Từ TP. Vinh, tỉnh lỵ tỉnh Nghệ An, chúng tôi đi về hướng nam chừng 10km là bắt đầu thấy dãy núi Hồng Lĩnh trải dài trước mặt. Hồng Lĩnh từng được mệnh danh là Hoan Châu đệ nhất danh thắng bởi vẻ đẹp vừa hùng vĩ vừa nên thơ, như một điểm nhấn nổi bật của vùng đất Nghệ An – Hà Tĩnh. Theo truyền thuyết Hồng Lĩnh có 99 đỉnh nhưng trong thực tế có hơn 60 đỉnh, với độ cao từ vài chục mét cho đến 676m – đỉnh cao nhất.
Đoàn dừng chân ở thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), một đô thị nhỏ xinh xắn nằm dọc theo dải núi. Thị xã này được sông La, sông Minh Giang tưới tắm nên khá trù phú. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi ở đây là hồ Thiên Tượng thuộc phường Bắc Hồng, một thắng cảnh nổi tiếng từ xa xưa. Hồ nằm trên độ cao 100m so với mực nước biển, được tạo thành từ nguồn nước của suối Tiên. Thiên Tượng có hình dáng tuyệt đẹp với đường bờ hồ quanh co, uốn lượn, bao quanh là những dáng thông xanh soi bóng xuống mặt hồ.
Phía đông và tây của hồ Thiên Tượng là những ngọn núi hiểm trở. Nổi bật nhất phải kể đến Thiên Tượng, ngọn núi thiêng của đất Hồng Lĩnh. Trên núi Thiên Tượng có chùa Thiên Tượng, một ngôi chùa cổ hình thành từ thời Trần, nằm cách hồ chừng 2km đường bộ. Dù chùa Thiên Tượng không lớn như các ngôi chùa lân cận nhưng nhờ vị trí lưng chừng sườn núi, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên nên vừa uy nghiêm, vừa dung dị, vừa có sự huyền bí nhưng lại gần gũi với thế tục.
- Xem thêm: Nhịp sống như thơ ở bản Hoa Tiến
Toàn dãy Hồng Lĩnh có khoảng 100 ngôi chùa và đền miếu. Có nhiều di tích rất cổ như chùa Hương Tích, chùa Chân Tiên – nơi vẫn còn dấu chân người và chân ngựa trên một tảng đá (gắn với truyền thuyết tiên giáng trần). Tọa lạc trên đỉnh núi Tiên An hùng vĩ, chùa Chân Tiên được xây dựng vào thời nhà Trần (thế kỷ 13) và đã trải qua ba lần trùng tu, sửa chữa, lần gần đây nhất là vào năm 2005. Chùa có hai ngôi đền, thờ Phật tổ và thờ Thánh Mẫu.
Đền thờ Phật không rộng lớn nhưng rất cổ kính, kiến trúc theo lối tứ trụ gồm ba gian lợp ngói âm dương và bốn cột xây, tường bao ba phía. Thích nhất là những rừng thông xanh tươi bốn mùa bao quanh chùa, tạo không khí trong lành, mát mẻ khiến chúng tôi vừa khỏe người, vừa thư thái đầu óc. Núi Tiên An còn có nhiều động đẹp như động Mai, động Trúc, động Đá Người, động Thạch Thất… và có nhiều hang đá, cột đá cổ như đá Giã Gạo, hang Bàn Cờ, đá Cối Xay, đá Mười Hai Cửa…, đặc biệt là đá Vợ, đá Chồng sừng sững, đã sánh đôi ngàn đời dưới chân núi, hướng mặt ra Biển Đông.
- Xem thêm: Vãn cảnh Cửa Lò
Từ đỉnh Tiên An trông ra xa xa, thấy sườn phía bắc dãy Hồng Lĩnh nằm dọc theo sông Lam trong xanh. Trên cao nhìn xuống mới hiểu tại sao sông núi ở đây lại đi vào tâm hồn người dân đến vậy. Non nước không chỉ hữu tình mà còn là nguồn sống của con người. Anh hướng dẫn cho biết có đến 26 khe suối chảy từ trong núi ra và ngày nay có hàng mấy chục đập nước ở chân núi Hồng Lĩnh. Có cả một số ao hồ rất đẹp còn nguyên sơ ở lưng núi và chân núi như Bàu Tiên, Vực Nguyệt, Ao Núi Lân, Bàu Mỹ Dương.