Ở Úc, cách thành phố Darwin hơn 1.400 cây số về phía nam là công viên quốc gia Uluru-Kata Tjuta, vốn nằm sâu trong sa mạc Red Centre – một địa chỉ rất linh thiêng và được coi là nơi hình thành nền văn hóa rất phong phú, có bề dày hơn 50 ngàn năm của thổ dân nước này. Ở trung tâm công viên đó có ngọn núi thiêng Uluru, còn được gọi là Ayers Rock.
Khu bảo tồn văn hóa của người Anangu
Vì không có nhiều thời gian dùng đường bộ phải mất hai, ba ngày đường qua vùng bình nguyên hoang vắng nên chúng tôi đi máy bay đến Alice Springs rồi mới tiếp tục đi xe. Ưu điểm nữa của cách này là được ngắm toàn cảnh sa mạc vùng lãnh thổ phía bắc Úc. Dưới cánh máy bay là những rặng núi sa thạch đỏ au, hàng triệu vân đất đá ngoằn ngoèo giống như những bức tranh nâu đỏ của người Aborigin (cách gọi về thổ dân Úc nói chung). Sân bay Alice Springs nhỏ và ấm cúng với nhiều hình ảnh trang trí mang màu sắc thổ dân. Alice Springs là thị trấn lớn thứ ba của vùng này nhưng nhỏ bé và thưa dân. Phố xá cũng đầy đủ cửa hàng, quán ăn nhưng vắng vẻ, chẳng thấy người vào ra, có lẽ do chúng tôi đến không trúng vào mùa du lịch.
Ở Úc, tháng 6 là mùa đông, đã 7 giờ sáng mà trời vẫn còn tối. Từ Alice Springs tới Uluru chỉ có một xa lộ dài 462km, nếu xe chạy nhanh cũng phải mất gần sáu tiếng đồng hồ. Hai bên đường toàn sa mạc cát, lơ thơ đây đó là những cây bạch đàn khẳng khiu và bụi rậm gai. Trên đường đi vắng bóng người, thi thoảng chúng tôi mới gặp vài chiếc xe địa hình của dân phượt. Chỉ những trạm xăng là nơi có đông người qua lại.
Trước khi đến đích cuối cùng là Uluru, chúng tôi ghé vào Kings Canyon – một quần thể di tích tuyệt đẹp, gắn liền với đời sống thổ dân từ hàng vạn năm trước. Ngại mất sức, mọi người chỉ đi trên con đường rải đá cuội dọc theo vách hẻm núi để ngắm quang cảnh ấn tượng của rìa hẻm núi. Vách núi bị gió mưa bào mòn thành những hình thù kỳ lạ bên cạnh những vực thẳm hun hút đầy hiểm nguy mà không hề có lan can hay rào chắn. Một chút do dự, chúng tôi theo chân đoàn người đi trước leo lên rìa của hẻm núi, đưa mắt nhìn bao quát cả công viên quốc gia Watarrka, nơi có nhiều cây cổ thụ ngót nghét 600 tuổi đời, cành lá sum suê.
Sau khi thưởng thức ly cà phê được cho là “ngon nhất nước Úc” tại Kings Creek, cả đoàn lại tiếp tục hành trình đến Uluru. Phong cảnh hai bên đường vẫn không có gì thú vị hơn nên mọi người tranh thủ chợp mắt. Không biết bao lâu sau, chợt có tiếng ai đó reo lên “Urulu kia kìa!”. Nhìn theo hướng tay chỉ, tôi thấy xa xa có một ngọn núi, nhưng hướng dẫn viên du lịch nhanh chóng chỉnh lại: “Đó là núi Conner, nhỏ hơn Uluru nhiều”.
Cách Uluru khoảng năm chục cây số là Kata Tjuta, một quần thể núi tròn lớn nhỏ chen nhau, ngăn cách bởi những vực sâu đầy thách thức. Những vách núi thiên hình vạn trạng, có những vách đá thẳng tắp láng bóng như bị nhát kiếm khổng lồ xẻ dọc, lại có những sườn núi nghiêng như sắp đổ sụp hay những hòn đá lớn nằm cheo leo trên vách. Cả đoàn hào hứng đi vào hẻm núi, lội xuống khe nước để chụp ảnh, có người thích quá nhảy luôn xuống đầm mình. Anh hướng dẫn cho biết thổ dân Úc thường dẫn con cháu đến đây, kể cho chúng nghe những câu chuyện cổ tích, dạy cho chúng biết cách sinh tồn trong vùng sa mạc, nhận dạng những cây ăn được và cây độc hay kinh nghiệm săn bắn thú hoang…
Gần đó là Uluru-Kata Tjuta Cultural Centre, trung tâm giới thiệu về lịch sử và văn hóa của thổ dân. Vùng này là nơi sinh sống chủ yếu của người Anangu. Trung tâm rất lớn, có nhiều tài liệu ghi chép lịch sử Úc theo cách nhìn của người Aborigin như một chứng tích lịch sử biểu trưng cho cuộc đấu tranh bền bỉ của những thổ dân Úc để giữ gìn mảnh đất của họ. Có cả những đoạn kết tội hay châm biếm người da trắng xâm lược. Trên một số tường có khắc họa những chuyện cổ tích mang vẻ huyền bí, những con thú hóa thành người, núi đá thiêng, cảnh sinh hoạt của người Aborigin… Một số đồ thủ công mỹ nghệ cũng được trưng bày.
Từ điểm này tới chân Uluru chỉ còn vài cây số. Dọc đường đi là thảm động thực vật bản địa khá phong phú. Quanh khu vực này đã bắt đầu có các dịch vụ dành cho du khách.
Thiên đường của những người thích đi bộ
Nhìn từ xa, Uluru giống như một hòn đảo nổi lên giữa sa mạc bao la. Ayers Rock hình thành từ hơn 600 triệu năm trước. Trải qua biến đổi địa chất, ngày nay nó là một hòn núi đá sa thạch cao 348m, rộng 1,9km, dài 3,6km, đỉnh núi bằng phẳng, không một bóng cây. Một điều ngạc nhiên nữa là khối đá khổng lồ nằm sâu khoảng 2,5km dưới lòng đất. Uluru được nhà thám hiểm William Gosse phát hiện và đặt tên là Ayers, theo tên của vị toàn quyền nước Úc giai đoạn 1863-1873, Henry Ayers.
Điều đặc biệt là từ đầu sáng đến khi trời chạng vạng, ánh sáng khiến vách núi Uluru thay đổi từ màu đỏ nhạt sang màu cam, rồi đỏ thẫm và cuối cùng là nâu vàng. Khi trời mưa to hoặc mưa vừa tạnh, ngọn núi lại nhuốm màu tro bạc, pha lẫn chút đen, có khi là xanh ôliu. Đây là nơi ra đời những câu chuyện huyền thoại về những linh vật thần thánh – “linh hồn” của người Anangu. Trong tâm thức họ, Uluru luôn là nơi thiêng liêng do thần linh ban phát. Đến cả những vệt sẫm màu do nước mưa chảy lâu ngày in trên mặt đá hay những lằn rãnh lượn sóng ở một số chỗ do mưa gió qua bao năm tạo thành cũng được cho là dấu vết của sức mạnh siêu nhiên. Thổ dân Úc vẫn thực hiện những nghi lễ tôn giáo linh thiêng để “trò chuyện” với tiền nhân của mình tại đây.
Vẻ đẹp tự nhiên tuyệt vời của Uluru đã thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới. Nhiều du khách ưa mạo hiểm, không bằng lòng với việc chỉ chiêm ngưỡng vẻ kỳ ảo của hòn núi đã leo lên tận đỉnh, dù rất nguy hiểm. Cộng đồng thổ dân cảm thấy áp lực rất lớn khi du khách leo lên khu vực linh thiêng của họ. Con đường mòn lên đỉnh Uluru vốn không được sự chấp thuận của thổ dân Anangu nhưng vẫn không cản được lòng khát khao chinh phục của người hâm mộ bốn phương.
Vào năm 1985, sau nhiều thập niên tranh đấu, Uluru và vùng phụ cận đã được chính phủ Úc quyết định trả lại cho bộ tộc Anangu. Sau đó, chính phủ thuê lại trong thời hạn 90 năm để tiếp tục khai thác du lịch. “Thánh địa” Uluru đã được xếp hạng di sản thế giới cả về quần thể thiên nhiên lẫn những giá trị văn hóa giờ được bảo vệ nghiêm ngặt. Tất cả du khách muốn đến đây đều phải mua vé và hạn chế đi lại theo khung giờ quy định để không ảnh hưởng đến đời sống thường nhật của cộng đồng thổ dân.
Người nào không muốn mất ba tiếng leo lên leo xuống với bao rủi ro thì có thể đi một vòng quanh núi dài chừng chục cây số, thế mà cũng phải tốn sáu giờ liền. Người ta khéo léo sử dụng một số hang động để làm những điểm giới thiệu sinh hoạt tâm linh của dân Aborigin ở chặng đầu trong quá trình khám phá. Những ai ngại đường xa, sau khi chụp vài tấm hình làm kỷ niệm thì quay trở ra, còn nhóm ưa mạo hiểm cứ đi tới, nhưng càng đi càng bị rơi rụng dần. Hướng dẫn viên đã đưa ra hai lời khuyên hữu ích cho chúng tôi. Thứ nhất, lúc nào cũng phải nghĩ tới đường trở về, đừng quá cố gắng mà không còn sức để lết ra. Thứ hai là nhớ mang theo hai chai nước. Sau khi uống hết một chai là phải quyết định có đi tiếp không hay quay về. Trời có thể không nắng gắt, nhưng khi gió sa mạc nổi lên là cảm giác khát nước sẽ đến rất nhanh.
Đường đi khá bằng phẳng trên nền đất pha cát. Bên đường chỉ có những bụi cây lúp xúp, những triền cỏ khô hanh vàng vì vùng này rất hiếm mưa. Hương nhựa cây bạch đàn – loài cây phổ biến trên đất Úc luôn nồng nàn trong gió. Những bông hoa nhỏ li ti cứ ẩn hiện trong các bụi rậm. Đủ loại chim nhiều màu sắc ríu rít chuyện trò. Thỉnh thoảng lại thấy thấp thoáng những đôi tai nhọn của đàn chó hoang Dingo sau lùm cây…
Một ngày trôi qua rất nhanh. Trước khi mặt trời lặn, mọi người hô hoán nhau nhanh chân tới những điểm tập trung, vừa tầm nhìn để xem núi đổi màu. Núi vẫn ở phía trước, mặt trời đang lặn phía sau. Chúng tôi hồi hộp chờ xem hòn núi đổi màu thế nào. Tất cả máy ảnh cùng nhắm về một hướng.
Dưới ánh nắng chiều, Uluru chuyển màu tím sẫm, những người chờ xem hoàng hôn buông luyến tiếc vỗ tay tạm biệt ánh dương cuối ngày.