Theo một nghiên cứu của hai giáo sư về tâm lý học Jean Twenge và W. Keith Cambell, dựa trên việc phỏng vấn và theo dõi 35.000 trẻ em ở Mỹ trong độ tuổi 1-16, có tới 6% trẻ bị những rối loạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan tới hội chứng ái kỷ (narcissistic personality disorder), tức yêu bản thân quá mức, một hội chứng khiến người ta gặp rắc rối lớn trong việc xây dựng các mối quan hệ trong cuộc sống.
Thiếu sự đồng cảm với mọi người, không kiểm soát được ham muốn bản thân, thiếu sự ăn năn hối lỗi khi làm việc sai trái, luôn tự cho mình là quan trọng, nhạy cảm đặc biệt với những lời chỉ trích dù là nhỏ nhất, ghen tỵ với người khác, là sáu đặc điểm dễ nhận thấy nhất của một người bị rối loạn ái kỷ.
“Những đứa trẻ sơ sinh, đều là những cá thể ái kỷ bẩm sinh” – chuyên gia tâm lý Sigmund Freud (người đã đặt nền móng cho phân tâm học, một phân khoa của tâm lý học hiện đại) ghi nhận, “chúng phải tự yêu mình từ khi sinh ra, bởi điều đó giúp chúng tập trung được sự chú ý của mọi người xung quanh nhằm có thể tồn tại được. Chúng khóc la, đòi hỏi, cứng đầu, khó chịu… Xã hội chấp nhận điều đó vì nó giống như một giai đoạn của cuộc đời. Tuy nhiên, khi tới giai đoạn trưởng thành, nếu biểu hiện này không mất đi hoặc không giảm xuống, chúng sẽ trở thành rối loạn ái kỷ”.
Và theo các chuyên gia tâm lý học, khi đời sống ngày một đi lên, các gia đình có điều kiện ngày càng tốt hơn để chăm sóc con cái, biến chúng thành những ông vua bà hoàng trong gia đình, và khi mà những công cụ như mạng xã hội, các trào lưu như chụp hình selfie… những thứ khiến con người đề cao giá trị của bản thân và ít kết nối trực tiếp với mọi người, thì trẻ em dễ dàng rơi vào trạng thái rối loại ái kỷ hơn trước.
Một chút ái kỷ không xấu, nhưng rối loạn thì vô cùng nguy hiểm
Theo giáo sư tâm lý Thomas F. Oltmanns, tiêu biểu nhất cho bệnh ái kỷ là câu chuyện về Narcissus trong thần thoại Hy Lạp. Theo đó, chàng Narcissus được mô tả là có nét đẹp tuyệt vời. Tuy nhiên, chàng không yêu một ai, bởi cho rằng chỉ bản thân mới xứng với tình yêu của mình. Thế rồi, các vị thần trừng phạt Narcissus bằng cách để chàng yêu chính hình ảnh phản chiếu của mình dưới nước. Từ đó, Narcissus không thiết ăn uống, ngày qua ngày chỉ soi mình dưới dòng nước, đắm say chính bản thân cho đến khi kiệt quệ và chết.
“Một chút ái kỷ trong cuộc sống tất nhiên giúp ích rất nhiều cho chúng ta, đặc biệt trên con đường kinh doanh, phát triển sự nghiệp – Thomas F. Oltmanns nhận định – bởi tin tưởng vào bản thân, tự tin mình là người khác biệt, yêu, quan tâm và hiểu bản thân, sẽ giúp bạn tự tin hơn trong cuộc sống, tìm được niềm đam mê, sở trường, đưa ra những quyết định đúng và giúp bạn tập trung hơn, tránh bị xao nhãng bởi những việc khác. Tuy nhiên, khi ái kỷ ở mức độ cao dẫn đến rối loạn, thì nó khiến chúng ta hủy hoại mọi mối quan hệ xung quanh, tự cô lập và lạc lõng với thế giới”.
Theo đó, Thomas F. Oltmanns mô tả bệnh rối loạn ái kỷ theo DSM – 5 (Hệ thống phân loại và chẩn đoán các rối loạn tâm thần do Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ – APA công bố), gồm bốn loại rối loạn, đó là:
– Rối loạn nhân cách: thường dựa vào người khác để xác định mình là ai, phóng đại về bản thân, hạ thấp người khác.
– Rối loạn hướng đi của bản thân: mục đích cuộc sống được đặt ra chỉ để đạt được sự tán thưởng của người khác.
– Rối loạn thấu cảm: không có khả năng nhận thức, xác định cảm xúc và những gì người khác cần. Thường đón nhận phản ứng của người khác với thái độ quá mức, nhưng chỉ trong trường hợp nó có liên quan đến bản thân.
– Rối loạn quan hệ tình cảm: các mối quan hệ chỉ tồn tại với mục đích phục vụ cái tôi, không hề có hứng thú với việc tìm hiểu đối phương muốn gì và thích gì.
“Khi còn là sinh viên, tôi và thầy của mình từng gặp một bệnh nhân rối loạn ái kỷ. Căn bệnh khiến anh ta bị mọi người xa lánh, nhưng không ai chữa được cho anh ta. Khi gặp thầy tôi, anh ta có vẻ nghi ngờ khả năng, nhưng vẫn nói chuyện. Trong suốt một tiếng đồng hồ trị liệu, có đến 45 phút anh ta kể về mình, về gia đình và những gì anh ta đạt được. Sau đó anh ta thấy được bằng tốt nghiệp của thầy tôi treo ở trên tường và biết thầy không tốt nghiệp ở Mỹ, thế là anh ta đập bàn mạnh một cái, mắng thầy tôi làm phí thời giờ của anh ta, đứng dậy và ra về. Từ vị thế của một bệnh nhân, anh ta cố kể lể để khiến mình giỏi lên, đưa anh ấy ngang hàng với thầy tôi, và rồi cuối cùng tìm ra thứ để anh ta khinh thường ông, đặt ông xuống dưới anh ta, trước khi lăng mạ ông và bỏ về mà chẳng quan tâm đến cảm xúc của chúng tôi” – Thomas F. Oltmanns nhớ lại.
Làm sao để kiểm soát sự ái kỷ của trẻ?
Trong một nghiên cứu được đăng trên tạp chí của Viện Hàn lâm khoa học Hoa Kỳ (PNAS), mang tên Origins of narcissism in children (tạm dịch: Nguồn gốc sự ái kỷ ở trẻ em) thông qua việc phỏng vấn và khảo sát hành vi của 565 trẻ (từ 7-11 tuổi) cùng phụ huynh của chúng, thì những cặp cha mẹ có xu hướng khen ngợi con cái quá mức, luôn cho chúng là đúng, cho chúng những món quà, vật dụng, điều kiện sống đặc biệt vượt xa mức trung bình, giống như ông vua bà hoàng trong nhà, thường khiến con cái họ trở nên ái kỷ hơn so với bình thường.
“Chúng ta đều muốn con cái của mình ý thức được giá trị của bản thân, giúp chúng tự tin hơn trong cuộc sống, nên đôi khi chúng ta quá yêu chiều và phóng đại năng lực của chúng. Tuy nhiên, để cho chúng không bị rơi vào trạng thái rối loạn ái kỷ, các bậc phụ huynh nên cân bằng ba điều sau. Thứ nhất, hãy dạy cho chúng giá trị của tình yêu thương. Hãy cho chúng hiểu việc sử dụng thời gian để xây dựng những mối quan hệ với người chúng yêu thương là một hành động cần thiết giúp chúng cảm thấy hạnh phúc. Thứ hai, hãy dạy cho chúng sự đồng cảm, rằng bất cứ hành động nào của chúng ta, cũng đều có thể tổn thương những người chúng ta yêu mến. Cuối cùng, hãy khuyến khích chúng kết bạn. Bởi tình bạn sẽ dạy cho bọn trẻ biết rằng, không phải cứ trở thành người thật hoàn hảo, thật đặc biệt, thì mới được mọi người yêu mến và quan tâm” – nhóm nghiên cứu kết luận.
- Anh Đức tổng hợp