Một chuyên gia tâm lý nhận định rằng sự đồng cảm luôn đóng vai trò quan trọng trong các mối quan hệ. Mỗi người đều có những suy nghĩ riêng và có khuynh hướng sống theo thói quen của mình.
Trong các mối quan hệ thường phát sinh những khác biệt và vì thế rất cần sự đồng cảm, nhất là trong quan hệ vợ chồng. Hôn nhân không chỉ là sự gắn kết giữa hai người giống nhau, mà còn là sự kết hợp giữa hai người có giới tính khác nhau đã chấp nhận sống chung. Không ai có thể lấy được một người hoàn hảo, vì thế muốn hoàn hảo hơn thì cả hai người trong cuộc phải chung sức tạo ra nó.
Khi thiếu đồng cảm từ người chồng, phụ nữ có khuynh hướng cần tìm một ai đó để giãi bày tâm sự, những nỗi ưu tư cũng như những chuyện mình chưa vừa ý. Đàn ông thì ngược lại, họ có những cách khác để đối phó với những nỗi buồn và căng thẳng bằng cách tập trung cao độ vào công việc để tạm lãng quên. Điều này không có nghĩa là nỗi khổ tâm của nam giới không có tầm quan trọng như ở phụ nữ.
Dù mới lập gia đình hay đã chung sống với nhau nhiều năm, nhu cầu cảm thông và thấu hiểu giữa hai vợ chồng vẫn rất cần thiết. Một cặp vợ chồng có mức độ đồng cảm thấp, chỉ khoảng 30%, nhưng vẫn sống với nhau tốt đẹp. Người chồng đã giải thích nguyên nhân: tuy vợ chồng khác nhau về sở thích, ăn uống, công việc nhưng luôn thống nhất với nhau về việc giáo dục con cái vì con cái là trên hết. Chính nhờ con cái mà họ vẫn còn chung sống với nhau.
- Xem thêm: Cách tranh luận công bằng với bạn đời
Đôi khi chỉ cần sự đồng cảm đối với một vấn đề quan trọng nào đó trong gia đình là đã có thể tạo nên được sự gắn bó trong gia đình. Phụ nữ đừng tỏ ra quá bận tâm khi người chồng không hiểu được “ruột gan” của mình, vì đôi khi chỉ cần anh ấy đã lắng nghe là đủ vì tính nam giới không giống như phụ nữ cứ phải “phô trương” sự đồng cảm.
Lại có cặp vợ chồng thường mang tâm trạng mình dường như bị người phối ngẫu “bỏ quên”, không bộc lộ cử chỉ yêu thương với mình một cách tự nguyện. Trong khi đó, người kia lại suy nghĩ “có gì thì cứ nói ra, giữ rịt trong lòng thì ai mà biết”. Nếu nhìn lại một chút, hai vợ chồng có thể tâm sự với nhau về nỗi khổ tâm của mình, đồng thời họ cũng cần cảm thông với nhu cầu tôn trọng tâm tư của người khác.
- Xem thêm: Sự ích kỷ trong hôn nhân
Trong hôn nhân, yếu tố thỏa hiệp cũng lợi hại không kém. Sẽ rất có ích khi bạn lắng nghe những nguyện vọng chính đáng của người phối ngẫu và ngược lại. Nếu việc đối phó với nỗi khổ tâm gây ra sự xáo trộn trong đời sống hôn nhân thì vợ chồng cần dành thời gian mỗi tuần vài lần để đề cập đến tình huống của nhau.
Thời gian trò chuyện có thể từ 15 đến 30 phút, đủ để cho mỗi người có dịp nói ra nỗi lòng mình, nhưng đừng dài quá, đến mức người kia có cảm giác bị “tra tấn”. Khi lắng nghe những tâm tư của nhau, hai vợ chồng sẽ tỉnh táo hơn trước các tình huống đã xảy ra và đề xuất được cách giải quyết thích hợp. Những cuộc bàn thảo xuất phát từ sự tự nguyện cuối cùng sẽ đạt được mục đích và sự hài lòng cho cả hai.