Chuyện đau lòng dậy sóng trên tin tức, chuyện có thật, cô giáo sai cả lớp tát bạn 231 cái thâm tím mặt mày phải đi bệnh viện. Lỗi là do em chửi bậy.
Có thể nói là cả xã hội đón những tin như thế vừa điếng hồn vừa bất ngờ, sao chuyện gì cũng có thể xảy ra vậy?
Thôi không nói đoạn căm phẫn chê trách mắng mỏ cô giáo và ngôi trường bị lây. Những câu nói “thật lòng” của bà hiệu trưởng, mong báo chí đừng đưa vì trường sắp đạt chuẩn danh hiệu – đâm ra càng làm cho khủng hoảng lan rộng. Có người bảo, thôi thì tạm nhận danh hiệu… trường Tát.
Bà xã là một cô giáo, nên sớm nay vào mạng đọc tin tức xong thì nằm dài ra giường, không nói được câu gì. Chuyện sai quá rồi, bây giờ nói gì cho tốt hơn đây? Chứ chửi thì dễ quá và đã đầy rồi.
Hay là ta nói gì với các em học sinh Quảng Bình? Chẳng cần các em kể cũng biết, sức ép thi đua khiến giáo viên dễ “nổi điên” và phải nghiêm kỷ luật. Nhưng mà vì sao lại thành cái luật lệ bắt học sinh tát bạn? Để tránh tiếng cô đánh trò? hay cô nghĩ thế là gương răn đe đứa khác?
Bà xã bảo, em không bao giờ cho quyền lớp trưởng được… mách, được đánh bạn. Điều đó làm hư ngay đứa lớp trưởng và cả những đứa khác mê quyền lực và khi đã có quyền là cánh tay phải của cô giáo thì liền hống hách với bạn bè. Bà xã cũng bảo, em không bao giờ cho con em làm lớp trưởng đâu.
Bây giờ nói gì đi, với các em học sinh Quảng Bình ấy? Rằng các em khi tát bạn thế có thấy thương bạn không? Có chứ gì, nhưng vì sao vẫn làm? Vì sợ cô giáo ạ, phải tuân lệnh cô giáo ạ, nếu không tuân, biết đâu mình sẽ trở thành đứa đứng cho các bạn tát? Kinh khủng quá, không dám ạ.
Chúng ta dạy trẻ biết nói không với cái xấu, cái hiểm nguy ma túy, côn đồ, bắt nạt học đường,… nhưng nếu cái xấu cái sai ấy dội… “từ trên” xuống thì các em phải thế nào?
Bà xã ước: Ước gì, khi cô giáo ra lệnh tát tập thể, ước gì có đứa nào nó nghĩ ra thế là sai là ác và nó nói thầm với các bạn: Mình đứng im không tát, tất cả cúi đầu xin lỗi và xin cô tha cho bạn. Hoặc chí ít cũng có đứa thì thầm vào tai nhau tát thật nhẹ thôi. Hoặc nữa có đứa nào trước khi tát, nói thầm bạn nghe: cố nhé, tớ… tát khẽ đây này.
- Xem thêm: Chỉ nói về những người học
Ôi chao, nghĩ đủ kiểu, nhưng mà giống như đang… sáng tác ước mơ ấy nhỉ. Trẻ con ta không mấy đứa nghĩ được như thế, nói chi dám hành động như vậy.
Liệu nó có dám làm không, nếu có một số đông các bạn không chịu tát?Câu hỏi bà xã đưa ra chẳng có lời đáp. Nó giống chuyện ngụ ngôn chứ chả có thấy trong đời thực bao giờ. Là lỗi chúng ta, người lớn còn thiếu nhân ái thì trẻ em sẽ là nạn nhân. Không chỉ đứa bị tát mà cả lớp cũng là nạn nhân.
Làm sao dạy cho trẻ trong bất cứ tình huống nào biết nhận ra cái sai của người lớn và biết cách từ chối một cách an toàn đúng mực, đôi khi nhờ thế mà thức tỉnh lương tâm người lớn. Ôi muốn thế phải có dân chủ trường học, thành nếp sống của con người.
Thí dụ đi, cứ mơ đi, rằng tất cả lớp không chịu tát bạn, xin cô tha lỗi. Biết đâu lúc ấy cô giáo sẽ thấy xấu hổ mà tha cho các em. Các em sẽ là học sinh của trường tử tế, không bị ai hỏi: “Con học ở trường… Tát ra phải không?”.
Các em sẽ không nhận đâu.
Đó là giấc mơ của bà xã tôi sớm nay.