Tọa lạc bên bờ đông sông Sài Gòn, cách quận 1 chỉ khoảng 300m, Thủ Thiêm từng được kỳ vọng trở thành khu đô thị hiện đại tương tự như Phố Đông (Thượng Hải, Trung Quốc), với các chức năng về tài chính, văn hóa, thương mại, dịch vụ cao cấp, nghỉ ngơi, giải trí… Dù được lên kế hoạch xây dựng sau Phố Đông chưa đến mười năm nhưng đến nay, mức độ phát triển của Thủ Thiêm đã đi sau Phố Đông hàng thế kỷ, mà một trong những nguyên nhân chính là sự phá vỡ quy hoạch nghiêm trọng.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP) ngày 7-9-2018 đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của UBND TP. Hồ Chí Minh, Bộ Xây dựng và cả Văn phòng Chính phủ liên quan dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT). Trong đó, thành phố đã có nhiều động thái khiến khu đô thị này thay đổi so với quy hoạch ban đầu.
Quy hoạch bị phá vỡ từ trong trứng nước
Ông Võ Viết Thanh – Phó chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh phụ trách quản lý đô thị, Quyền Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh (giai đoạn 7-1996 đến 8-1997), Phó bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh (8-1997 đến 17-5-2001) từng cho biết: “Chủ trương quy hoạch Thủ Thiêm bắt đầu từ năm 1992. Các đồ án quy hoạch được thông qua vào năm 1995 và Thủ tướng ký văn bản pháp lý vào năm 1996. Chúng tôi kỳ vọng nơi đây sẽ trở thành trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ quốc tế, thậm chí là đô thị đẹp nhất khu vực Đông Nam Á. Thành phố cũng hướng đến công dân Thủ Thiêm, đó là đối tượng đầu tiên được hưởng lợi từ chính mảnh đất của mình, nên họ phải được ưu tiên tái định cư tại chỗ để đảm bảo đời sống, kế sinh nhai. Vì vậy, thời đó chúng tôi cố gắng giữ khu chợ Thủ Thiêm, chùa, nhà thờ”.
Ngày 4-6-1996 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định QĐ367/TTg phê duyệt quy hoạch xây dựng KĐTMTT, quy mô 930ha, bao gồm khu đô thị diện tích 770ha (trong đó có 640ha đất, 130ha mặt nước) và khu tái định cư 160ha. Theo Quyết định này, KĐTMTT sẽ được xây dựng thành trung tâm tài chính – thương mại hiện đại, trung tâm văn hóa cung cấp các dịch vụ nghỉ ngơi, giải trí cao cấp.
Theo quyết định trên, KĐTMTT chỉ có một khu nhà ở cao cấp ở phía bắc bán đảo và khu tái định cư, còn dọc đại lộ Đông – Tây là các cao ốc 30-100 tầng. Với vị trí cận kề quận 1, đất bán đảo Thủ Thiêm phải được ưu tiên phát triển thành trung tâm tài chính, thương mại và dịch vụ, còn nhà ở có thể chọn nơi xây dựng xa hơn. Nhưng thực tế đến nay, thành phố đã giao hàng trăm hécta quỹ đất Thủ Thiêm cho nhiều công ty tư nhân đầu tư xây dựng nhà ở cao cấp và tái định cư, góp phần băm nát quy hoạch bán đảo.
Hơn 20 năm qua, những bất ổn trong pháp lý triển khai KĐTMTT không những là nguyên nhân dẫn tới khiếu kiện, khiếu nại kéo dài mà còn ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Phần lớn diện tích KĐTMTT hiện nay vẫn còn hoang hóa, sình lầy, hạ tầng giao thông kỹ thuật chưa được đầu tư đồng bộ. Hiện cũng chỉ mới có trục đường Mai Chí Thọ (thuộc dự án đại lộ Đông – Tây), hầm vượt sông Sài Gòn, cầu Thủ Thiêm 1 kết nối bán đảo Thủ Thiêm với khu vực xung quanh.
Cần chính sách đầu tư công bằng, công khai
Để thực hiện dự án KĐTMTT, đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã “rót” khoảng 30.000 tỉ đồng; trong đó, lãi vay phát sinh mỗi ngày khoảng 2,9 tỉ đồng. Áp lực trả nợ cũng như thu hồi vốn đang đè nặng lên toàn dự án, và vì vậy thành phố cần sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp. Với các công ty hiện nay đang đầu tư vào KĐTMTT đều được thành phố áp dụng hình thức BT với rất nhiều ưu đãi. Cách đây không lâu, UBND TP. Hồ Chí Minh thông tin sẽ cho đấu giá công khai chín lô đất tại đây với giá khởi điểm 27.000-28.000 tỉ đồng. Các khu đất này rộng 78.000m2, đã được giải phóng mặt bằng nhưng chưa có hạ tầng kỹ thuật và đường giao thông kết nối.
Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng để tránh các vấn đề phát sinh như đã từng xảy ra giai đoạn trước đó, UBND thành phố cần có chính sách đầu tư công bằng, công khai và tái sử dụng hiệu quả nguồn vốn huy động được cho mục đích phát triển dự án. Mục đích tốt đẹp ban đầu của dự án là xây dựng bán đảo Thủ Thiêm thành trung tâm tài chính, thương mại tầm cỡ quốc tế. Nếu giữ đúng mục tiêu này thì chắc chắn việc bồi thường như trước đây có nhiều hạn chế thì người dân vẫn sẵn lòng chia sẻ, cảm thông vì sự phát triển chung của thành phố.
Đáng tiếc, cho đến hôm nay việc quy hoạch và triển khai đầu tư KĐTMTT đã không còn giữ được ý nghĩa ban đầu. Chính quyền không duy trì được các nguồn lực để thực hiện việc bồi thường di dân và đầu tư hạ tầng nhằm giữ nguyên vẹn quỹ đất 770ha, mà lại dùng chính quỹ đất này để thực hiện các hợp đồng BT, đổi đất trong dự án cho doanh nghiệp. Vì vậy, vai trò hiện nay của KĐTMTT lại trở thành quỹ đất để huy động vốn đầu tư cho thành phố. Hệ quả dễ thấy là nhiều công trình như giao công trình không thông qua đấu thầu, giao đất không qua đấu giá, xây hạ tầng chậm nhưng xây bán sản phẩm thu hồi vốn lại nhanh.
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh nhận xét: “Nếu bỏ xa mục tiêu ban đầu xây dựng KĐTMTT thì người dân đã di dân, tại đây chỉ còn thấy việc thu hồi đất chính là tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có hợp đồng BT đổi đất hoặc là cách tạo nguồn thu cho chính quyền. Vì thế, đối với phần đất còn lại của KĐTMTT, thành phố cần phải xác định đúng mục tiêu để làm cơ sở xây dựng các công trình chức năng của dự án. Ưu tiên hàng đầu là chọn chủ đầu tư thích hợp chứ không chỉ là lựa chọn thông qua đấu giá cao. Chính quyền thành phố cũng nên đưa ra tiêu chuẩn và đánh giá năng lực với các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào KĐTMTT để lựa chọn được nhà đầu tư xứng đáng”.