Ngôi nhà dành cho đôi vợ chồng trẻ người Việt Nam này tọa lạc trên một khu vườn rộng có nhiều loài cây nhiệt đới tại vùng Thủ Đức, ngoại thành TP.HCM. Khu vườn thường bị ngập nước vài lần trong năm vì nằm ngay cạnh một con sông lớn. Khi đặt vấn đề thiết kế, khách hàng mong muốn có một ngôi nhà gần gũi thiên nhiên, thoáng mở, tận hưởng tầm nhìn ra dòng sông chảy gần đó, với yêu cầu sàn tầng 1 của phải cao hơn mặt đường khoảng 1m.
Chúng tôi đã đề xuất phương án ngôi nhà được tạo thành từ ba tấm sàn nổi trên mặt đất. Các tấm sàn tầng trên và tầng dưới sẽ khác nhau về hình dạng khác nhau, khoảng không giữa tầng trên và tầng dưới tạo nên sự đa dạng về mặt không gian. Từng tấm sàn vươn ra về phía khu vườn bằng những thanh dầm đỡ sàn theo nhiều hướng khác nhau, các khoảng sàn vươn ra đóng vai trò như một mái hiên hoặc không gian sinh hoạt ngoài trời, cũng như che mưa và nắng cho các không gian mở và cầu thang ngoài trời. Ba tấm sàn kết nối với tất cả các không gian ngoài trời, bao gồm cả tầng thượng, bằng một hệ cầu thang ngoài trời độc lập với cầu thang bên trong. Nói cách khác, tất cả sự lưu thông có thể diễn ra liên tục ở không gian ngoài trời mà không cần phải vào bên trong nhà.
Ở phần thiết kế ngôi nhà này, chúng tôi muốn thử thách một giải pháp xây dựng mới nhằm đóng góp vào phương thức xây dựng với kết cấu khung bê tông truyền thống, vốn được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam và Đông Nam Á. Nỗ lực này dựa trên ý tưởng về một tấm sàn vươn ra xa nhờ các thanh dầm đồng thời sử dụng hệ cột đỡ với tiết diện rất nhỏ. Các cột có kích thước tối thiểu là 300 x 150 mm và chiều rộng dầm của tầng hai là 150 mm theo dạng khung sườn, có tác dụng về mặt thị giác làm tối thiểu hóa độ dày của tấm sàn. Điều này tạo nên một thiết kế có dáng vẻ nhẹ nhàng, kết nối liên tục không gian bên trong và ngoài nhà và cho cảm giác những tấm sàn như nổi lơ lửng giữa không trung.
Gần 70% diện tích sàn của ngôi nhà này ( kể cả tầng thượng) là không gian ngoài trời. Chưa kể khi cửa xếp được mở ra, hầu như toàn bộ không gian đều thuộc về không gian ngoài trời ngoại trừ khối hộp phòng tắm. Vì thế, mong muốn được gần gũi và tận hưởng thiên nhiên của chủ nhà đã được đáp ứng một cách tối đa. Bầu không khí tại ngôi nhà này luôn thoáng mát. Đặc biệt, khi gió thổi qua không gian mở gặp trời mưa, không khí được làm mát ngay lập tức, ngay cả vào những ngày nắng nóng.
Với thiết kế này, chúng tôi muốn tập trung vào lối sống năng động, tận dụng các không gian sống ngoài trời rất phổ biến tại Việt Nam và các nước khu vực nhiệt đới. Chúng tôi cho rằng việc thiết kế áp dụng giải pháp khung cấu trúc bê tông theo lối truyền thống nhằm khai thác tối đa công năng sinh hoạt của các không gian ngoài trời là vô cùng quan trọng trong công tác thiết kế nhà ở vùng nhiệt đới.
Tên dự án: Floating House in Thu Duc
Thời gian xây dựng: 11/2020 – 8/2022
Vị trí: Thành phố Thủ Đức, Việt Nam
Công ty kiến trúc: SDA (Sanuki Daisuke Architects)
120A Trần Kế Xương, phường 7, Quận Phú Nhuận, TP.HCM.
Kiến trúc sư: Sanuki Daisuke, Nguyễn Huỳnh Bảo Ngọc
Kỹ sư kết cấu: Công ty TNHH Thiết kế Xây dựng Thành Công (Nguyễn Công Giáp)
Kỹ sư MEP: Trịnh Văn Tâm
Nhà thầu: Coppha Builders Construction Co., LTD (Phạm Hữu Hoàng)
Diện tích khu đất / Diện tích xây dựng: 500m2 / 137m2
Tổng diện tích sàn: 325m2 (Nội thất/100m2, Ngoại thất/ 225m2)
Chiều cao công trình: 9.1m, 2 tầng
- Xem thêm: Những không gian mở tươi xanh