhà. Khi một cây trồng nào đó có dấu hiệu tàn úa, gia chủ cần khắc phục ngay để duy trì sự quân bình sinh khí. Việc cần làm ngay là xới đất, tưới nước hay tỉa cành cho cây đó, xa hơn là quan sát cả không gian chung quanh xem có bị nắng nóng hay do để cây quá sâu trong nhà khiến thiếu dưỡng khí cần thiết cho cây. Nên chọn các loại cây phù hợp với cấu trúc, hình khối và hướng của nhà (cây ưa nước hay kỵ nước, ưa nắng hay thích bóng râm, cây rậm lá hay nhiều hoa…).
Chọn cây hợp không gian
Ở phòng khách hay những không gian mang tính đối ngoại như tiền sảnh, phòng ăn, vào dịp tết nên chưng các loại cây có tính trang trọng, cân đối, bề thế và nghiêm túc. Chậu mai thế, kim quất hay chậu phát tài đặt ở góc phòng khách; chậu phát tài núi đặt ở đầu cầu thang đều là những cây có dáng đẹp, lá bền. Cần chú ý cây có những sắc xanh (thuộc Mộc), đỏ (Hỏa) và vàng (Thổ) khá hợp phong thủy vì thuộc các hướng Đông và Nam, tượng trưng cho mùa xuân – hè, kích hoạt nguồn khí tốt. Nên tránh các loại cây gai nhọn, cây mềm rũ, cây rụng hoa lá. Bonsai đẹp và có tuổi thọ cao như si, đa, cần thăng… đều phù hợp để vừa trang trí, vừa tương hợp với nội thất phương Đông. Tất nhiên, chơi bonsai cũng đòi hỏi gia chủ có kỹ thuật, hiểu biết và thời gian chăm sóc đúng mức.
Đối với không gian bếp, có thể bố trí những cây nhỏ gọn, tránh vướng víu và có tác dụng khử mùi, giảm khói như dương xỉ, trầu bà. Phòng ăn thì nên đặt một số chậu cây có sắc màu tươi vui (thuộc Dương) kích thích tiêu hóa, ví dụ như tía tô cảnh, buồm đỏ. Phòng làm việc thường chọn cây có tính trang trí và thư giãn như xương rồng nhỏ trong chậu xinh xinh đặt góc bàn, hoặc cây bonsai thế để ngắm nhìn dưỡng tâm rất tốt.
Tại không gian giao thông (hành lang, cầu thang, lối đi lại trong nhà) có thể đặt một số cây thân lá gọn và không vướng víu như mật cật, trúc nhật. Còn với không gian chuyển tiếp trong ngoài (như hàng hiên, bậu cửa sổ, bồn hoa logia) thì chọn loại cây dễ sống hơn do có tiếp xúc trực tiếp mưa nắng bên ngoài, nhưng cũng cần lưu ý độ sáng của mặt lá, tầm nhìn và sự tương ứng với không gian kế cận. Một số cây trồng trong nước như thủy trúc, súng đỏ, sen phật bà… để làm cảnh và trang trí phù hợp với những không gian thư giãn, tiếp khách thân mật (trường khí tĩnh, hướng nội).
Ngũ hành sinh khắc hợp lý
Nhiều người cho rằng “tuổi gia chủ hợp với hành Hỏa nên trồng nhiều cây có lá đỏ” hoặc “cần hành Thổ nên chia sân cỏ thành nhiều ô vuông vức, xén bằng” là hiểu chưa đúng về hài hòa ngũ hành. Bản chất của ngũ hành là sự tương tác, chuyển hóa qua lại giữa các thành phần trong thiên nhiên, khi quá lệch về một màu, một hình dáng hay một chủng loại nào thì đều gây nên tính thừa, lấn áp các hành khác và phát sinh hệ quả xấu. Do vậy cách bố trí hài hòa ngũ hành là chọn một hành làm chủ đạo (hành bản mệnh), bổ sung thêm hành sinh chủ và hành chủ sinh, có điểm xuyết hành chủ khắc tại các vị trí xấu, còn lại để tự nhiên và bố trí theo công năng, thẩm mỹ. Ví dụ một ngôi nhà của gia chủ thuộc hành Kim, nhà sơn màu trắng xám, thì nên chọn các cây xén tròn, đặt trong chậu vuông hoặc tròn (Thổ sinh Kim), đồng thời có thể thêm một số cây thủy sinh (trồng trong nước) để Kim sinh Thủy.
Cũng nên căn cứ vào đặc tính của nơi bố trí cây chứ không chỉ thuần yếu tố cá nhân, và có lúc khắc lại tốt hơn là sinh. Ví dụ nếu phòng khách có mảng sơn màu đỏ cam (thuộc Hỏa), thì cây chưng tại đó nên có dạng thấp và nhấp nhô, tán tròn, lá xanh đậm có ánh trắng (thuộc Kim và Thủy – hai hành xung khắc với Hỏa) để giảm bớt tính Hỏa. Gặp khoảng sân dạng vuông vức trong phố, diện tích hẹp, tường chung quanh kín (thuộc Thổ) thì nên dùng cây thuộc hai hành Mộc và Thủy để khắc chế tương tác, giảm đi sự bằng phẳng vuông vức đơn điệu. Nếu trường hợp này mà dùng hành Hỏa (cây có hoa lá màu đỏ hoặc cam, dáng cây nhọn) nhằm tương sinh thì lại càng làm cho không gian thêm ngột ngạt.
Quan tâm đến dáng và hoa
Cho dù chọn đúng loại cây và chỗ đặt cây thì vẫn cần quan tâm đến dáng và sắc hoa lá. Với nhóm các cây bonsai thì dáng thẳng dáng ngang (trực hay hoành) là dễ chưng nhất. Chọn cây quất (tắc) thì dáng tụ đỉnh (hình tháp nhọn vươn cao) là phù hợp, còn chọn mai hay đào thì các năm Thìn và Tỵ (2012, 2013) hợp với dáng uốn lượn vươn lên theo trục đứng, thể hiện sự cân đối, mong ước phát triển. Cầu kỳ hơn là những dáng cây được tạo tác theo nhóm biểu tượng trong văn hóa truyền thống, ví dụ như Tam đa là thế cây tượng trưng cho ba ông Phúc, Lộc, Thọ, còn Ngũ phúc là thế cây có năm tán, gồm bốn cành và một ngọn cân đối nhau, tượng trưng cho phú, quý, thọ, khang, ninh. Gần đây, các thế cây biểu hiện tâm hồn dân tộc Việt Nam đang được ưa chuộng nhiều hơn, như thế cây đa làng, tạo dáng một bệ gốc rễ sum suê tỏa đều bốn phía, một thân to vươn thẳng, các chùm rễ phụ từ các cành buông xuống, gợi cảnh làng quê thuần Việt êm đềm, mộc mạc mà sum suê, sung túc.
Sau dáng là hoa. Với những ai không chơi bonsai thì ưu tiên ngày tết nhà phải có hoa. Tiêu chí chọn hoa dễ hơn chọn dáng, bởi chỉ cần hoa cân đối, nở đều và nở đúng mấy ngày tết, sắc tươi, ít rụng… là đạt yêu cầu. Những loại hoa có gam màu ấm áp (vàng, cam, đỏ, hồng… thể hiện tính dương) được ưa chuộng và gần như đã thành lựa chọn truyền thống, ít thay đổi.
Không chỉ mang tính trang trí, cây cối trong nội thất chính là liệu pháp cân bằng và cải tạo sinh khí một cách đơn giản, tự nhiên. Khi thử đặt vài chậu kiểng, bình hoa trên bàn hoặc giò lan trên cửa sổ, hiệu quả giảm stress sẽ đến rõ rệt nhờ việc cân bằng âm – dương, đưa con người đến gần thiên nhiên hơn. Tuy vậy, việc bố trí cây cối, tiểu cảnh trong nhà ở luôn cần tương quan chặt chẽ với không gian. Cây cối nhiều quá nếu không có sắp xếp hợp lý sẽ dẫn đến ẩm thấp, vướng víu tầm mắt, như nghệ thuật vườn Thiền phương Đông đã nêu rõ: luôn giữ được khoảng trống thoáng đãng, trồng cây theo chính phụ, đưa cây vào nội thất nên chọn lọc.
- Ảnh Xuân Trang