Này anh nhìn xem, một giáo sư mặc quần đùi lên lớp mà dậy hết cả… “sóng mạng”. Người ta đã giải thích rồi, vị đó muốn nói sáng tạo phải biết phá rào cản tư duy. Ở các nước, thế là bình thường. Thế thì các trường học nên đốt hết nội quy đi thôi. Sao bắt học sinh đồng phục nọ kia…
Nghe vợ kể lể, chồng nói em quan tâm làm gì chuyện vặt. Cái chính là chất lượng dạy của giáo sư thôi.
Người ta nói quá nhiều về nền giáo dục xơ cứng giáo điều, phê bình các danh hiệu, cãi nhau về triết lý giáo dục. Nói kiểu gì cũng trúng hết.
Ví dụ hôm nay ở trường đại học hẳn hoi, bạn em kể, thầy đang giảng về xử lý khủng hoảng, hỏi sinh viên là các em có biết nhà nước và nhân dân cùng góp sức, bằng đối thoại, giải quyết được một khủng hoảng lớn, được cả nước quan tâm và vui mừng không?
Cả lớp không ai phát biểu, mãi sau một bạn đứng dậy thưa: “Dạ, khủng hoảng đó là… vụ Trấn Thành ạ”.
Vậy là các bạn trẻ có quan tâm gì đến đời sống và những vấn đề xã hội đâu. Mà hễ có ngôi sao nào thay đổi diện mạo một chút là nhao nhao lên hỏi, có phải (cô này cô kia) vừa mới đi làm cái cằm nhọn V line không? Hình như các ngôi sao của nước ta (tài năng cũng chỉ… tạm được thôi) váy áo của họ có mấy cái ly chắc các fan trẻ cũng biết. Thì coi như sở thích riêng, cũng được đi. Cũng giống các ông già mê chơi đồ cổ, chơi chim nuôi cá đến mức sành điệu. Không vấn đề gì. Nhưng nhiều bạn trẻ nhà ta “chết” ở chỗ, chẳng biết gì những thứ quan trọng về xã hội, những chuyện liên quan đến nghề nghiệp, miếng cơm manh áo, đồng lương, công việc mình làm cũng “không thèm biết”. Thử hỏi, họ đối xử với chính bản thân họ như thế thì mong gì họ giúp ích cho “quốc dân đồng bào”? Ngay với gia đình cha mẹ anh em họ, chắc gì họ đã biết cách giúp?
Nghe vợ “thống kê” các mối quan tâm vô bổ của người trẻ, chồng nói, tuổi trẻ thế giới không biết họ quan tâm gì nhỉ, hay cũng giống ta?
Vợ được dịp hùng hồn: “Người ta làm điều tra toàn cầu, thấy tuổi trẻ các nước tiên tiến quan tâm chuyện lớn đây này: Tiếp nhận công nghệ, biến đổi khí hậu, chiến tranh, IS và chuyện tham nhũng. Toàn vấn đề lớn, ảnh hưởng đến cuộc sống con người và xã hội. Thôi, em chẳng kể chi thêm cho buồn, tuổi trẻ của xứ ta lười đọc lười học, ngại khó, nông cạn tư duy, chạy theo các giá trị ảo”.
Đến đây, chồng cười tủm tỉm, kể cho vợ nghe câu chuyện anh tham gia lên lớp thảo luận bồi dưỡng cán bộ một tỉnh nọ (bây giờ họ cũng phải theo học nhiều thứ mở mang kiến thức). Chuyên đề là: Mối quan tâm và trách nhiệm người lãnh đạo. Anh ra câu hỏi: “Hiện nay, các đồng chí lãnh đạo địa phương này đang quan tâm vấn đề gì?”. Người nói vấn đề biến đổi khí hậu thay đổi thời tiết, người nói vấn đề biến đổi gien sinh học, người nói về tư duy, đạo đức con người… Nghe toàn chuyện xa xôi, một ông tức quá đứng dậy hỏi kiểu ngang ngạnh thách đố: “Tôi không lo những chuyện trên trời đó, mà tôi lo mình… nợ tiền ngập đầu không trả được, thì thầy có cách gì giải quyết không?”.
Đến đây vợ thấy bí, “thế anh trả lời ông ấy sao?”.
“Anh nói là, thưa chú, không rõ chú phụ trách lĩnh vực gì mang nợ. Nếu đó là món tiền nợ công, thì trước tiên lĩnh vực của chú phải trả lời. Rồi nếu không được, xin chuyển câu hỏi của chú lên Chính phủ và lãnh đạo tỉnh. Còn nếu đó là món nợ tiền riêng của chú, thì chỉ có… Cụ Hồ mới giải quyết được. Thế là cả lớp cười ồ”.
Vậy ra không phải chỉ có người trẻ “phân tâm” mà cả người già nữa cũng mỗi người nghĩ mỗi kiểu. Đám trẻ quan tâm Lạc trôi, Nơi này có anh hay các sao “Sâu-bít” thì thiếu gì ông già người lớn làm việc không thấy hiệu quả đâu, mỗi người nghĩ mỗi kiểu. Người quan tâm “bàn thế sự… vặt” chẳng có thông tin, toàn “nghe hơi nồi chõ”. Người khác thì lo chạy mánh lới làm ăn, kẻ lo khuynh đảo thị trường làm giàu. Ai cũng “bận” việc cả. Ngẩng lên nhìn mới tá hỏa, kinh tế, dân sinh, đạo đức xã hội, giáo dục, y tế… đâu cũng có vấn đề, mà mổ xẻ ra thì, muốn nói nguyên nhân gì, lỗi tại ai, cãi mãi không ra, kiểu gì cũng trúng.