Tháng 6-2009, sau nhiều năm tự học hội họa, họa sĩ Trần Đán đã có triển lãm cá nhân đầu tiên tại gallery 13 ở thành phố Minneapolis (bang Minnesota), nơi ông đã định cư gần ba mươi năm. Rồi Trần Đán về Việt Nam, bày tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cách đây vài năm. Tháng 6-2018, ông lại có dịp giới thiệu những sáng tác mới cũng là những thể nghiệm mới – cả trong hội họa lẫn nhiếp ảnh – tại Homewood Studios, một không gian sinh hoạt nghệ thuật cộng đồng của cư dân Minneapolis.
Trong các triển lãm trước, Trần Đán chọn đề tài từ những huyền thoại, những áng văn chương cổ điển Việt Nam và thế giới như bi kịch Mỵ Châu và nỏ thần Kim Quy, bà Âu Cơ sinh trăm trứng, Truyện Kiều, con ngựa thành Troy, chuyện Sisyphus bị trừng phạt suốt đời đẩy đá lên núi… Ông đã thể hiện bằng nhiều ngôn ngữ, thủ pháp hội họa từ biểu hình, siêu thực đến pop art, tranh đường phố và cả biếm họa, miễn sao hình thức có thể giúp người xem “đốn ngộ” với nội dung mà tác phẩm muốn truyền tải. Dù đề tài là những tích truyện cổ, tranh Trần Đán hàm chứa những thông điệp của thời đại chúng ta đang sống, và người nghệ sĩ sáng tác còn là kẻ dấn thân chứ không chỉ đơn thuần mang cái đẹp đến với cuộc sống.
Với triển lãm đang diễn ra tại Homewood Studios, Trần Đán gần như đã “lột xác” cả về ngôn ngữ hội họa lẫn khuynh hướng nghệ thuật. Tranh được tối giản về hình, chỉ còn những vạch, những que màu nối nhau thành những vòng xoắn mà theo ông: “được gợi ý từ kỹ thuật số với hai ký tự 0 và 1, tôi tự đặt cho mình thử thách: với chỉ vỏn vẹn các que màu lớn nhỏ, làm thế nào tôi có thể diễn đạt được hằng hà sa số các ý tưởng”. Với ông, tác phẩm “quan trọng nhất là ý”, nói cách khác ở chặng sáng tác hôm nay của Trần Đán thì nghệ thuật ý niệm (conceptual art) là khuynh hướng chủ đạo.
Trong loạt tranh 13 bức này, ông dùng ngôn ngữ biểu hiện trừu tượng nhằm “hiển thị những cách con người đấu tranh cho sự thật”. Để “truy tìm sự thật” ông tìm đến phương pháp suy luận của triết gia thời cổ đại Hy Lạp Socrates(*) và thể hiện bằng các vòng xoắn gãy khúc trong tranh, những vòng xoắn “được lặp đi lặp lại trong nhiều bức tranh; những que màu khúc khuỷu gợi hình ảnh của hỗn loạn, hoặc của tia sáng hay tia sống tùy vào họa cảnh”. Màu sắc và độ gồ ghề (của các vòng xoắn) được thể hiện tùy yêu cầu gây cảm xúc cho người xem. Nếu người xem nhập được ý niệm trong tác phẩm qua kết cấu thị giác như trong Thiền ngộ, hay qua một công thức toán, thì tôi cảm thấy mình đã đạt được ý nguyện”, Trần Đán cho biết.
Như vậy, mười ba tác phẩm hội họa được tác giả đặt tên: Phương pháp Socrates (để đạt đến sự thật), Socrates thách đố (chuyện Socrates uống thuốc độc tự vẫn khi mất đi tự do tư tưởng), Niềm khát vọng Malala (về cô bé Malala Yousafzai ở Pakistan đã bị bọn Taliban bắn vào đầu vì đòi quyền được đi học cho nữ giới, giải Nobel Hòa bình 2014), Rosa Parks – trắng và đen (về bà Rosa Louise McCauley Parks, nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi, người được quốc hội Mỹ tôn vinh là “mẹ đẻ của phong trào nhân quyền hiện đại”), Không bức tường lửa nào ngăn được sóng thần Tim Berners-Lee (về Sir Timothy John Berners-Lee, một nhà khoa học máy tính người Anh, người phát minh ra World Wide Web), Sylvia Plath đắm say (về Sylvia Plath, nhà thơ nữ đặc sắc của Mỹ thế kỷ XX, tự tử năm 1963 và được trao giải Pulitzer 1982 về thơ ca), Nỗi khát khao của công nương Diana (khi sự thật bị che đậy bởi sự hào nhoáng vương giả), Lời cảnh báo của Copernicus (về nhà thiên văn học người Ba Lan Mikołaj Kopernik, cha đẻ của thuyết nhật tâm – con người không còn là cái rốn của vũ trụ), Mạng âm u (khi sự thật bị vùi lấp với thông tin giả và kẻ dùng mạo danh)…
Xem tranh Trần Đán, một họa sĩ Mỹ ở Minneapolis nhận định: “Tôi ngạc nhiên vì với thị vựng (visual vocabulary) của ông rất đơn giản. Vỏn vẹn chỉ có các que màu lớn nhỏ, được chắp nối khác nhau, thế mà ông biểu hiện được rất nhiều ý tưởng giản đơn có, phức tạp có. Không đến trường lớp nhưng ông vẫn nắm khá hoàn chỉnh kỹ thuật: chồng lớp, cạo đục, pha trộn chất liệu khi sần khi nhẵn, lúc vẽ theo hình họa, lúc vẽ vung tay (gesture)… miễn sao bám sát ý tưởng. Ông nói chỉ học lỏm bằng cách đi xem tranh ở bảo tàng, xem trên YouTube và thử nghiệm. Tôi không thể xác định ông theo trường phái hội họa nào, còn ông chỉ cười nói: theo phái outsider (ngoại đạo)”.
Phòng triển lãm còn có 13 tác phẩm nhiếp ảnh (bên cạnh đam mê hội họa, nhiếp ảnh là một thú vui lớn của Trần Đán) với chủ đề chung là hoang dã. Tác giả đã dùng kỹ thuật ghép chồng lên nhau nhiều ảnh chụp trên đường phố, qua đó ông đặt câu hỏi cho người xem về những cách nghĩ, cách ứng xử của con người trong bộ mặt văn minh hôm nay liệu có khác gì với cách hành xử của người tiền sử sống trong hang động.
Mặt khác loạt ảnh của Trần Đán còn thể hiện từ nhu cầu tin vào sự hiện hữu và tính bất diệt của linh hồn đến đòi hỏi phải khẳng định cá tính trước sức ép của đám đông cũng như đến sự lệ thuộc vào dục vọng luôn ẩn giấu trong tiềm thức của con người.
Một nhà phê bình nhiếp ảnh người Mỹ đã viết: “Thường thì hiện thực và chất thơ hay đối chọi nhau. Hiện thực đòi hỏi chính xác, còn chất thơ cho phép mơ hồ. Nhưng trong các bức ảnh được dựng ghép này tôi lại cảm nhận chất thơ toát ra từ hiện thực. Có lẽ vì trong quy trình dựng ghép các bức ảnh đường phố vào nhau, đường nét, màu sắc, văn cảnh – tất cả đều bị biến thể, khơi dậy cảm xúc mơ mơ thực thực của chất thơ. Nhưng ngay khi nghĩ nó là chất thơ thì sự chính xác của từng yếu tố trong ảnh lại lôi ta ngay về hiện thực. Và cứ như thế người xem không ngừng dao động giữa hiện thực và chất thơ”.
Trần Đán hy vọng sẽ một ngày không xa được giới thiệu các tác phẩm hội họa và nhiếp ảnh của ông với người xem ở quê nhà.
(*) Socrates là triết gia nổi tiếng thời Hy Lạp cổ đại, sống trong khoảng năm 469-399 trước Công nguyên. Phương pháp suy luận của ông được gọi là phương pháp truy vấn biện chứng hay phương pháp bác bỏ bằng lô-gíc, theo đó để giải quyết một vấn đề, người ta chia nhỏ vấn đề đó thành một hệ thống các câu hỏi liên tục, liền mạch. Các câu trả lời sẽ dần dẫn đến lời giải cần tìm kiếm. Kết luận nào dẫn tới mâu thuẫn sẽ bị loại bỏ