Triển lãm tranh, tượng với tên gọi “Hàn huyên” đang diễn ra tại Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (218A Pasteur, Q.3, từ 1-12 đến 8-12-2018) với 23 tác giả là cựu sinh viên Đại học Mỹ thuật thành phố khóa 1993-1998; một triển lãm gây nhiều cảm xúc cho người trong cuộc cũng như giới thưởng ngoạn.
Trong số những khóa đào tạo sinh viên của Trường Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh kể từ sau 1975 đến nay, không có nhiều khóa “chất lượng” như vậy, theo nghĩa có khá nhiều sinh viên ra trường cách đây hai thập niên đã thành danh và thành công, “trụ” được giữa cuộc sống còn nhiều bất ổn và trong một lĩnh vực đòi hỏi nhiều nỗ lực làm việc đi cùng khả năng sáng tạo không ngừng… Và hẳn cũng có người chẳng còn tha thiết với những giấc mộng, “những cuộc phiêu lưu không cần biết đến chân trời” của thuở mới hân hoan bước vào trường như cách nói của Nguyễn Thị Châu Giang, một trong số những cựu sinh viên của khóa học đã có được chỗ đứng khá vững chãi với nghề, không chỉ ở trong nước.
Cùng khóa, cùng say đắm văn chương từ ngày còn học mỹ thuật như Châu Giang là Ly Hoàng Ly, người đã rời hội họa để bước sang nghệ thuật đương đại và cũng khẳng định được cái tôi của mình trong lĩnh vực này. Tương tự như Ly Hoàng Ly, Bùi Công Khánh cũng gắn bó với nghệ thuật đương đại đã nhiều năm, có những thành tựu đáng trân trọng qua nhiều triển lãm trong và ngoài nước. Thật thú vị khi trong triển lãm “Hàn huyên” có những bức tranh thuở ban đầu “hồ dễ mấy ai quên” của Bùi Công Khánh, Ly Hoàng Ly.
Trong “bộ tứ” từng đứng chung một vài cuộc trưng bày cách đây đã nhiều năm, ngoài Công Khánh, Châu Giang, Ly Hoàng Ly, còn có “anh cả” Bùi Tiến Tuấn mà nay đã trở thành một tên tuổi của tranh lụa Việt Nam hiện đại với những tìm kiếm dày công và ý thức rõ rệt về con đường mình đang đi. Bên cạnh đó, phải kể đến Siu Quý – người đang “dấn thân” vào công tác phong trào của Hội Mỹ thuật thành phố nhưng vẫn không rời tay cọ, với nhiều tác phẩm đáng nhớ trong những triển lãm thời gian qua. Còn có Thu Nga với những tác phẩm điêu khắc thường xuyên dự các triển lãm ngày nào.
Trong danh sách dự “Hàn huyên” có những cái tên chưa được nhiều người biết đến nhưng tác phẩm của họ đủ sức nặng để làm nên một cuộc hội tụ đông vui, có thể tạo chất men cho những cuộc gặp gỡ hồi cố khác, tất nhiên cần có nhiều nỗ lực. Bởi như tự sự của Châu Giang “có rất nhiều người bạn 20 năm không gặp, có rất nhiều người bạn 20 năm không một tin tức. Thế nên, làm được cuộc triển lãm khóa 20 năm lần này, thật là kỳ diệu và đáng quý biết bao nhiêu”. Triển lãm này, theo cô là cách gắn kết những bạn đồng khóa để “không quên nhau” và “để lại có thể nhìn về nhau mà đi qua hết một giấc mộng dài 20 năm nữa…”.
Còn với Ly Hoàng Ly, cô “đã có được niềm vui, niềm hạnh phúc tinh khiết liên tục trong 5, 6 năm khi học hội họa ở Đại học Mỹ thuật. Sau này, mỗi khi khó khăn quá tưởng phải buông nghiệp nghề, chỉ cần hít thật sâu, nhắm mắt lại nhớ về những ngày tháng tuyệt vời ấy, ký ức về nguồn hạnh phúc trong trẻo lại truyền nạp cho tôi năng lượng. Khóa 1993-1998 là ngôi nhà hạnh phúc nhất mà tôi có được cho đến nay, ngoài gia đình. Những ngày tháng ấy tôi không chỉ được học từ thầy cô, từ các anh chị đi trước cách tự căng bố, bồi giấy, làm bảng vẽ, đóng hộp màu, kiến thức vẽ cơ bản, mà tôi học được những bài học bước vào đời sống thực qua những chuyến thực tế lặn lội các vùng cao phía bắc, vùng nông thôn, học được tình sẻ chia từ cái ăn đến màu vẽ của anh em bạn bè. Ly cà phê đầu tiên tôi uống ngoài đường là từ đây. Làm quen với việc nằm ngủ trên đất núi lạnh, trên giường ẩm mốc, ngồi vẽ cạnh phân trâu bò, ruồi muỗi, lội bùn lầy… cũng là từ đây… Cái hạt làm nghệ thuật của tôi được gieo ở nơi ấy, ở những năm tháng ấy, ở tình thầy trò và bạn bè quý giá ấy. Dù có lưu lạc nơi nào, thì rễ tôi cũng đã bén từ chốn này”.
Trang Mỹ thuật DNSGCT giới thiệu một số tác phẩm của triển lãm “Hàn huyên”.