Nhu cầu giải trí sôi động thời hiện đại mới thoạt trông có thể mâu thuẫn với tính chất trường khí vốn thuần âm của nếp nhà Việt xưa. Nhưng thực tế khoa học phong thủy luôn tiếp nạp và chuyển hóa các giá trị mới trên tinh thần kế thừa tinh hoa cũ. Vì thế, một góc giải trí có thiết bị tốt, bài trí đẹp không những làm tăng tiện nghi cho nơi ở, mà còn tạo nên các giao thoa thú vị về văn hóa sống.
Có nhiều vị trí trong ngôi nhà ngỡ như không thể bố trí thiết bị giải trí, dưới các phân tích phong thủy mang tính khoa học lại hoàn toàn có thể trở thành chốn thư giãn hiệu quả, dung hòa các lợi ích và thuận tiện về thiết kế nội thất.
Giải trí động và giải trí tĩnh
Chốn thư giãn – giải trí trong các ngôi nhà hình hộp nơi phố thị luôn hiếm hoi và không dễ tạo dựng, bởi các yếu tố tự nhiên lẫn kinh tế. Thực ra, trong giải trí cũng đủ âm – dương, chia ra tĩnh – động, đồng thời có sự biến đổi qua lại. Ví dụ chỗ chơi bida hay bóng bàn trong nhà là giải trí sôi động, còn một góc nghe nhạc thật riêng tư lại khá tĩnh tâm. Khi hát karaoke thì khó có thể một mình làm nên chuyện, nhưng khi tập yoga với nhạc jazz réo rắt thì không gian lại cần sâu lắng, tách biệt. Vì vậy ngoài các yêu cầu về cấu trúc phòng ốc, kinh phí đầu tư, yếu tố bố trí chất liệu, màu sắc… đóng vai trò quan trọng, góp phần tạo nên một chốn giải trí mang tính tận hưởng, hài hòa phong thủy cho người sử dụng. Để được vậy, cần vận dụng các nguyên tắc cân bằng âm dương, sinh khắc ngũ hành vào từng tình huống cụ thể:
– Không phải nhà nào cũng thường xuyên hát karaoke hay xem phim kiểu home theatre, nhưng khi cần thì lại không có. Để tránh lãng phí trong đầu tư và tận dụng tốt không gian, nên bố trí thiết bị giải trí theo nguyên tắc hình phễu (nạp khí) của phong thủy. Đó là càng vào chỗ riêng tư càng giảm bớt số lượng và độ “hoành tráng” của thiết bị, cũng là giảm Kim tăng Mộc, tốt cho người sử dụng. Càng ra nơi đối ngoại càng có thể đặt các màn hình, dàn âm thanh… kích cỡ lớn hơn để khi cần nhiều người có thể quây quần sử dụng mà không phải đi vào quá sâu trong nhà. Một số biệt thự có sân vườn, hồ bơi thường đặt màn hình ở chòi ngoài vườn, bên hồ bơi… cũng là áp dụng nguyên lý tĩnh – động này, tránh ồn ào, xáo trộn nội khí cho các vùng riêng tư.
– Không gian phòng sinh hoạt chung (hoặc thư phòng, phòng nghe nhạc, karaoke…) thiên về động, nên mang tính sáng tạo và vui vẻ hơn, thậm chí cần phá cách hơn so với những nơi khác trong nhà để phục vụ cho thư giãn tích cực. Việc sử dụng màu sắc ở nơi giải trí nên bắt đầu ở nhóm màu thuộc Mộc (xanh lá), Hỏa (cam, đỏ) và Thổ (vàng, nâu), vừa giảm tính máy móc và trầm lặng (Kim và Thủy) vừa đem đến sự hưng phấn, trẻ trung cho nội thất.
– Không gian phòng tắm, vốn trước kia bị xem là khu phụ, thiên về tĩnh thì nay đã được nhiều gia chủ bỏ công đầu tư khá cao cấp. Việc đưa màn hình xem phim, loa nghe nhạc vào phòng tắm giờ đây không còn quá xa lạ, nhất là do phòng tắm vốn thuộc hành Thủy còn thiết bị nghe nhìn là hành Kim hoàn toàn tương sinh, miễn sao chống ẩm và thoát khí cho tốt. Màu sắc của phòng tắm liên quan chặt chẽ với những hành tương sinh với Thủy như Kim và Mộc. Màu trắng (Kim) và những sắc độ khác nhau từ trắng kem, trắng vàng (tông màu ấm) đến trắng xanh hay trắng xám (tông màu lạnh) đều có thể sử dụng để làm màu chủ đạo cho nơi “gột rửa bụi trần”, vừa tương thích với hệ thống thiết bị nghe nhìn đi kèm.
– Phòng sauna, xông hơi, hồ bơi tại nhà cũng là những không gian thư giãn lý tưởng (nếu có điều kiện về kinh phí và diện tích). Nên tạo cho những góc sinh hoạt khá động này sự gần gũi thiên nhiên, hoặc mô phỏng bối cảnh thiên nhiên thông qua hình ảnh, ánh sáng, tiểu cảnh. Màu xanh biển được y học chứng minh là có tác dụng lắng dịu, trấn an tinh thần, giảm áp huyết, còn màu xanh lá cây giúp thần kinh bình ổn và mắt được nghỉ ngơi. Nếu được đặt cùng với màu trắng hay xám (gần với sự thiền định), màu gỗ và hồng nhạt (sức sống và sự duyên dáng) thì hoàn toàn có thể tạo ra một góc thư giãn – giải trí đầy cá tính.
Giải trí tại… khoảng trống!
Khi mà những nơi sinh hoạt chính bị cố định bởi vật dụng (ví dụ tủ kệ, giường ngủ, bàn làm việc… vốn khó thay đổi) thì không gian trống trở nên rất quan trọng. Thậm chí rất nhiều thiết kế nhà ở hiện đại đã xem khoảng trống là không gian chủ đạo, ít còn chăm chú vào mét vuông phòng ốc cụ thể nữa, mà lan tỏa ra các khoảng trống, nhất là nơi có điểm nhìn đẹp, giao hòa nắng gió đầy đủ. Những khoảng trống này, phong thủy gọi là vùng liên kết khí, chuyển tiếp khí, tùy theo nhu cầu của gia chủ mà trở thành nơi nghỉ ngơi, tiếp đãi hay giải trí của gia đình một cách linh hoạt, sao cho hợp với quá trình sử dụng của các thành viên trong nhà. Hệ thống thiết bị giải trí thông minh thời hiện đại cũng góp phần giúp gia chủ có thể kết nối âm thanh, hình ảnh tại mọi chỗ trong nhà, không phải bó buộc trong một căn phòng hay tủ kệ cố định nữa. Mặt khác, không nhất thiết cứ giải trí là phải sử dụng thiết bị, mà đôi khi một chỗ để đàn piano, nơi hát hò ngẫu hứng, góc vẽ tranh… lại là những hình thức giải trí tích cực đậm chất nghệ thuật.
Tại những khoảng trống đó, màu sắc đóng vai trò liên kết không gian – cân bằng âm dương tốt, nên là những màu ít chói lọi, thậm chí là màu trắng hay xám trung tính. Trong nhà ống, một khoảng trống quan trọng chưa được quan tâm đúng mức là giếng trời. Ngoài những vai trò liên kết và cân bằng khí trong ngoài, giếng trời hiện nay còn được xem như khoảng thư giãn – giải trí hữu hiệu. Cần xác định chi tiết “kịch bản sử dụng” trong giếng trời để đưa ra kiểu bố trí nào là phù hợp, ví dụ làm nơi trà đạo, chăm sóc cây cảnh, hay góc tiểu cảnh để ngắm nhìn. Một đàn piano bên giếng trời đưa âm thanh vang vọng khắp nhà, một giá vẽ đặt giữa không gian điểm xuyết cây xanh là cách thư giãn độc đáo, thú vị và hợp phong thủy nhà ống, bởi đây chính là điểm kết nối nhiều góc nhìn của ngôi nhà. Tránh biến giếng trời thành một “kho chim hoa cá kiểng” và tránh làm cho nơi thư giãn thú vị này trở thành gánh nặng khi gia chủ không có nhiều thời gian chăm sóc và sự đầu tư tương xứng.
Góc tâm linh có thể kết hợp với nơi giải trí?
Mới nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng thực tế đã chứng minh hoàn toàn có thể kết hợp tốt hai chức năng này. Ngôi nhà truyền thống Việt luôn đặt bàn thờ tổ tiên tại trung tâm gian chính, hoặc gian trước của nhà trệt, kiêm luôn chỗ tiếp khách, cho nên hiện nay đa phần nhà tại nông thôn vẫn bố trí chỗ xem tivi hay nghe radio thường kề cận luôn nơi thờ cúng. Với những nhà có điều kiện thì làm gian thờ riêng biệt, có thể mở rộng thành nhà thờ tự của cả dòng họ. Trong nhà phố, đa phần gia chủ hay tận dụng không gian tầng thượng, phòng áp mái để làm phòng thờ. Một số nhà rộng hơn còn bố trí trên tầng thượng các chức năng nghe nhạc, rạp hát tại gia, hoặc làm chỗ thiền, yoga… Kết hợp hai không gian tâm linh và giải trí (một tĩnh, một động) có “ổn” hay không tùy thuộc quan niệm mỗi gia đình, mỗi người, tuy nhiên xét dưới góc độ phong thủy và thiết kế không gian thì sự kết hợp này hoàn toàn phù hợp, bởi các lý do sau:
– Đều chung nhu cầu cần không gian tách biệt, ít chịu chi phối bởi các sinh hoạt khác, ít bị đi qua lại, thể hiện đặc thù riêng của mỗi nhà (tôn giáo, tính chất giải trí mỗi nhà mỗi khác).
– Đều có thể làm dưới kết cấu mái có chiều cao phong phú, mái dốc, bố trí ánh sáng, âm thanh và ánh sáng và thuận lợi hơn so với bị “ép” ở các tầng thấp.
– Đều có thể được tận hưởng các tiện ích của sân thượng bên ngoài như cây xanh, tầm nhìn thoáng đãng trên cao, phía trước, mà nếu đặt ở các tầng dưới sẽ bất lợi hơn.
Tất nhiên, hai không gian này có thể bố trí theo nhiều dạng khác nhau. Hoặc là hai phòng riêng biệt trên cùng một tầng thượng, phòng áp mái, hoặc làm kiểu phòng lớn có chia thành hai chức năng, hoặc bố trí theo kiểu đóng mở linh hoạt. Dù làm theo kiểu gì thì cũng nên đảm bảo đủ tính chất trang nghiêm cho khu vực thờ cúng và đủ tính chất thư giãn cho khu vực giải trí, cụ thể như chỗ bàn thờ có điểm tựa vững chãi, thoát nhang khói tốt, ánh sáng tiết chế, còn chỗ giải trí sẽ thoải mái hơn, dùng nhiều đường nét, màu sắc mang tính phá cách, hấp dẫn hơn.
Như vậy, cho dù quan niệm giải trí tại gia mang tính tích cực hay thụ động, chiếm trọn cả một phòng hay chỉ khiêm tốn một góc thì bố trí nội thất nên gắn liền với yếu tố tự nhiên, bài trí vật dụng nhẹ nhàng, hợp tâm lý và sở thích với gia chủ. Khi đó sự hài hòa sẽ được tôn trọng và góp phần nâng cao giá trị của góc sống cho mỗi nhà, mỗi người.
- Ảnh Xuân Trang