Kỷ lục độc đáo này được Tổ chức Guinness Thế giới (có trụ sở ở London, Anh) chứng nhận vào tháng 6-2018, giới thiệu với công chúng vào ngày 7-9-2018 và do Sanjay Thakur cùng Soundararajan Palaniappan, hai chàng bếp trưởng cao cấp người Ấn Độ phá đổ trên ngọn núi Imja Tse (còn gọi là Island Peak – Đỉnh núi Đảo, vì nó xuất hiện như một hòn đảo nằm giữa biển băng tuyết của những đỉnh núi khác trong dãy Himalaya. Imja Tse cao 6.189m, nằm trong Công viên Quốc gia Sagarmatha thuộc dãy Himalaya ở phía đông Nepal) tại vùng Khumbu (còn gọi là vùng Everest, là một vùng trên ngọn núi Everest thuộc Nepal.
Everest là đỉnh núi cao nhất thế giới, cao 8.848m trong dãy Himalaya, đường lên đỉnh Everest là biên giới giữa Nepal và Tây Tạng của Trung Quốc) thuộc huyện Solukhumbu, khu vực Sagarmatha (Nepal có 14 khu vực hành chính, nay được tái cấu trúc thành bảy tỉnh với 75 huyện, khu vực Sagarmatha trở thành tỉnh Số 1 với 14 huyện) vào ngày 2-6-2018, khi họ trình làng một nhà hàng có tên Triyagyoni nằm cheo leo ở độ cao sơ sơ… 5.585m trên ngọn núi Imja Tse!
Năm 2016, bếp trưởng James Sharman (người Anh) từng khai trương hoạt động một nhà hàng ở Everest Base Camp (nơi cắm trại và nghỉ ngơi cho người leo núi Himalaya) có độ cao hơn 5.100m.
Nhà hàng này phục vụ 20 bữa ăn tối truyền thống của 20 quốc gia trong suốt 20 tháng, nhưng do Sharman không đăng ký xác lập kỷ lục Guinness, nên nhà hàng không được chứng nhận kỷ lục “Nhà hàng hoạt động trên độ cao lớn nhất thế giới”.
Bạn phải chuẩn bị đủ sức khỏe cho hành trình leo núi suốt bảy ngày đầy gian nan giữa thời tiết vô cùng lạnh giá, mới có thể đặt chân đến Nhà hàng Triyagyoni và thưởng thức bữa ăn nóng hổi, ngon lành giữa thiên nhiên Himalaya hùng vĩ – nơi được mệnh danh là “nóc nhà thế giới”.
Soundararajan Palaniappan vốn là bếp trưởng kiêm Ủy viên Ban quản trị của Công ty Resort và Ngày nghỉ lễ Mahindra Ấn Độ (Mahindra Holidays and Resorts India Ltd.).
Còn Sanjay Thakur – chủ Nhà hàng Triyagyoni, vốn là bếp trưởng danh tiếng, phục vụ tại Etihad Airways (Hãng hàng không quốc gia của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, có trụ sở ở thủ đô Abu Dhabi), từng đoạt giải thưởng San Pellegrino dành cho Bếp trưởng trẻ xuất sắc năm 2015 trong cuộc thi nấu ăn quốc tế diễn ra tại xã San Pellegrino Terme (tỉnh Bergamo, vùng Lombardy, Bắc Ý) – nơi có thương hiệu nước khoáng và nước giải khát “San Pellegrino” nổi tiếng thế giới.
Sanjay sinh trưởng tại Shimla (thủ phủ bang Himachal Pradesh, tọa lạc tại Bắc Ấn Độ và Tây Nam dãy Himalaya) nên có tình yêu vô bờ bến với các ngọn núi cao vút trong dãy Himalaya. Chính vì thế nên anh quyết định chọn mở Nhà hàng Triyagyoni tại địa điểm gần đỉnh núi Imja Tse cao ngất trời.
Theo Sanjay, tên gọi “Triyagyoni” có nghĩa là “Thiên nhiên Hữu cơ” trong tiếng Phạn, nhằm nâng cao nhận thức của mọi người (nhất là cộng đồng những nhà leo núi Himalaya) về tính bền vững của tài nguyên thiên nhiên vùng Himalaya.
Nhận thức này được minh chứng và thể hiện thông qua việc nhà hàng được dựng bằng gỗ, đồ nội thất cũng toàn bằng gỗ, trong khi các thiết bị, máy móc trong nhà hàng hoạt động bằng nguồn điện năng lượng mặt trời, cùng với việc nhà hàng được bao bọc trong hai chiếc lều nối đuôi nhau để đủ sức đương đầu với những cơn gió mạnh vào bão tuyết khủng khiếp trên “nóc nhà thế giới”.
Khách hàng được khuyến cáo nên dùng vừa đủ lượng thức ăn, không bỏ thừa mứa, vì loại rác thải này sẽ hủy hoại môi trường tinh khiết trên “nóc nhà thế giới”.
Đồng thời trong trường hợp cần phải tháo dỡ nhà hàng, các vật liệu gỗ cũng không làm hư hỏng hoặc ô nhiễm môi trường cực kỳ trong lành ở nơi đây.
Dù việc vận chuyển, bảo quản nguyên liệu thực phẩm vừa xa xôi, vừa khó khăn, nhưng Nhà hàng Triyagyoni vẫn cung cấp cho thực khách đầy đủ các bữa ăn sáng, trưa, tối với thực đơn hấp dẫn gồm tám món chính: bánh mì kẹp thịt Himalaya, shish no garlic (thịt nướng xiên không ướp tỏi), dal bhat (bữa ăn truyền thống tại tiểu lục địa Ấn Độ, phổ biến ở Nepal, Bangladesh và Ấn Độ, bao gồm bhat – cơm và dal – xúp hoặc ra-gu đậu lăng nấu với gia vị hành, tỏi, gừng, ớt, cà chua, me), fish salad (rau trộn dầu giấm với cá), món gà, basa fillet (phi-lê cá basa chiên xù hoặc nướng), cheese platter (đĩa lớn gồm các loại phó-mát, bánh mì, bánh nướng, bánh quy cùng các loại hoa quả tươi và khô) và panna cotta (món tráng miệng của Ý gồm kem, sữa, đường và bột thạch nấu chung rồi để đông lạnh, rưới thêm nước dâu, caramen, sốt chocolate hoặc xốt trái cây).
Đó là chưa kể các món ăn phụ, bữa ăn nhẹ (snack) và các loại thức uống thông thường như trà thảo dược, rượu vang, cà phê, nước ép trái cây, sữa tươi… cũng được phục vụ tại nơi cao ngất trời, hiểm trở và hẻo lánh này.
“Lần đầu tiên, chúng tôi (Sanjay Thakur, Soundararajan Palaniappan và hai bếp trưởng cao cấp khác được lựa chọn từ Hiệp hội Đầu bếp Nepal) thử đóng vai những du khách leo núi Himalaya, cùng nhau hướng dẫn một nhóm 10 du khách đi bộ và leo núi để đến được độ cao 5.585m trên ngọn Imja Tse, nhằm đặt chân đến Nhà hàng Triyagyoni thưởng thức hương vị các món ăn Himalaya trên “nóc nhà thế giới”.
Dù đã chuẩn bị tỉ mỉ suốt nhiều tháng cho chuyến đi khó khăn nhất trong cuộc đời mình, nhưng đoàn chúng tôi vẫn đối mặt với vô vàn thử thách trên đường đi.
Từ sân bay Lukla (được mệnh danh là “sân bay nguy hiểm nhất thế giới” vì thời tiết xấu, thường mưa và mây mù, không khí loãng do độ cao, địa hình hiểm trở, đường băng ngắn và dốc) ở thị trấn Lukla (huyện Solukhumbu, tỉnh Số 1, Đông Nepal), đoàn chúng tôi bay đến chân núi Imja Tse, bắt đầu hành trình leo núi và đi bộ không ngừng 16 giờ mỗi ngày, nghỉ ngơi một chút ở South Everest Base Camp (một trong hai nơi cắm trại và nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe dành cho những người đang trên đường leo núi Himalaya, với các tiện nghi tương đối.
- Xem thêm: Tô phở bò ăn liền lớn nhất thế giới
North Everest Base Camp nằm trên sườn núi Everest phía Tây Tạng ở độ cao 5.150m và South Everest Base Camp nằm trên sườn núi Everest phía Nepal ở độ cao 5.364m) và cuối cùng leo đến độ cao 5.585m trên ngọn núi Imja Tse, đặt chân đến Nhà hàng Triyagyoni vào ngày 30-5-2018 sau thử thách sáu ngày leo núi, nếm trải những trận cuồng phong, mưa mù trời và bão tuyết tơi bời.
Buổi tối hôm ấy, bốn đầu bếp chúng tôi đã chế biến bảy món ăn ngon của Nepal, Ấn Độ và một số nước khác để phục vụ sáu du khách tại Nhà hàng Triyagyoni.
Dù mệt mỏi sau chuyến leo núi nhưng họ đã ăn hết sạch các món giữa thiên nhiên vĩ đại của “nóc nhà thế giới”.
Dù sao đi nữa, sau chuyến đi thử nghiệm này, chúng tôi cũng đã nỗ lực cải tiến để hành trình đến với Nhà hàng Triyagyoni của du khách leo núi được thoải mái và an toàn hơn.
Đó là việc có máy bay trực thăng chở du khách đến và rời nhà hàng, cùng với một đội nhân viên y tế sẵn sàng cấp cứu khi có vấn đề sức khỏe xảy ra với khách”, Sanjay Thakur cho biết.
Theo Sanjay, du khách có thể trải nghiệm việc tham quan, thưởng thức món ăn, nghỉ ngơi qua đêm (hoặc nghỉ lại nhiều ngày) và ngắm nhìn cảnh sắc hùng vĩ ở khuôn viên nhà hàng theo ba cách (với hướng dẫn viên và nhân viên y tế cùng đi theo): một chuyến đi và về bốn ngày bằng trực thăng, một hành trình chín ngày gồm đi bộ và leo núi để đến nhà hàng, sau đó rời nhà hàng bằng trực thăng, một hành trình leo núi và đi bộ suốt bảy ngày để đến nhà hàng và rời đi cũng mất bảy ngày như thế.
Giá vé tổng cộng cho chuyến bay (hai chiều) từ thị trấn Lukla đến chân núi Imja Tse, cùng với hai chặng leo núi và đi bộ suốt bảy ngày (đến và rời nhà hàng) kèm theo việc ăn uống, ngắm cảnh, nghỉ ngơi tại nhà hàng là 5.600 USD/mỗi du khách.
Lợi nhuận hằng tháng của nhà hàng (sau khi trừ mọi chi phí) sẽ được Sanjay Thakur và Soundararajan trao hết cho các tổ chức từ thiện ở Nepal và Ấn Độ.