Trò chuyện với Phạm Cao Đông, nhà sáng lập Cao Dong Design, người đối diện có cảm giác mình đang ngồi cùng một nhà văn hơn là một nhà thiết kế nội thất. Anh thường dùng những câu chuyện để thay cho câu trả lời, đôi khi gây bất ngờ với những cách so sánh, liên tưởng sâu sắc. Buổi trò chuyện với anh bắt đầu từ quan niệm “Thế nào là hạnh phúc”. Anh nói:
Hạnh phúc với tôi không phải là sở hữu nhà lầu, xe hơi, trang phục hàng hiệu, mà đơn giản là ngoài thời gian dành cho công việc, mình vẫn còn thời gian dành cho gia đình, sở thích cá nhân và những công việc xã hội.
Anh là người luôn bận rộn với công việc kinh doanh, liệu anh có phải là người hạnh phúc?
Tôi đang hạnh phúc trong chính công việc của mình, khi thành quả tạo ra hôm nay được mọi người đón nhận. Tôi đã chọn một con đường đầy thử thách, đến nỗi tôi thường xuyên cảm thấy kiệt sức với ước mơ của mình. Nhưng rồi tôi nhận ra, chỉ khi vắt kiệt sức, tôi mới tạo ra được các giá trị lao động xứng đáng. Trạng thái phấn khích khi nỗ lực để hiện thực hóa ước mơ của mình đạt những kết quả ngoài mong đợi, tôi cũng gọi đó là hạnh phúc.
Vì sao anh lại chọn kinh doanh nội thất cao cấp, một con đường thử thách và gian nan với người khởi nghiệp trẻ?
Đúng là con đường tôi đi quá nhiều gian khổ, “trầy vi tróc vảy” và rất nhiều lần tôi muốn bỏ cuộc. Tôi bắt đầu kinh doanh từ năm 16 tuổi, nhưng mới bắt đầu khởi nghiệp trong ngành nội thất cách đây sáu năm. Trong ba năm đầu, tôi gần như chỉ đổ tiền đầu tư chứ không thu được lợi nhuận. “Thôi dẹp đi, ngành này không hợp với mình đâu”, rất nhiều lần tôi tự nói với mình như vậy. Nhưng rồi với bản tính háo thắng, lại có quá nhiều ước mơ về cái đẹp nên tôi lại kiên trì đứng dậy tiến về phía trước. Đến nay, tôi đã thực hiện được một phần giấc mơ của mình, nhưng còn giấc mơ về ngành thì vẫn còn rất xa. Hẳn là một tham vọng khi tôi muốn thay đổi thực trạng ngành nội thất xứ mình. Khi đó, tên tuổi của các nhà thiết kế trẻ cùng những giá trị thiết kế Việt sẽ được khẳng định với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Theo đó, khách hàng cũng sẽ được định hướng tiêu dùng đúng giá trị, họ sở hữu món nội thất đúng với số tiền mà mình chi trả.
Phải chăng anh băn khoăn với thực trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan trên thị trường nội thất hiện nay?
Hàng giả hàng nhái là một thực trạng đáng lên án, nhưng bên cạnh đó thì câu chuyện lạm dụng bản quyền vẫn khiến tôi trăn trở rất nhiều. Có những nhà thiết kế “vô tư” biến một thiết kế nổi tiếng thành thiết kế của mình bằng cách tự phát triển giống như khuôn mẫu hoặc cải tiến một chút, tôi cho đây là một điều không thể chấp nhận. Tôi cật lực “tẩy chay” hành động sử dụng chất xám của người khác. Những sản phẩm tôi kinh doanh đều đảm bảo bắt nguồn từ chất xám thực thụ của những nhà thiết kế có lòng tự trọng. Chính vì vậy, sản phẩm có giá cao nhưng đảm bảo số lượng hữu hạn, thậm chí là duy nhất.
Anh đánh giá ra sao về tiềm năng của thị trường nội thất cao cấp trong nước?
Tôi cho là rất có tiềm năng. Các nước trong khu vực đã phát triển ngành nội thất khá lâu. Việt Nam thì chỉ mới phát triển năm năm trở lại đây nhưng có vẻ rất khả quan. Nếu như trước đây tỷ lệ người dùng nội thất cao cấp trong dân số là một phần triệu thì nay là một phần ngàn. Nhu cầu sử dụng tiện nghi cao cấp đang tăng lên cùng với sự cải thiện rõ rệt về mức thu nhập. Người giàu luôn có nhu cầu đầu tư chính đáng cho cuộc sống, như một món quà tự thưởng cho thành quả đã đạt được, cũng là sự đầu tư cho diện mạo của mình trong làm ăn. Dù bức tranh nội thất hiện có nhiều mảng sáng nhưng kinh doanh phân khúc cao cấp vẫn luôn là con đường khó, cần phải có đủ đam mê và tiềm lực về tài chính.
Anh đã từng đầu tư một đội ngũ thiết kế, vì sao không bán những thiết kế của Cao Đông mà sản phẩm tại showroom lại nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài?
Những thiết kế của Cao Đông đang được đầu tư bởi các nhà sản xuất nước ngoài hoặc được gia công tại các nhà máy trong khu vực châu Á để phát triển thị trường ngoài nước. Trong đó, phụ kiện da là sản phẩm chúng tôi đã phát triển cách đây hơn mười năm nhưng không thể tìm được đơn vị gia công đúng tiêu chuẩn tại Việt Nam. Một số đơn vị gia công trong nước chỉ gia công cho các thương hiệu quy mô lớn trong khi chúng tôi lại chỉ là một nhà khởi nghiệp trẻ. Nên tôi quyết định đầu tư một nhà máy tại Thái Lan, đất nước có nền tảng nguyên liệu da lâu đời, lại có những người thợ khéo léo và chăm chỉ.
Đối với thị trường trong nước, tôi nhập khẩu hoàn toàn những sản phẩm cao cấp từ Ý, Pháp, châu Âu, Indonesia, Thái Lan để phục vụ phân khúc luxury. Ở mỗi nơi, tôi đều chọn đối tác là những thương hiệu uy tín và tồn tại lâu đời. Chỉ có những thương hiệu tồn tại qua nhiều thập niên mới có những sản phẩm mang giá trị truyền thống và giá trị bền vững. Bản thân doanh nghiệp tôi đã tồn tại 20 năm, tôi hiểu rằng uy tín của mình được xây dựng nên rất gian khổ, không thể đánh đổi bằng lợi nhuận trước mắt. Tuy sản phẩm của tôi không dễ mua, nhưng mười năm sau, khi gặp lại khách hàng, tôi vẫn có thể tự tin hỏi: “Sản phẩm chúng tôi bán nay còn tốt chứ?”…
Trong khi nhiều doanh nghiệp thị trường nội thất cao cấp đang kêu khó, xem ra anh vẫn ung dung với con đường mình đi?
Thật ra, ngành này khó mà ung dung, ngay cả những đại gia trong ngành nếu không liên tục cải tiến, đổi mới thì khó mà tồn tại. Người kinh doanh nội thất cũng là người tạo xu hướng tiêu dùng dựa trên định hướng của nhà sản xuất cùng cái nhìn thẩm mỹ của bản thân. Nếu cứ mãi đi theo lối mòn, cái nhìn thẩm mỹ lạc hậu thì liệu họ có thể vẽ nên những câu chuyện thú vị về phong cách sống?
Câu chuyện nội thất có thể so sánh nôm na như câu chuyện về trang phục. Người kinh doanh nội thất không chỉ mang đến cho khách hàng một bộ sofa bằng da đắt tiền hay một chiếc đèn trần lung linh mà họ cần tư vấn cho người mua những xu hướng nội thất mới đồng thời phải phù hợp với ngôi nhà. Và một bộ sofa chỉ thể hiện được giá trị của nó khi được đặt trong một không gian phù hợp, cộng hưởng với ánh đèn trần dịu dàng, với chiếc tủ cabinet kiêu hãnh, với bình hoa duyên dáng, với chiếc thảm mượt mà… cũng giống như một bộ quần áo hợp thời trang không thể thiếu chiếc dây thắt lưng, chiếc ví hay đôi giày phù hợp.
Đầu tư nội thất quả là một sự đầu tư tốn kém…
Và người kinh doanh nội thất cũng phải đầu tư tốn kém cho showroom của mình. Hãy thử tưởng tượng xem, một showroom chúng ta đi vào một, hai lần thấy đẹp, nhưng năm, bảy lần sẽ thấy nhàm chán, cũ kỹ. Vì thế, người kinh doanh phải biết sắp xếp, trang trí cho showroom đã cần phải đổi mới để gây ấn tượng với người thưởng lãm. Ngoài ra, một cửa hàng nội thất muốn thành công thì không chỉ đầu tư về sản phẩm mới hơn, đẹp hơn, tốt hơn mà còn phải liên tục xây dựng về con người, chất lượng dịch vụ và chất lượng địa điểm kinh doanh.
Tôi vốn là người mau chán, đôi khi một chiếc bình hoa hôm nay thấy xuất sắc ngày mai đã không còn thấy đẹp. Tôi lại là người có máu nghệ sĩ, sẵn sàng đổi tiền bạc để mưu cầu cảm xúc, cả cảm xúc tích cực lẫn tiêu cực. Những nét tính cách này trở thành một lợi thế trong nghề, buộc tôi không ngừng tìm những giá trị thẩm mỹ cao hơn cho cửa hàng, không bao giờ hài lòng với những sản phẩm hiện có. Từ những cảm xúc đa chiều, tôi sẽ viết nên câu chuyện về phong cách sống đẹp, giúp mọi người biết tận hưởng những giá trị sống, đủ thỏa mãn nhu cầu và đủ để cảm thấy hạnh phúc, an nhiên. Đó mới chính là thành công không thể thay thế bằng lợi nhuận của Cao Dong Design.
Cảm ơn anh về những chia sẻ chân tình.
- Ảnh Hoàng Trưởng