Khi rừng ngày càng thu hẹp thì chiếc lò sưởi dần trở thành một hình ảnh xa xăm, gợi nhớ truyền thuyết Hy Lạp về Prometheus đánh cắp lửa của thần Zeus đem tặng cho con người để rồi chịu hình phạt phơi thây trên sườn núi cho đại bàng moi gan. Cứ đến mùa Giáng sinh, mỗi khi có chiếc lò sưởi hiếm hoi nào đó ở Đà Lạt được đốt lên, hồn Prometheus như lại hiện về…
Ở Đà Lạt có bao nhiêu ngôi biệt thự Pháp thì những lò sưởi bên trong ít nhất phải gấp đôi con số đó. Tất cả các lò sưởi ở đây đều có sàn lò xây bằng gạch theo phong cách Pháp thế kỷ 19. Trong khi đó, lò sưởi ảnh hưởng phong cách Anh vào thời kỳ này đều lát sàn lò bằng sắt tấm để lò sưởi tiếp tục giữ nhiệt và tỏa ấm cho dù củi lửa đã tàn. Ở những lò sưởi nhỏ, củi được đốt ngay trên sàn lò nhưng với những lò sưởi lớn trong các đại sảnh thì củi đốt luôn được sắp trên hai chân đế sắt để lửa được thông hơi và cháy đều. Chân đế này được gọi là “chó lửa” (fire dogs) vì theo truyền thống được đúc theo hình con chó – bạn tốt nhất của con người – dù sau này chân đế được cách tân theo nhiều kiểu dáng khác. Ở Đà Lạt hiện nay, có lẽ chỉ còn duy nhất chiếc lò sưởi ở đại sảnh dinh Bảo Đại (dinh 3) là còn nguyên vẹn cặp chân đế mang hình con chó này.
Lò sưởi ngày xưa được đặt ngay giữa nhà nhưng kể từ thời Trung cổ, khi lần đầu tiên xuất hiện những ngôi nhà gỗ hai tầng, lò sưởi được đưa ra sát tường. Các lò sưởi ở các tầng thường nằm trên cùng một trục và sử dụng chung hệ thống ống khói. Căn phòng có lò sưởi được dùng làm phòng khách ở tầng trệt hay phòng sinh hoạt chung của gia đình ở tầng trên. Hơi ấm từ đó cứ nhẹ nhàng lan tỏa sang các phòng khác.
Chiếc lò sưởi trở thành diện mạo của gia đình, và thể hiện sự phong lưu của chủ nhà cho nên mặt và thành lò sưởi trở thành những điểm nhấn trang trí nội thất được chú ý đặc biệt. Theo nhiều người dân Đà Lạt, chiếc lò sưởi đẹp nhất, bề thế nhất và được giữ gìn khá tốt lại không phải nằm trong các dinh thự Pháp mà ở trong phòng khách của bà Ngọc Điệp, thứ phi cựu hoàng Bảo Đại, bây giờ là trụ sở của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng trên đường Quang Trung.
Các mặt lò sưởi trong các biệt thự Pháp ở Đà Lạt nếu không làm bằng đá với những đuờng nét kỷ hà kiểu Gothic thì được ốp gỗ có vân đẹp hoặc lát gạch trần. Mặt lò sưởi thường nhô ra khỏi tường nên hai bên lò sưởi cũng thường được thiết kế thành hai tủ sách hay kệ nhỏ chưng đồ lưu niệm. Thành lò sưởi luôn là vị trí nổi bật nhất để đặt một bình hoa tươi và mảng tường bên trên luôn là không gian dành cho một bức tranh hay bức ảnh lớn.
Các lò sưởi ở các biệt thự Pháp đã được bảo tồn vẫn còn giữ gần nguyên vẹn kiểu dáng xưa nhưng những lối bài trí nội thất quanh không gian lò sưởi đã thay đổi hẳn. Ngay cả mặt gỗ quanh lò sưởi bây giờ cũng được trang điểm bằng những lớp phun PU bóng lưỡng và những phiến gạch trần lại bị phủ sơn nước lòe loẹt.
Những biệt thự mới xây dựng gần đây ở thành phố cao nguyên này hầu hết không có lò sưởi hay chỉ có lò sưởi giả nho nhỏ trang trí ở góc tường. Ngoài những lý do về sở thích của gia chủ đối với những thiết kế mới, một người trong ngành xây dựng ở Đà Lạt cho biết kỹ thuật làm hệ thống thông khói lò sưởi gần như đã thất truyền.
Nhưng ở Đà Lạt vẫn còn những chủ quán cà phê lãng mạn cố nuôi nấng thần thoại trong thời buổi hoài nghi. Nguyên dãy phố cà phê đường Nguyễn Chí Thanh chỉ có quán Nghệ Sĩ có chiếc lò sưởi nhỏ tồn tại từ lâu và những đêm lạnh vẫn được đốt ấm. Quán Song Vi trong một biệt thự tư nhân mới xây dựng gần đây trên đường Nguyễn Du cũng có hai chiếc lò sưởi xinh xinh.
Những chiếc lò sưởi còn nguyên hình hài nhưng vĩnh viễn mất đi hồn lửa ở các biệt thự xưa, nay được dùng làm các cơ quan, đã trở thành những nơi tiện dụng nhất để chứa thùng rác và tất cả những gì không cần thiết hay phế thải. Đa số lò sưởi ở các biệt thự và dinh thự được duy tu và phục vụ du lịch vẫn còn hoạt động tốt nhưng cũng hiếm khi nghe tiếng lửa hồng tí tách reo trong những đêm đông. Bởi ở phương Tây cũng thế, chiếc lò sưởi vẫn hiện diện trong nhiều gia đình nhưng bây giờ được đốt bằng điện hoặc hơi ga thay vì củi…
– Hình ảnh: Trần Đức Tài
- Xem thêm: Nỗ lực cho hiệu quả đồng bộ