Trong quá trình xây dựng nhà mới hay sửa chữa, cải tạo nhà hiện hữu, có thể gặp những yếu tố bất lợi về vị trí, chi tiết, chất liệu… vừa không tốt về phong thủy, khiến người sử dụng không an tâm. Vấn đề ở đây không phải miếng đất xây nhà vuông hay xéo, ý tưởng thiết kế ra sao… mà ở chỗ các yếu tố ấy sẽ ảnh hưởng ra sao đến không gian sống, và cách khắc phục chúng như thế nào.
Bất an do góc cạnh
Đã gọi là góc cạnh thì dù là góc vuông hay góc nhọn đều tiềm ẩn các va chạm trong quá trình sử dụng. Phong thủy gọi những lối đi xông thẳng vào nhà, hay góc cạnh hướng vào người sử dụng là xung sát. Các góc cạnh còn có thể tồn tại dưới rất nhiều dạng, từ “phần cứng” thuộc về kiến trúc cho đến “phần mềm” (như bàn ghế, tủ kệ, vật dụng…). Xét theo phong thủy, ngóc ngách hoặc khối lồi ra nhiều sẽ làm chuyển hướng dòng khí lưu chuyển bên trong hoặc bên ngoài nhà, khiến sinh hoạt không thuận lợi, gây tâm lý bất an. Cha ông ta có câu “góc ao đao đình” thể hiện sự kiêng kỵ: khi làm nhà dựng cửa nên tránh các mái đao đình chùa, góc nhà, góc ao hồ… bên ngoài hướng vào nhà vì luồng di chuyển khí đi theo hình khối tác động vào nhà sẽ mạnh hơn, về cảnh quan chung cũng xô lệch bất ổn. Nhiều nơi có người qua lại đông đúc hằng ngày như siêu thị, sân bay, bệnh viện phải dùng các thanh nẹp, miếng bo mềm gắn nơi góc tường và cột (dù đều là tường và cột vuông hoặc tròn, chưa nói đến góc xéo, gấp khúc) để tránh va chạm cho khách.
Để khắc phục các góc cạnh, cần lưu ý và hình dung ra chúng trước khi xây dựng, bài trí đồ đạc. Nói nôm na là làm cho ngôi nhà trở nên vuông vức hơn, “mềm” hơn bằng các thủ pháp khác nhau. Với không gian bên ngoài, khi chọn đất cất nhà cần lưu ý tránh các khu vực cảnh quan xô lệch kiểu “góc ao đao đình”, điều này có thể dễ dàng nhận thấy khi ta đứng từ bên trong cuộc đất hay ngôi nhà nhìn ra ngoài. Công trình, lối đi hoặc vật thể bên ngoài có góc chĩa vào nhà mình càng lớn, càng gần thì nguy cơ gây ra xung sát càng cao, khi đó phải tạo khoảng lùi, hoặc dùng mảng cây cối che chắn như tấm bình phong, sao cho mở cửa ra không thấy các góc đó nữa. Cũng có thể đặt chậu cây hoặc dùng gương phong thủy dạng gương cầu lồi nhằm tạo tác dụng đẩy chệch luồng khí xấu (theo kinh nghiệm dân gian).
Đối với nội thất, cách xử lý cần quan tâm từ phần thô sao cho một căn phòng sau khi bố trí đồ đạc vào trở nên vuông vức thì sẽ tốt hơn – nên hiểu “vuông vức” là có các khoảng trống đi lại và giao tiếp; căn phòng có thể không vuông vức nhưng vẫn gọn ghẽ, trong sinh hoạt ít va chạm thì vẫn ổn. Muốn vậy cần hình dung hết công năng và “kịch bản” sử dụng, để có thể tính toán làm tủ âm hay kệ rời, bố trí vật dụng… sao cho tránh được góc lồi của đồ đạc và cột hoặc tường chĩa vào giường ngủ, vào nơi sinh hoạt, vướng víu lối đi. Nếu có các góc cạnh không thể tránh thì nên “mềm hóa” chúng bằng cách vạt góc tường một chút, bo tròn, xây tường dày phủ qua cột, làm tủ âm che khuất góc… Tất cả đều không ngoài mục đích tạo nên những hình và thế giúp nội thất thêm hài hòa, thẩm mỹ và tiện lợi trong sinh hoạt.
Bất an do “đụng đầu”
“Đụng đầu” là từ dân dã mà gia chủ, giới chuyên môn lâu nay thường gọi để chỉ các vị trí bất cập, khó sử dụng thoải mái. Nhà nhỏ nên chiều cao hạn chế dễ dẫn đến đụng đầu đã đành, nhà lớn đôi khi vẫn vướng khuyết điểm này – có thể do thiết kế ban đầu thiếu tính toán thấu đáo, hoặc nảy sinh sau quá trình sử dụng. Đụng đầu có nhiều loại, song có thể chia làm hai loại cơ bản: hữu hình và vô hình. Những mảng dầm đà đi lại ở cầu thang tính toán bậc không đúng gây va chạm khi lên xuống, những nơi áp mái xéo góc bị va chạm khi sử dụng… thuộc dạng hữu hình, dễ thấy và có thể xử lý. Còn loại “đụng đầu vô hình” là những chi tiết – vật liệu nội thất tạo nên cảm giác bất an, không hẳn hoàn toàn gây hại, ví dụ phòng khách gắn quạt trần cùng với đèn chùm hơi thấp khiến người ngồi dưới bị cảm giác vần vũ trên đầu, hay các mảng miếng trang trí lơ lửng trên cửa sổ, dưới dầm đà… khiến tầm nhìn bị rối, bị đè nặng, tạo tâm lý bất ổn. Dù nguyên nhân đến từ đâu thì luôn cần giải pháp nội thất hiệu quả để đạt được một không gian sống an lành và thoải mái. Phong thủy gọi đó là những giải pháp “sửa hình để chỉnh thế”, tùy theo vị trí mà linh hoạt xử lý.
Khu vực cầu thang và mái dốc là những chỗ hay tạo ra chỗ “đụng đầu” nhiều nhất. Gầm cầu thang vốn hay được tận dụng làm khu vệ sinh, kho chứa đồ, tủ trang trí… vì tính chất tối và thấp, thiên về âm nhiều hơn dương. Nhưng dù tận dụng đến mức nào thì vẫn cần lưu ý là tại những chỗ thấp hơn đầu người chỉ nên đặt tủ chứa đồ lặt vặt, máy bơm nước, kho nhỏ… sao cho tần suất sử dụng thấp. Tránh đặt giường ngủ hoặc bàn làm việc dưới gầm cầu thang, bởi tiếng động và bụi bặm rơi xuống do luồng di chuyển bên trên, nhất là với dạng cầu thang thiết kế hở bậc hay cầu thang xương cá.
Khi làm vệ sinh hay làm nhà kho dưới gầm thang, cần lưu ý căn cứ theo phân vị các vùng cát – hung của nhà, vì khu vệ sinh là thuộc dạng trường khí hung, nên cần đặt trong vùng hung, ví dụ khuất tầm nhìn trực diện, không phô bày giữa nhà, có đủ ánh sáng và thông thoáng… Nếu không đúng phương vị thì không nên làm, mà chỉ để gầm thang thoáng hoặc bố trí tiểu cảnh gọn ghẽ mà thôi. Một vài trường hợp đơn lẻ như cầu thang phụ, thang trèo lên gác xép… có độ dốc cao thì kết hợp các bậc thang làm thành ngăn bố trí đồ đạc. Các dầm đà nơi chiếu nghỉ cầu thang cũng là những chỗ hay gây đụng đầu, đụng vai, tích bụi… khi lên xuống. Nếu không thể xây tường bít đà hay làm đà nhỏ lại thì giải pháp trang trí như đặt bồn hoa, vật dụng… sẽ giúp tăng sự chú ý cho người sử dụng và giảm góc tiếp xúc ở các nơi này.
Đối với mái dốc nghiêng, đóng trần là cách hữu hiệu để giảm bớt góc chết trên cao, giúp cách nhiệt cách âm tốt hơn. Với nhà dùng gian áp mái đủ cao thì khoảng xiên sát tường nên bố trí đồ vật như tủ kệ nhỏ, còn giường ngủ hoặc bàn viết thì đặt ở khoảng mái đã vượt lên cao và tránh các dầm xà phía trên cắt ngang qua giường hay bàn bên dưới.
Các cánh cửa sổ cũng có thể gây mất an toàn khi sử dụng, nên phải bố trí cánh mở ra cao qua hẳn đầu người. Trường hợp cửa mở thấp thì phía dưới nên đặt thêm bồn hoa hay đồ đạc vào đó, tránh đi lại hay sinh hoạt sát cửa lật nghiêng để phòng va phải cạnh cửa, nhất là với trẻ em và người già.
Một số nhà hay đặt tủ giày, móc treo quần áo, thùng rác và đồ vặt vãnh khác ở sau các cánh cửa mở vào phòng. Khi cánh cửa không mở hết được sẽ làm nên những “mũi dao” hướng luồng khí trực xung chĩa vào vùng sinh hoạt của phòng, đồng thời đồ vật, quần áo sau cửa cũng bị âm hóa nhiều, ẩm mốc bụi bặm, dễ tích tụ vi khuẩn gây bệnh.
Bất an do vật liệu
Cùng một kích thước không gian và công năng sử dụng, nhưng việc hoàn thiện vật liệu khác nhau luôn đem đến hiệu quả khác nhau rõ rệt, trong đó có nhiều dạng vật liệu không được gia chủ chấp nhận vì khi dùng hay đem lại cảm giác bất an, cụ thể như:
- Vật liệu quá thô ráp hoặc quá trơn nhẵn: như tấm ốp mặt tiền, đá thô ngoài sân vườn, gạch cũ… khi dùng trong nội thất không tương ứng (như phòng ngủ, phòng trẻ em) sẽ gây phản cảm và khó được chấp nhận.
- Vật liệu tạo ảo giác, mong manh dễ vỡ: như các mảng kính thủy, sắt thép kim loại hay bề mặt mạ sáng bóng, hoặc lan can kính không có thiết kế che chắn, cảnh báo phù hợp, nhất là với nhà có trẻ nhỏ và người già.
- Vật liệu có màu nóng hoặc chói, màu không hợp mạng gia chủ: cho dù không phải ai cũng tuân theo thuyết Sinh khắc ngũ hành, nhưng mỗi gia chủ vẫn có những “gu” riêng khi chọn vật liệu mà nhà thiết kế khó có thể áp đặt tùy hứng.
- Vật liệu ít thông dụng, tạo tâm lý quá khác biệt với số đông: như cách đưa tre vào nội thất, dùng lưới thép làm trần… dù khá độc đáo nhưng không có nghĩa là mọi gia chủ đều ủng hộ. Nhiều người thích chọn những vật liệu nội thất mang tính phổ biến, với tâm lý đã quen dùng hoặc “cho nó lành”.
Tóm lại, vật liệu dù có hình dáng, bề mặt đẹp, bền chắc… nhưng đưa vào vị trí không phù hợp hoặc với đối tượng không tương thích thì giá trị của vật liệu suy giảm, nội khí của không gian không đạt yêu cầu. Khi xây nhà, nếu từ đầu có sự tư vấn của nhà chuyên môn thì nhiều khả năng lựa chọn được vật liệu hài hòa hơn.
- Ảnh Xuân Trang