Nhìn vào bối cảnh kiến trúc Việt Nam hiện nay, có thể nhận thấy xuất hiện rất nhiều nhân tố mới. Điểm chung và cũng là điều đáng quý ở họ là tình yêu nghề và những nỗ lực định vị bản thân qua công việc thiết kế. Tất nhiên, tùy vào quan điểm về nghề và nội lực mà mỗi cá nhân, mỗi nhóm thiết kế sẽ có hướng đi riêng. Những thành công của họ vì vậy cũng khác nhau.
Với HML Architecture, dấu ấn của họ là các dự án khách sạn 4, 5 sao xuất hiện ở Nha Trang, đem lại thành công cho chủ đầu tư cũng như góp phần vào diện mạo chung của đô thị nơi các dự án tọa lạc. Trong chuyên mục Kiến trúc của Nội Thất số Tân niên, Thạc sĩ – kiến trúc sư Hồ Mộng Long – người đứng đầu của HML Architecture có một cuộc trò chuyện nhỏ, chia sẻ về công việc của mình.
Có thể thấy dấu ấn rõ nhất của HML Architecture là các công trình khách sạn, đó là lựa chọn có chủ đích ngay từ ban đầu hay chỉ là một mảng được HML tập trung nhiều hơn?
Cơ duyên là năm 2013, HML trúng thầu thiết kế khách sạn cao tầng đầu tiên – Khách sạn Alana Nha Trang. Sau khi hoàn thành, hiệu ứng từ công trình rất tốt và thu hút được các chủ đầu tư tại Nha Trang. Từ đó, một loạt đơn đặt hàng thiết kế khách sạn được thực hiện. Cơ hội được mở rộng ra các thị trường thiết kế nghỉ dưỡng tại Phú Yên, Đà Nẵng, Mũi Né (Bình Thuận), Quảng Ninh…
Hiện tại 90% mảng việc của HML là thuộc lĩnh vực khách sạn nghỉ dưỡng. Nhưng HML vẫn rất mong muốn có nhiều thể loại công trình công cộng khác nữa để thỏa sức sáng tạo.
Về HML Architecture, anh có ý tưởng thành lập văn phòng riêng từ khi nào?
Ngay từ khi học đại học năm thứ ba, tôi cùng với vài người bạn đã mở văn phòng kiến trúc để vừa học vừa làm. Nhằm học hỏi và trải nghiệm ở các vị trí và vai trò khác nhau, sau khi ra trường, tôi dành thời gian để thực tập tại văn phòng kiến trúc HAAI của thầy giáo Nguyễn Tiến Thuận, rồi làm quản lý tại Công ty cổ phần xây dựng và kiến trúc đô thị Việt Nam.
Với tính cách độc lập trong suy nghĩ và khả năng sáng tạo, cùng với khát vọng có một lối đi riêng trong hoạt động nghề nghiệp, tôi mở văn phòng kiến trúc riêng và sau đó HML Architecture chính thức được hình thành vào ngày 3-2-2010.
Sau chín năm hoạt động, HML đã có vị trí nhất định trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc. Vậy những định hướng sắp tới của HML là như thế nào, thưa anh?
Cũng như một số văn phòng kiến trúc mới thành lập, giai đoạn đầu chúng tôi chủ yếu thiết kế các công trình nhà ở dân dụng, văn phòng, chung cư, nhà hàng… Sau đó, chúng tôi đẩy mạnh thiết kế chuyên sâu mảng nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, các mảng công trình công cộng hấp dẫn cũng được chúng tôi quan tâm. Nhưng chúng tôi không muốn giới hạn bản thân trong một thể loại, vì sáng tạo là vô bờ bến và mỗi dự án đều là sự tìm tòi sáng tạo với sự hứng thú riêng.
Chúng tôi mong muốn được vươn ra thế giới và cống hiến những sản phẩm kiến trúc có chất lượng trong và ngoài nước. Chúng tôi luôn trau dồi về chuyên môn và quản lý hệ thống chuyên nghiệp để đáp ứng những nhu cầu khắt khe của các công việc có tầm cỡ, đồng thời mong muốn hợp tác với những đơn vị có cùng chí hướng để có thể làm được những công trình chất lượng hơn nữa.
Nếu như có một “triết lý” trong thiết kế thì ở HML Architecture, đó là những điều quan tâm nào?
Mỗi dự án của HML Architecture đều là những tìm tòi khác biệt. Cá nhân tôi luôn nghĩ rằng, muốn tiến xa cần phải học. Đó cũng là lý do mà tôi tiếp tục học chương trình sau đại học ở Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đồng thời với quá trình làm nghề kiến trúc. Nghiên cứu khoa học đã cho tôi những kiến thức sâu sắc hơn về nghề cũng như giúp đào sâu các trải nghiệm về cuộc sống, trải nghiệm những điều mình yêu thích.
Trong vòng năm năm trở lại đây, tôi có niềm đam mê với Phật giáo, đặc biệt những triết lý trong Phật giáo được tôi học hỏi và tu dưỡng. Đề tài nghiên cứu sau đại học của tôi là Ứng dụng triết lý Cho và Nhận của Phật giáo trong kiến trúc. Tôi rất vui vì được sự đồng cảm của một số chủ đầu tư và có ba dự án đã được xây dựng dựa trên nghiên cứu khoa học này. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện và tìm tòi để việc ứng dụng triết lý này trở thành hướng đi của HML Architecture.
Anh có thể chia sẻ về triết lý Cho và Nhận cũng như sự vận dụng nó trong thiết kế mà HML đang hướng tới?
Theo triết lý của Phật giáo, sự chia sẻ góp phần làm cho nhân cách mỗi cá nhân trở nên hoàn thiện hơn và truyền cảm hứng để làm những điều có ích cho bản thân và xã hội. Một khi bạn cho đi, chính là lúc bạn được nhận lại. Là một phật tử, hằng ngày được nghe và tu tập theo giáo lý của nhà Phật, tôi luôn có suy nghĩ cũng như việc làm thiết thực để khởi Tâm hành Thiện.
Với vai trò là một kiến trúc sư, tôi nghĩ về việc chuyển hóa những triết lý của Phật giáo trong các thiết kế kiến trúc để mỗi sản phẩm kiến trúc của chúng tôi có ý nghĩa hơn, thiết thực hơn chứ không dừng lại ở công năng và cái đẹp đơn thuần.
Tôi chia sẻ những ý niệm đó với đồng nghiệp và các chủ đầu tư để cùng hiện thực nó. Tôi nghĩ, làm được điều ấy sẽ góp phần xây dựng một nền kiến trúc Việt Nam nhân văn hơn, nghĩ và làm cho mình và cho cộng đồng!
Thế nhưng, triết lý ấy sẽ được cụ thể hóa trong các công trình như thế nào, thưa anh?
Một công trình được xây dựng trên khu đất, ngoài những tác động tích cực thì những yếu tố tiêu cực xuất hiện: Cản trở tầm nhìn, gió mát, ô nhiễm, giảm sự tương tác giữa con người và công trình, con người và con người…
Cần chia sẻ những quyền lợi có được của công trình cho cộng đồng để giảm thiểu tác động tiêu cực thông qua những giải pháp kiến trúc: Chia sẻ diện tích khu đất, gió mát, điểm nhìn, tăng khả năng tương tác con người với công trình và các công trình với nhau và với cộng đồng. Chúng tôi lồng ghép điều ấy vào trong quá trình tư vấn và làm việc với chủ đầu tư để thuyết phục họ cùng chia sẻ quan điểm của mình.
Cho tới thời điểm này, chúng tôi đã thành công với một số dự án như Khách sạn Joy Trip Nha Trang (hoàn thành 2018), Tổ hợp văn phòng và căn hộ cho thuê Share Tower tại phố Chùa Láng (Hà Nội), một dự án nhà ở tại Bắc Ninh là Từ Sơn House đang được xây dựng và Nhà hàng Nam Long ở Hà Nội cũng sắp đi vào hoạt động.
Cảm ơn anh và chúc HML Architecture tiếp tục thành công, tạo nên những dấu ấn mới trong thời gian tới.
Kiến trúc sư Hồ Mộng Long (sinh năm 1980)
- Tốt nghiệp Kiến trúc công trình, Đại học Kiến trúc Hà Nội (2004)
- Tốt nghiệp thạc sĩ Đại học Kiến trúc Hà Nội (2018)
- Thực tập tại văn phòng kiến trúc HAAI (2005)
- Quản lý tại Công ty cổ phần xây dựng và kiến trúc đô thị Việt Nam (2006-2008)
- Mở văn phòng kiến trúc riêng (cuối năm 2008)
- Chính thức thành lập HML Architecture ngày 3-2-2010
Các công trình tiêu biểu:
- Khách sạn 4 sao Alana Nha Trang
- Khách sạn 5 sao Boton Blue Nha Trang
- Khách sạn 4 sao The Code Đà Nẵng
- Khách sạn Joy Trip Nha Trang
- Khách sạn Diamond Noir Quảng Ninh (dự án)
- Khách sạn The Falls Nha Trang (dự án)
- Nhà hàng Nam Long
- Tổ hợp văn phòng và căn hộ cho thuê Share Tower (Chùa Láng, Hà Nội)
_______
Văn phòng HML Architecture
Số 44 ngõ 91 phố Trần Duy Hưng, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, TP. Hà Nội
Điên thoại: Văn phòng: (024) 62603880 – Mobile: 0988709990
Website: www.HML-architecture.com
FB page: www.facebook.com/HMLAssociates
_______
– Ảnh Quang Trần & Tư liệu của HML