Theo lời của kiến trúc sư. Căn nhà nằm không quá sâu trong một khu đất nhỏ ở ngoại ô Sài Gòn. Như nhiều ngôi nhà ở Việt Nam, căn hộ này cũng bị ảnh hưởng bởi sự ồn áo, bụi bẩn và thời tiết nóng nực. Chủ đầu tư (cũng làm trong ngành thiết kế công nghiệp) đã chia sẻ với chúng tôi về quyết định tạo thêm nhiều không gian hướng nội, có những vùng đệm với không gian bên ngoài thông qua cây xanh. Không gian mở được ưu tiên cao nhất trong thiết kế để các thế hệ trong nhà có thể tương tác với nhau dễ dàng.
Các tiêu chí của căn nhà được đưa ra như sau: Không gian mở nhưng “hướng nội”; đơn giản, mộc mạc nhưng tinh tế. Ưu tiên cho ánh sáng tự nhiên và thông gió, giảm sự phụ thuộc và tiết kiệm tối đa năng lượng nhân tạo. Mượn ánh sáng và bóng tối để trang trí, tận dụng tối đa không khí mát mẻ nhưng phải kiểm soát nhiệt năng trong nhà, tiếng ồn và an ninh. Chủ đầu tư yêu cầu sử dụng vật liệu địa phương, thân thiện môi trường để giảm chi phí, tạo ấn tượng và bản sắc. Trong căn nhà này phải có một không gian nhỏ để chủ đầu tư sử dụng như một phòng làm việc.
Với yêu cầu trên, chúng tôi đề xuất cách tiếp cận thiết kế theo hình thức nhà 2 khối. Lớp bên ngoài là mặt nhà được xây dựng bằng gạch bê tông rỗng (kích thước mỗi viên 30mx30cm) để cho gió, ánh sáng mặt trời có thể vào nhà, đồng thời đảm bảo an ninh. Đằng sau lớp này là không gian xen kẽ cây xanh, để lọc bụi, giảm nhiệt cũng như tiếng ồn vào trong nhà. Tiếp nữa là không gian sau với những tấm kính lớn, tạo độ mở để chủ đầu tư có thể thưởng thức cảnh quan thiên nhiên bên ngoài.
Điều đặc biệt nhất trong căn nhà này là khu vườn nhỏ giữa nhà, đây chính là nơi kết nối toàn bộ các thành viên trong gia đình và cũng là chỗ để nghỉ ngơi thư giãn sau những giờ làm việc mệt mỏi.
Giải pháp để lấy ánh sáng và gió từ không gian chức năng như vườn, mái nhà kính di động, tường bê tông cho phép căn nhà đầy đủ về ánh sáng, không khí mát mẻ, các phòng trong nhà đều có 2 mặt tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên. Sự tinh tế của đội ngũ thiết kế được thể hiện trong từng giai đoạn: buổi trưa, ánh sáng mặt trời trực tiếp chiếu vào khu vườn, các không gian còn lại có ánh sáng phản xạ thông qua các bức tường bê tông; buổi chiều, ánh sáng chiếu qua bức tường gạch thông gió, tạo chiều sâu thông qua bóng tối bằng các vật liệu trên sàn nhà và tường. Các nguyên tắc đối lưu và thông gió trực tiếp cũng đã được áp dụng nghiêm ngặt, giúp không gian trong nhà đón gió tự nhiên. Giải pháp này thật sự đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư liên quan đến việc tiết kiệm năng lượng nhân tạo.
Trong căn nhà này, chủ đầu tư sử dụng lại gần như toàn bộ đồ nội thất nên kiến trúc sư phải tôn trọng ý kiến này của chủ nhà. Mặc dù có một sự chưa tương đồng hoàn toàn giữa không gian mới và đồ nội thất cũ nhưng đây là một công trình đã đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư, tạo được những kí ức xưa về căn nhà cũ.
Đơn vị thực hiện: i.House Architecture and Construction
Địa điểm: Quận Nhà Bè, TP.HCM
Thiết kế chính: Lê Cảnh Văn, Đặng Huy Cường, Chu Ngọc Anh
Diện tích: 82m2 – Thời gian: 2014
Hình ảnh: Lê Cảnh Văn, Vũ Ngọc Hà