Nhiều người cho rằng học ăn học nói là hai thứ đôi khi phải học cả đời, không chỉ riêng người trẻ, mà người lớn tuổi vẫn cứ phải học, đặc biệt là phụ nữ. Cách nói năng, ăn uống là hai điều đầu tiên để đánh giá một con người. Đã xưa rồi cái thời phụ nữ cần phải e dè, nói năng nhỏ nhẹ, phụ nữ bây giờ khác xưa nhiều lắm. Cứ xem thử hai tình huống sau là rõ.
Công viên buổi chiều đầy người ngồi hóng mát trên những ghế đá, người đi bộ thể dục… Có ba người phụ nữ và một đứa bé đang đứng chần chừ trên một lối đi vòng (chính giữa có khoảng cỏ xanh), có vẻ như nửa muốn theo lối đi lát đá, nửa muốn băng qua cỏ.
Cuối cùng, một người phụ nữ nắm tay đứa bé kéo đi: cả hai cùng đặt chân xuống thảm cỏ. Một trong hai người phụ nữ trù trừ: “Đi trên cỏ người ta chửi chết!”. Người đi trước quay lại: “Chửi thì làm gì nhau?”. Người phụ nữ còn lại phụ họa theo: “Chửi thì chửi lại, sợ gì”. Thế là, cả bốn người hiên ngang bước lên thảm cỏ đi tắt qua phía bên kia. Những người ngồi trên ghế đá gần đó thấy vậy chỉ biết nhìn nhau lắc đầu chào thua. Họ đều có cùng ý nghĩ như nhau: Mẹ như vậy làm sao dạy được con?
Buổi sáng, ở một quán phở thuộc loại sạch sẽ, giá cả tương đối mềm và quan trọng là ngon, hợp khẩu vị nhiều người, thực khách đa phần là nhân viên văn phòng, cán bộ công chức, học sinh, người về hưu. Một cô gái bồng con chó xù lông trắng rất đẹp đi vào quán. Cô gái đưa cho chị bán hàng cái tô rồi ngồi xuống ghế chờ. Con chó trên tay cô cứ nhảy chồm chồm như muốn xuống đất khiến vị khách đang ăn phở bên cạnh cô gái cứ phải né mãi. Cô gái vỗ về con chó: “Yên nào cưng, chờ chị mua về rồi ăn”. Quay sang chị bán hàng, cô nói: “Chị cho nhiều bánh một chút. Tối hôm qua nó không ăn, giờ cho ăn bù”. Rồi cô lại cúi xuống con chó, giọng điệu mắng mỏ nhưng rất âu yếm: “Hư lắm, sáng ra cứ đòi ăn phở”.
Thì ra, cô mua tô phở cho chó cưng! Khi cô bưng phở và bồng con chó quay đi, người khách hàng ngồi bên cạnh khi nãy nói: “Chẳng ý tứ gì cả, bao nhiêu là người ngồi ăn ở đây mà cứ khoe là mua cho chó ăn, đã vậy con chó cứ chồm chồm lên bàn, ớn quá”. Người khác lại nói: “Để con chó ở nhà có phải tiện hơn không”.
Ở tình huống đó, rõ ràng cô gái không ăn to nói lớn, cũng không có những phát biểu ngang ngược. Cách cô ta thể hiện với chó cưng rất dịu dàng, dễ thương. Vậy tại sao mọi người xung quanh lại thấy khó chịu? Đơn giản vì cô không biết cách xử sự với cộng đồng, gây phản cảm, chỉ nghĩ đến mình mà không nghĩ đến người khác.
Nói còn bao hàm ý nghĩa hỏi. Hỏi là việc rất quan trọng, phải biết hỏi và hỏi như thế nào. Không biết thì hỏi, nhưng hỏi nhiều quá cũng sẽ gây khó chịu. Đôi khi gặp thất bại chỉ vì không biết cách hỏi phù hợp, gây bực mình cho người khác.
Không biết thì hỏi, bởi đó là cách đặt vấn đề thẳng thắn, cần sự giúp đỡ. Tuy nhiên, quan trọng là phải biết tiếp thu, nắm bắt và mở rộng vấn đề để những thứ liên quan đến vấn đề cũ không được hỏi lại một lần nữa. Việc hỏi cũng cần rất tế nhị, phải xác định trước hỏi ai, hỏi cái gì, hỏi ở đâu, hỏi như thế nào…
- Xem thêm: Để cuộc sống thêm vui vẻ và thú vị
Cách hỏi là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá người hỏi (người ấy có thật sự cầu thị, muốn học hỏi không hay là hỏi để thể hiện thái độ xấc xược). Người hỏi phải nhã nhặn, khiêm nhường, không rụt rè, cũng không được tỏ ý nịnh bợ. Trước điều gì đó chưa biết, ai cũng cần phải hỏi để hiểu và làm tốt hơn.
Sếp đang bực mình mà nhân viên chạy đến hỏi thì nhân viên sẽ bị sếp nhìn bằng cặp mắt khác. Dù là công việc gấp rút, nhưng phải đợi sếp nguội bớt và hỏi một cách nhẹ nhàng rằng nhân viên cần sếp giúp đỡ…
Đôi khi có những vấn đề chưa đủ tự tin thì cần phải hỏi nhưng quan trọng là hỏi đúng người, đúng việc và đúng thời điểm.
Như vậy, sự đời không dừng lại ở chỗ không biết thì hỏi nữa, mà đó quả là một nghệ thuật. Mới thấy, nói là việc hằng ngày ai cũng phải làm, nhưng không phải ai cũng biết học nói, học hỏi!