Từ khi có sự xuất hiện của karaoke, người ta tự tin hơn nhiều khi thể hiện giọng hát của mình. Người hát hay có điều kiện luyện tập cho hay hơn, người hát không hay cũng được mọi người vỗ tay khen, người rụt rè cũng can đảm cầm micro để cất giọng. Hát hay không bằng hay hát, hát cho vui cửa vui nhà. Tiếng hát còn át tiếng… chì chiết lẫn nhau!
Ở đời, cái gì có sẵn thường làm cho con người biếng nhác, ỷ lại. Nhiều người phải thấy chữ mới hát được vì không thuộc lời bài hát. Tiện nghi phục vụ con người chẳng để ai mất thời gian tìm đến bản nhạc. Kỹ thuật hiện đại còn cho nghe được tiếng hát của mình qua các trang web (sàn nhạc), thú vị hơn khi có nhiều người vào nghe và để lại lời khen (thường ít có ai chê). Đầu karaoke hiện đại đã lên đến… chín số, với sức chứa lớn như vậy, các nhà sản xuất tha hồ cập nhật đủ các thể loại nhạc cung cấp cho người hát. Từ đó sinh ra cách làm nhạc dễ dãi mà nhiều người phải lắc đầu ngao ngán, nhất là lời bài hát.
Mở máy, mới nghe nhạc dạo là nhiều người đã muốn hát, nhưng tiếc rằng có khá nhiều bài hát karaoke hiện sai lời. Người sành nhạc lập tức thấy chán vì lời bài hát bị méo mó, sai, khiến người hát cũng hát sai theo. Lại có người cố tình đổi lời bài hát khiến người nghe cảm thấy khó chịu. Một chị hát trên sàn nhạc bản Niệm khúc cuối khá hay, giọng cao, trong, ngân, rung tuyệt vời, nhưng khi cố tình đổi vai anh thành em thì dường như độ hay giảm hẳn đi.
- Xem thêm: Một chút duyên thôi
Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đâu có bắt người con gái Dù cho mưa em xin đưa anh đến cuối cuộc đời đâu! Ông nào có mong dù có bão tố, gió tuyết, bùn lầy người con gái cũng phải đưa ông vượt qua? Đến câu Cho em xin, anh như gối mộng, cho em ôm anh vào lòng thì quả là không chấp nhận được. Làm gì có người phụ nữ nào quả cảm đến như vậy?
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hiền từ, bao dung, phóng khoáng, đầy tình thương yêu khi viết Có ngày xưa em theo tôi cùng ra quán ngồi/ Bên đời xe cộ ngược xuôi… Ý tứ rất hay, quán ở đây là quán của đàn ông, một nơi mà người đàn ông có thể ngồi cả ngày chỉ để nhìn người qua kẻ lại. Cô người yêu, có lần rụt rè theo chàng ra quán, cả hai cùng ngồi im lặng nghe dòng thời gian trôi chậm.
Bây giờ không còn em nữa, những hàng cây loan tin nhau rồi im tiếng nói và quanh đây hoang vu tiếng cười… Để lại trong lòng người ở lại khoảng trống vô tận, dù mọi thứ vẫn còn đây… Vậy mà có cô hát ngược lại Có ngày xưa anh theo em cùng ra quán ngồi… Không chỉ thay đổi ý nghĩa của câu hát, cách đổi như thế làm cho tư thế phụ nữ bị dở theo. Quán xá đâu phải chỗ “ngồi đồng” của phụ nữ! Nhạc sĩ họ Trịnh đâu có muốn vậy.
- Xem thêm: Những kiểu tóc đẹp chưa bao giờ lỗi thời
Người làm nghệ thuật mượn hình tượng phụ nữ để nói lên cái đẹp, vẻ dịu dàng, tấm lòng chân tình, sự mềm yếu dễ thương… và chính điều đó làm cho nam giới luôn muốn thổ lộ tình yêu. Yêu những gì mình có, biết nhận ra giá trị con người mình nhưng không phải kiêu hãnh mà là khẳng định một điều rằng phụ nữ là phụ nữ, có sự bình đẳng với nam giới nhưng không có nghĩa kêu xin “vai em anh hãy tựa đầu” hay “anh ơi nép vào lòng em”… Hẳn là những người đàn ông chân chính cũng không bao giờ muốn thế.