Với quỹ đất 8m x 20m, nếu cứ theo cách làm thông thường thì ngôi biệt thự này cũng giống như rất nhiều công trình lân cận khác – sẽ là một khối kiến trúc với hai mảnh vườn nhỏ hai bên, vừa ngăn cách người ở bên trong với cây xanh vừa thu hẹp không gian nội thất. Làm thế nào để tạo sự khác biệt?
Cả kiến trúc sư và chủ nhân cùng thống nhất ý tưởng đưa công viên vườn vào bên trong ngôi nhà. Như vậy, khối kiến trúc sẽ chiếm toàn bộ bề ngang miếng đất, nhưng có một khoảng thông tầng rộng, một cây to được trồng giữa nhà, tạo cảm giác như một góc công viên, từ các không gian chức năng đều có góc nhìn mở ra khoảng sân chung này.
Nhìn từ bên ngoài, ngôi biệt thự có hình khối kiến trúc đơn giản, khá kín đáo với mảng tường rào cao. Chỉ khi bước vào bên trong, khách mới thấy không gian mở ra với mảng hồ nước và thảm cỏ xanh ở khoảng sân vườn trước nhà. Băng qua thảm cỏ và hồ nước, khách đi trên những phiến đá chẻ dẫn vào phòng khách, ở đó có một cây lộc vừng lớn trồng giữa nhà, dưới gốc vẫn còn những chiếc lá khô. Băng ghế dài bên cạnh gốc cây lộc vừng như một lời mời gọi nghỉ chân. Hệt như một góc công viên.
Phòng khách, bàn ăn và gian bếp được bố trí xung quanh góc “công viên” này với sắc trắng và xám của bê tông, sơn nước, sàn gạch…, tạo ấn tượng về một phong cách nội thất hiện đại nhưng đơn giản. Những bóng đèn hình cầu, lớn nhỏ nhiều cỡ bằng kim loại sáng bóng được thả xuống góc phòng khách tạo ấn tượng thị giác thật đặc biệt. Những gam màu nóng được dùng làm điểm nhấn, góp phần tạo sự sinh động cho toàn bộ không gian.
Đó là màu đỏ của chiếc sofa đơn, là bức tranh trên tường với màu cam chủ đạo và một mảng laminate màu cam trên hệ tủ kệ bếp. Vách ngăn giữa gara và phòng khách với những ô lớn nhỏ khác nhau đầy ngẫu hứng. Một phần bàn bếp cũng vận dụng lại theo cách này. Cầu thang dẫn lên tầng trên có lan can tay vịn bằng sắt và lưới sắt. Phía trên khoảng thông tầng là các lam nhôm sắp đặt dưới lớp kính lấy sáng, được tính toán sao cho khi bóng nắng đổ sẽ tạo hiệu quả thị giác.
Sảnh tầng trên lầu 1 kết nối với không gian của trẻ em làm thành một khu vực sinh hoạt chung khá rộng. Từ phòng ngủ master có thể nhìn bao quát xuống “công viên”, khu vực phòng khách và cả mảng xanh vườn trước.
Ở vị trí tiếp giáp của phòng ngủ với khoảng thông tầng đặt một băng ghế dài để ngồi đọc sách đồng thời là mặt bàn làm việc, tiện dụng và thẩm mỹ. Khu vực tắm đứng trong phòng ngủ master cũng là một góc sống rất được chủ nhân ưa thích với góc vườn xanh tràn ngập nắng, gió.
Đưa công viên vào nội thất – ở ngôi nhà này điều đó không chỉ nhằm tạo ra một cảm giác mà là một giải pháp hiệu quả để con người có thể gần gũi với thiên nhiên ở bất cứ nơi nào, vào bất cứ thời điểm nào.
Khu dân cư Làng đại học
Xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM
Thiết kế: KTS Ngô Kỳ Chu – TD Solutions
15 Nguyễn Thị Huỳnh, Q. Phú Nhuận, TP.HCM
Điện thoại: (08) 38455520
Website: www.tdsolutionsvn.com
Hình ảnh: Hiroyuki Oki
• Xem thêm: Khi nhà là nơi nghỉ dưỡng