Sau nhiều tháng chuẩn bị, họa sĩ Lâm Huỳnh Linh có được một cuộc ra mắt khá hoành tráng với tranh sơn mài: triển lãm “Dòng chảy” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97 Phó Đức Chính, Q.1, từ 7-3 đến 14-3-2018) giới thiệu với công chúng gần 40 tác phẩm của anh, trong đó có nhiều bức kích thước lớn. Đây cũng là triển lãm đầu xuân Mậu Tuất tại địa chỉ này.
Từ ngày thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đến nay, sơn mài đã trở thành chất liệu chủ lực trong sáng tác của nhiều thế hệ họa sĩ và vẫn không ngừng cuốn hút cả những người đã thành danh với nhiều chất liệu khác của hội họa, cũng như với những người trẻ mới bước vào nghề. Sức cuốn hút của chất liệu sơn mài xuất phát từ chỗ nó đem đến những khám phá cho người sáng tác trong suốt quá trình thực hiện tác phẩm, từ bước đầu tạo vóc cho đến khi mài lớp cuối cùng. Những lung linh, biến ảo của tác phẩm đến từ quá trình làm tranh sơn mài có lẽ khó tìm thấy với các chất liệu khác.
Lâm Huỳnh Linh cũng tự nhận anh ở trong số những họa sĩ không cưỡng lại được sức cuốn hút của sơn mài dù anh từng vẽ sơn dầu và đã gây được ấn tượng khá tốt qua triển lãm “Bộ ba trừu tượng” năm 2015 cũng tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Luận văn tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh của Huỳnh Linh có tựa “Sức mạnh của chất liệu sơn mài – Nền tảng để thực hiện tranh sơn mài và những tác phẩm đương đại” cho thấy những tìm hiểu khá thấu đáo về loại chất liệu đã trở thành truyền thống của người Việt, dẫu kỹ thuật làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng sơn mài đã được du nhập từ Trung Hoa vào nước ta từ nhiều thế kỷ trước. Luận văn cũng mô tả chi tiết các loại nguyên vật liệu làm tranh và các công đoạn thực hiện một bức tranh sơn mài hoàn chỉnh. Tuân thủ kỹ thuật của các bậc tiền bối song Lâm Huỳnh Linh vẫn không ngừng tìm tòi, nghiên cứu để có được những gam màu “sáng” và “lạ” còn ẩn giấu dưới những lớp sơn ta. Mặt khác, sau thời gian vẽ tả thực, Huỳnh Linh đã theo đuổi ngôn ngữ trừu tượng, mà theo anh “là hình thức thể hiện thế giới quan bằng cách phá thể và lược giản” và trên con đường đến với hội họa trừu tượng “luôn là sự khởi đầu” đối với anh.
Bên cạnh những nỗ lực cá nhân trong hành trình đến với nghệ thuật sơn mài, Huỳnh Linh còn có thuận lợi không nhỏ là sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nhiều thành viên theo nghiệp hội họa. “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”; con trai của một bậc thầy sơn mài là họa sĩ Nguyễn Lâm đang ngày càng tự khẳng định mình sau những triển lãm chung và riêng, gần đây nhất là triển lãm cá nhân “Nét trầm phiêu lãng” được coi là nụ mầm để có những hoa trái của “Dòng chảy” hôm nay.