Một tác phẩm của Picasso bị đánh cắp cách đây hai mươi năm, từng được trang trí bên trong chiếc du thuyền của một tỉ phú Ả Rập Saudi, sau đó được dùng làm tài sản thế chấp trong một vụ buôn bán ma túy, tiếp đến là một vụ buôn bán vũ khí trước khi bức tranh được tìm thấy ở Hà Lan.
Người đã truy tìm dấu vết của bức tranh quý là ông Arthur Brand – được biết đến với biệt danh “Indiana Jones của thế giới mỹ thuật”(*).
Vào tháng 3-1999, một chuyên gia về đóng gói tác phẩm mỹ thuật được mời lên chiếc du thuyền cực kỳ xa hoa của một tiểu vương Ả Rập Saudi để giúp đóng gói một bức tranh được Picasso vẽ năm 1938, sau đó tranh sẽ được chuyển tới một resort bé nhỏ tại Côte d’Azur – vùng bờ biển Địa Trung Hải nổi tiếng ở Pháp.
Là một trong số nhiều họa phẩm đắt giá được dùng để trang trí chiếc du thuyền, bức tranh Picasso được cho vào bao bì cẩn thận, đặt vào một phòng khóa kín, chờ được chuyển đến một nhà kho rồi theo kế hoạch sẽ được vận chuyển đến Côte d’Azur. Thế nhưng cũng từ lúc đó nó đã biến mất, không để lại chút dấu vết nào.
- Xem thêm: Christie’s bán cổ vật cướp bóc
Cho đến gần 20 năm sau, bức tranh có tên Buste de Femme (Chân dung bán thân phụ nữ) đang ở đâu vẫn còn là một bí ẩn. Thế nhưng, mới đây hãng tin AP cho biết, rốt cuộc bức tranh đã được “thám tử mỹ thuật Hà Lan” Arthur Brand tìm thấy sau nhiều năm trời truy tìm.
Đó là bức tranh Picasso vẽ chân dung nữ họa sĩ cũng là nhà nhiếp ảnh Dora Maar, người tình của nhà danh họa trong các thập niên 1930, 1940.
Theo nguồn tin của hãng AFP, vào năm 2015 Arthur Brand đã được biết “một bức tranh bị đánh cắp của Picasso từ một con thuyền” đang di chuyển trên các thủy lộ ở Hà Lan.
Lúc đó ông không chắc nó chính là bức tranh từng được đóng gói trên chiếc du thuyền của tiểu vương Abdul Mohsen Abdulmalik Al-Sheikh năm 1999.
Nhưng cuối cùng ông đã khẳng định đó chính là bức Buste de Femme qua các nguồn tin ông thâu thập được khi tiến hành cuộc tìm kiếm.
Đầu tháng 3-2019, Arthur Brand đã tiếp xúc với hai đại diện của một doanh nhân Hà Lan, người tuyên bố rằng ông ta đang có trong tay bức chân dung nàng Dora Maar.
Trả lời AFP, Arthur Brand cho biết doanh nhân Hà Lan đó đã vô phương kế để giải thích vì sao mình có được bức tranh.
Ông ta nghĩ rằng bức tranh Picasso là một phần của những thỏa thuận hợp pháp. Hóa ra các vụ buôn bán (ma túy, vũ khí) với bức tranh bị đánh cắp là vật thế chấp là hợp pháp?
Chỉ vài ngày sau cuộc tiếp xúc, các đại diện của doanh nhân Hà Lan nói trên đã mang đến căn hộ của Arthur Brand ở Amsterdam bức tranh quý được bọc trong hai túi plastic.
Khi đó Brand chưa dám tin chắc nó là bức tranh thật nhưng rồi ông nhận ra đó chính là bức Buste de Femme bởi “có gì kỳ diệu toát ra từ bức tranh”.
Một chuyên gia về tranh Picasso đến từ gallery Pace danh tiếng ở New York sau đó đã xác nhận bức tranh do Picasso vẽ.
Trong những năm “lưu lạc”, tác phẩm Buste de Femme đã bị sang tay ít nhất mười lần, như nói ở trên qua các thương vụ bí mật và bất hợp pháp trước khi đến với bộ sưu tập của nhà doanh nghiệp ở thủ đô Hà Lan.
Tuy nhiên, cảnh sát Pháp và Hà Lan đã công bố họ sẽ không khởi tố doanh nhân đã hoàn trả lại bức tranh.
- Xem thêm: Tranh quý bị trộm trong… phim
Khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Matilda Battersby của nhật báo The Independent (London) năm 2016, “Indiana Jones của thế giới mỹ thuật” cho biết thật ra phần lớn thời gian của ông không phải là truy tìm các tác phẩm quý giá vốn đầy rẫy trong thế giới tội phạm loại này.
Thay vào đó, công ty của ông chủ yếu đưa ra các tham vấn sao cho giới sưu tập tác phẩm mỹ thuật tránh mua phải đồ giả, và cũng không kém phần quan trọng là giúp các gia đình người Do Thái – nạn nhân của chế độ diệt chủng Hitler tìm lại được những tài sản nghệ thuật mà họ bị bọn phát xít Đức cưỡng đoạt khi chúng còn cầm quyền.
Dù rất khiêm tốn khi nói về công việc chính của mình, Arthur Brand đã giúp phát hiện rất nhiều vụ trộm cướp các tác phẩm mỹ thuật quý giá.
Chẳng hạn, theo tờ Washington Post, vào năm 2015 ông đã dò ra dấu vết của hai tượng ngựa bằng đồng kích thước rất lớn được “một gia đình yêu quý chủ nghĩa phát xít Đức” đặt hàng nhà điêu khắc Josef Thorak thực hiện để tặng “quốc trưởng Adolf Hitler”.
Câu chuyện về hai tượng ngựa “khủng” này rất thú vị. Số là vào mùa xuân năm 1988, nhà nữ sử học trẻ tuổi ở Berlin Magdalena Bushart đã phát hiện nhiều bức tượng đồng thời quốc xã Đức tại Eberswalde – một thị trấn nhỏ ở Đông Đức, tất cả được cất giấu trong sân vận động của một căn cứ quân sự Liên Xô (cũ). Trong số những tượng đồng đó, có hai bức tượng ngựa hoành tráng.
Khi bức tường Berlin sụp đổ, hai nhà buôn xe cổ đã buôn lậu hai tượng ngựa đó từ Eberswalde về Tây Đức và đưa vào bộ sưu tập của họ.
Khi biết được chính xác địa chỉ của hai nhà sưu tập người Đức, Arthur Brand đã đóng vai một ông trùm dầu mỏ ở Texas đến thương lượng để mua.
Kết quả là hai tượng ngựa đã được chính phủ Đức thu hồi và đặt phía trước hai bảo tàng mỹ thuật ở Berlin. Năm 2018, ông còn tìm thấy một bức khảm mosaic đã có từ 1.600 năm trước, bị lấy trộm từ một tu viện trên đảo Cyprus vào thập niên 1970.
Tác phẩm Buste de Femme được định giá khoảng 28 triệu USD và hiện đã chuyển đến một công ty bảo hiểm được giữ bí mật danh tính, các bước tiếp sẽ là tìm ra khổ chủ của bức tranh trước lúc nó bị đánh cắp.
Riêng “Indiana Jones của thế giới mỹ thuật” đã có một buổi tối không quên với tác phẩm mà ông truy tìm được: “Tôi treo bức tranh Picasso lên tường căn hộ của mình trong một đêm, vì thế nó khiến cho chỗ ở của tôi trở thành căn hộ cao giá nhất ở Amsterdam chỉ trong ngày hôm đó!”.
(*) Indiana Jones là nhân vật trong xê-ri phim truyện phiêu lưu mạo hiểm nổi tiếng của Hollywood – vị giáo sư khảo cổ học do Harisson Ford thủ diễn đã tìm ra nhiều kho báu và thánh tích quan trọng qua các chuyến phiêu lưu kỳ thú của ông