Với phụ nữ, đi làm không chỉ là cơ hội được vận dụng những kiến thức đã học và khả năng sáng tạo của mình tích lũy được nhiều kinh nghiệm và thỏa mãn một nhu cầu khá quan trọng là được tham gia vào guồng máy xã hội.
Ngày nay, phụ nữ đi làm là điều bình thường, thậm chí người ta còn ái ngại cho người phụ nữ nào đó không có việc làm hoặc bị mất việc. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng khó có thể nói hết sự phức tạp, bộn bề khi người phụ nữ tham gia công việc ngoài xã hội vì ở đó có đầy đủ “tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố”. Trong nhiều bộ phim Hàn Quốc, người ta dựng cảnh phụ nữ đi làm cãi nhau, nói xấu, chèn ép nhau, tranh thủ cơ hội… khá nhiều, đôi khi đó còn là chủ đề chính của phim.
Ngày xưa, đa số phụ nữ ở nhà lo nội trợ và chăm con cái. Dù có người phụ nữ “quanh năm buôn bán ở ven sông” thì việc chính của họ vẫn là nuôi con. Nhiều đấng mày râu khẳng định phụ nữ không nuôi con thì ai nuôi! Do đó, đã gánh vác vị trí nhất định trong xã hội, dù cao hay thấp, trách nhiệm nuôi con đối với phụ nữ là bắt buộc, thậm chí có ông chồng còn phê phán vợ chỉ có việc nuôi con mà cũng không xong! Do đó, áp lực đặt lên vai người phụ nữ rất nặng. Khi phụ nữ tham gia công việc ngoài xã hội thì không chỉ bản thân người ấy phải nỗ lực gấp nhiều lần đồng nghiệp nam, đã vậy còn chịu thêm những cái nhìn phán xét, ganh tỵ, tranh giành của đồng nghiệp.
Khi đi làm, thời gian người phụ nữ tiếp xúc với đồng nghiệp nhiều hơn so với tiếp xúc với chồng con của mình. Về đến nhà, lao vào việc nội trợ, tất bật đến mệt bã người mới được nghỉ nên thời gian họ dành cho chồng con đúng là không bao nhiêu.
Có người phụ nữ thật sự hạnh phúc khi đến cơ quan được đồng nghiệp yêu quý, công việc thuận lợi, về nhà được chồng con hỗ trợ việc gia đình. Thế nhưng rất hiếm những người phụ nữ tự tin nói rằng mình được lòng hết thảy mọi người tại chỗ làm việc. Do đó, chính bản thân người phụ nữ phải tạo niềm vui, hạnh phúc trong công việc làm.
- Xem thêm: Tiêu chuẩn của phụ nữ giỏi thời hiện đại
Một chị kể chuyện rằng hồi còn nhỏ, chị thấy mỗi ngày mẹ chị đều đón ba chị ở cổng với câu hỏi “Mình đi làm có vui không?”. Ba chị nhiều khi đi làm về rất mệt nhưng vẫn trả lời vợ “Vui, bà ạ!”. Theo ý ba chị, phiền hà ở cơ quan không nên mang về nhà. Người vợ hiểu chồng, nhìn nét mặt đoán biết chồng vui hay bực và có thái độ cư xử thích hợp để tạo niềm vui trong gia đình.
Đến khi chị lớn lên, đi làm, mỗi ngày mẹ cũng đón chị bằng câu hỏi quen thuộc “Đi làm vui không con?”. Câu hỏi thường xuyên ấy của bà ngoại đã ăn sâu vào tâm trí đứa con gái bé nhỏ của chị. Rồi gia đình chị ra riêng và một ngày, chị rất ngỡ ngàng khi nghe đứa con gái nhỏ cũng chờ mẹ ở cửa và hỏi “Mẹ đi làm có vui không?”. Tất nhiên, chẳng có bà mẹ nào mang bực dọc về nhà khi con của mình cất lên câu hỏi ấy. Câu hỏi của con còn hàm nghĩa chính nó cũng mong muốn mẹ đi làm được vui vẻ, đem tiếng cười về nhà cho mấy bố con.
Thời gian dần trôi, đứa con gái lớn lên, đi học rồi cũng đi làm. Bây giờ, mở cửa cho con mỗi ngày, người mẹ lặp lại câu hỏi “Đi làm có vui không con?”. Cô gái đã biết rằng đi làm có khi vui, khi buồn, đôi khi có những tình huống khiến cô phát khóc. Cô hiểu được câu dặn dò của ông ngoại và mẹ cô khi xưa và biết chính cô phải tạo niềm vui cho gia đình, không mang phiền lụy về nhà.
Cũng có lúc cô ngồi kể cho mẹ nghe những tình huống bực mình ở cơ quan để nhận những lời khuyên nhủ từ mẹ. Lời mẹ dạy như dòng nước mát tưới lên cánh đồng khô hạn, giúp cô biết kiềm chế, biết nói câu xin lỗi đồng nghiệp nếu phạm lỗi, biết bỏ qua cho đồng nghiệp khi họ không cố tình làm sai và tìm cách tránh đi chỗ khác mỗi khi sắp tiến đến giới hạn của sự chịu đựng…
- Xem thêm: Đừng tự làm mình xấu đi…
“Đi làm có vui không con?” không chỉ là câu hỏi thể hiện sự quan tâm của mẹ với con, mà còn là câu nhắc nhở con hãy biết bỏ qua những phiền muội và tạo cho mình niềm vui trong bất cứ tình huống nào.