Trang trí màn cửa là một trong những công việc nội thất cuối cùng giúp cho không gian của ngôi nhà trở nên hoàn hảo, thể hiện rõ được ý đồ thiết kế. Không chỉ vậy, màn cửa còn là một phần rất quan trọng góp phần làm nổi bật, tạo sự hài hòa giữa các không gian và giúp chúng kết nối lại với nhau. Chính vì thế, việc chọn lựa được loại màn cửa phù hợp với không gian ngôi nhà của mình cũng là một điều khiến nhiều người băn khoăn. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều chủng loại màn cửa, đa dạng cả về chất liệu, màu sắc, hoa văn cũng như kiểu dáng. Để có thể lựa chọn được loại màn cửa phù hợp, chúng ta nên chú trọng tới một số tiêu chí cơ bản như sau:
Kiểu màn – Tùy từng vị trí gắn màn mà ta có những lựa chọn kiểu phù hợp
Nếu các vị trí có cửa sổ lớn, khung kính lớn và cửa ra vào có bố trí hộc màn, ta có thể sử dụng kiểu xếp ly và kiểu lượn sóng. Kiểu xếp ly có thể sử dụng được cho các vị trí có hộc nhỏ (8cm – 12cm), kéo nhẹ, tuy nhiên sóng màn nhỏ, đổ không đều. Kiểu lượn sóng có sóng đổ đều, to và đẹp hơn xếp ly, nhưng chỉ có thể sử dụng cho các vị trí có hộc màn lớn (≥15cm).
Các vị trí không có bố trí hộc che, màn được gắn trực tiếp lên tường hoặc trần thì nên sử dụng kiểu khoen dập (đục khoen). Kiểu màn này có sóng màn đổ đều, to và đẹp, phù hợp với mọi lối kiến trúc và rất sang trọng.
Đối với các vị trí có cửa sổ hay khung kính nhỏ thì nên sử dụng kiểu màn roman. Kiểu màn này có ưu điểm là chi phí thấp, không chiếm nhiều không gian.
Vải may màn
Chọn lựa theo lối kiến trúc
Ngôi nhà thiết kế theo phong cách cổ điển thường chú ý đến chi tiết, đồ nội thất thường làm từ vật liệu tự nhiên như gỗ, với các họa tiết cầu kỳ, tỉ mỉ và phần nhiều được làm bằng thủ công. Do đó, khi chọn vải màn chúng ta nên chọn những mẫu màn có hoa văn cổ điển, nhiều chi tiết tương đồng với hoa văn của các đồ đạc nội thất khác. Tuy nhiên, trong trường hợp không gian đã sử dụng quá nhiều hoa văn thì phần màn có thể chọn loại trơn một màu, chất liệu nên sử dụng là nhung hoặc gấm nhằm tạo cảm giác ấm áp, hài hòa tránh rối mắt. Màu sắc chính của màn có thể lựa chọn dựa theo gam màu chủ đạo của đồ nội thất xung quanh không gian sử dụng màn.
Thiết kế hiện đại là phong cách hướng đến công năng sử dụng, sự tiện nghi và hài hòa giữa các không gian, không cầu kỳ chi tiết hay thiên về kiểu dáng hình khối. Màu sắc được sử dụng một cách trung lập, thường sử dụng màu trắng làm nền chủ đạo và sử dụng một mảng màu để tạo điểm nhấn cho các vị trí như sau kệ tivi, sofa, đầu giường, tủ đồ v.v… Các không gian mở và liên thông với nhau một cách có chủ đích, như thiết kế phòng ăn, phòng khách và phòng bếp chung một không gian cho các ngôi nhà có diện tích khiêm tốn. Chính vì vậy, lựa chọn màn cho phong cách này trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên chúng ta cần lưu ý chọn những loại màn đơn giản, không có hoa văn cầu kỳ như vải trơn, hoa văn lập thể, sọc nhuyễn, gợn vân nhẹ, vân chìm v.v… Màu sắc nên cân nhắc tới màu sàn, và màu nội thất trong cùng không gian. Ngoài ra nếu muốn tạo điểm nhấn cho căn phòng bạn cũng có thể sử dụng loại màn có hoa văn nhẹ, màu sắc rực rỡ nhưng không quá đối chọi với màu chủ đạo của không gian.
Chọn lựa theo không gian
Phòng khách là một không gian rất quan trọng trong tổng thể căn nhà, đảm nhận nhiều chức năng như giao tiếp, sinh hoạt, thư giãn… và cũng là nơi thể hiện rõ ý đồ thiết kế của gia chủ. Do đó, màn cửa cần được chú trọng đầu tư hơn so với các không gian khác. Màn nên làm hai lớp: vải và voan, lớp vải nên chọn loại có hoa văn và màu sắc đặc trưng theo phong cách thiết kế của gia chủ, nhằm tạo nên điểm nhấn vui mắt nhưng cũng không kém phần sang trọng. Lớp voan có thể chọn loại voan đi cặp với vải nếu có, không thì nên chọn những loại có họa tiết rơi như hoa rơi, giọt sương, lá rơi… để tăng tính trang trí và tránh đơn điệu.
Phòng làm việc là không gian cần sự yên tĩnh, đồ đạc nội thất thường được bố trí đơn giản nhằm tạo cảm giác gọn gàng. Vì thế phần màn nên sử dụng kiểu đơn giản như màn roman xếp tầng, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ nhưng lại không chiếm nhiều không gian. Nên chọn loại vải có màu sắc vui tươi, họa tiết sinh động nhằm kích thích sự sáng tạo, mang lại cảm giác khoan khoái.
Phòng giải trí thường sử dụng các đồ vật có màu sắc vui tươi, họa tiết vui mắt. Chính vì thế, phần màn cửa có thể tùy biến theo từng lối thiết kế riêng. Tuy nhiên, nên ưu tiên chọn những gam màu sáng, hoa văn vui mắt tạo cảm giác phấn chấn, vui vẻ, góp phần nâng cao chức năng của không gian này.
Phòng ngủ cần sự kín đáo và lãng mạn, màn cửa phải đáp ứng được hai yếu tố quan trọng là che chắn và trang trí. Do đó, nên ưu tiên chọn các chất liệu vải chắn sáng, với hoa văn nhẹ hay trơn có hoa văn chìm. Màu sắc nên chọn các gam màu tạo sự ấm cúng nhằm mang lại cảm giác thoải mái, tăng tính riêng tư. Lớp voan, nên chọn những loại có họa tiết đơn giản hoặc trơn, tạo cảm giác nhẹ nhàng và thư thái. Ta còn có thể ngắm hoàng hôn, sân vườn hay các không gian bên ngoài qua lớp voan, mang lại những cảm giác rất khác biệt.
Vệ sinh màn cửa
Cuối cùng chúng ta cũng cần lưu ý thêm về vệ sinh màn cửa. Việc vệ sinh màn cửa đúng cách sẽ góp phần làm mới bộ màn, bảo vệ được màu sắc và họa tiết, từ đó góp phần làm tăng tuổi thọ sử dụng của chúng. Chu kỳ giặt phù hợp khoảng 1 năm 1 lần, đặc biệt đối với các dòng vải chắn sáng, ta cần giặt định kỳ 6 tháng 1 lần.
Tùy từng chất liệu vải sẽ có những cách vệ sinh thích hợp:
- Vải lụa: Chỉ nên giặt tay với nước lạnh, chỉ nên sử dụng Foam (Extraction Concentrate) thường có trong dầu gội hoặc sữa tắm, không sử dụng hóa chất và bột giặt tránh làm hư sợi vải, không vò mạnh và vắt trong quá trình giặt tránh làm nhăn và rút vải, không nên sấy khô.
- Vải len: Có thể giặt máy với nước lạnh sử dụng bột giặt (detergent) với hàm lượng vừa đủ và phơi trong mát.
- Vải bố: Giặt bình thường với foam, không giặt với nước nóng, phơi dưới nắng gắt để tránh làm vải có mùi hôi.
- Vải 100% cotton: Lần giặt đầu tiên chắc chắn vải sẽ bị rút khoảng 10cm, nên khi làm màn ta nên làm màn dư chiều cao khoảng 10cm, và tiến hành giặt hấp ngay sau khi may màn xong. Những lần giặt tiếp theo đảm bảo màn sẽ không còn bị co rút nữa.
- Vải chắn sáng: Giặt với nước lạnh, không dùng hóa chất và bột giặt, nếu màn quá bẩn có thể dùng foam để làm sạch. Tránh sấy khô vì sẽ phá vỡ cấu trúc vải gây nứt, rách và co rút vải.
- Vải voan và kate (poly + cotton): Giặt bình thường, có thể giặt tay và giặt máy, sử dụng bột giặt với lượng vừa đủ.
Ngoài ra, để có được phương pháp giặt màn phù hợp nhất và tiết kiệm thời gian, chúng ta nên tìm đến các cơ sở giặt màn lớn và uy tín, có đầy đủ các máy móc và thiết bị chuyên nghiệp nhằm hạn chế tối thiểu khả năng hư hại có thể xảy ra.