Mình có xuất thân từ núi rừng đâu mà “về”? Có thể bạn nghĩ vậy, nhưng sâu thẳm trong mỗi chúng ta đều có chút gì đó liên quan đến rừng, vì khởi thủy con người cũng từ rừng đi ra chứ đâu! Vậy nên mỗi chuyến đi rừng cũng giống như một cuộc trở về để lắng nghe mình với mọi giác quan. Nghe hơi thở, nhịp chân và đo chiều dài đường đi để nhận biết sức khỏe, nghe tiếng thiên nhiên để tìm lại sự kết nối với bản năng và tái tạo nguồn năng lượng. Không tin? Bạn hãy thử đi và chinh phục thác Hang Cọp nào!.
- Xem thêm: Ngày hè xanh mát ở Kon Chư Răng
Cung đường rừng mà chúng tôi trek lần này dài gần 50km thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng, bắt đầu từ Bon Da Plah – một làng nhỏ của người Kơho Cil thuộc xã Đa Nhim, huyện Lạc Dương và điểm kết thúc là thác Hang Cọp (xã Xuân Thọ, TP. Đà Lạt). Ba ngày hai đêm trong rừng là những trải nghiệm vô cùng đáng giá. Hết đồi nọ tới dốc kia, mỗi bước chân là mỗi sự thay đổi, sự thay đổi ấy không chỉ ở cảnh sắc thiên nhiên bên ngoài mà còn ở cả những diễn biến nội tâm, tùy thuộc vào thời điểm đôi vai đã quen với khối lượng 10kg hành lý cá nhân suốt hành trình và đôi chân đã mỏi hay chưa.
Có lúc đuối quá, tôi đã nghĩ sao đang yên đang lành lại vào rừng tự đày mình, trong khi có thể dành mấy ngày cuối tuần đi xem phim, xem kịch… Nhưng đó chỉ là những khoảnh khắc, bởi rừng mang lại cho ta những thực tế mà không bộ phim nào có được. Ấy là khi bạn nằm ngửa ở lưng chừng dốc, nhìn lên những vòm thông xanh cao vút, gió ve vuốt những tán lá kim và cả một rừng cây đu đưa trên cao, cảnh vật như một pha quay chậm mà bạn đang thực sự có mặt chứ không phải là ngồi trước màn ảnh.
Hoặc khi bạn thấy cả một đàn trâu trên hai chục con xếp hàng ngang chăm chăm tiến về phía mình, trong khi bạn mặc một chiếc áo màu đỏ nổi bật giữa nhóm đồng bạn trek, cảm giác như bạn đang là mục tiêu của đàn trâu. May mà cậu thanh niên trẻ dẫn đường vốn rất am hiểu tập tính của loài trâu thả rừng của địa phương nên chỉ dùng một cây củi thông rồi hú hét là bọn trâu quay đầu chạy. Hóa ra, dân ở đây thường thả trâu bò trong rừng, cứ định kỳ lại mang muối vào cho ăn, vậy nên đàn trâu thấy người theo thói quen lại nhăm nhăm đến tìm muối.
- Xem thêm: Những nẻo đường đa sắc dọc Sơn La
Hệ sinh thái trên cung đường Đa Nhim – Hang Cọp không đa dạng như Tà Năng – Phan Dũng. Hầu hết hành trình là băng qua những đồi thông, thỉnh thoảng người dẫn đường lại mở ra một lối tắt để cắt ngắn những khúc quanh và tạo cho mọi người cảm giác như đang được rút ngắn lộ trình. Nhưng ba ngày trong rừng thì ngày nào cũng có những thử thách về thể lực.
Đi lên những con dốc dài liên tiếp hoặc đổ xuống một sườn núi thật dốc. Đến mức mọi người bảo nhau, bật chế độ “đèn cốt” chứ đừng bật chế độ “đèn pha” vì bị ám ảnh, ý là chỉ nên nhìn chân người đi trước mà bước chứ đừng nhìn xa quá kẻo ngán. Dường như tạo hóa cũng khá tâm lý nên khi thấy đôi chân đã mỏi với những con dốc cao lại có một vùng bình nguyên để thong thả, lúc ấy sướng nhất là thả balô xuống rồi nằm ngửa ra cỏ.
Đến 4 giờ chiều ngày thứ hai của hành trình, chúng tôi phải đứng trước lựa chọn là tiếp tục đi trên con đường mòn sẵn có (mà khả năng là đến điểm cắm trại lúc 8 giờ tối) hay đi lối tắt xuống núi để rút ngắn thời gian và hành trình? Đi tắt! Theo người dẫn đường thì đây đã từng là con đường của đồng bào địa phương sống dưới thung lũng dọc sông Đa Nhim nhưng đã bị bỏ hoang từ khi có đường mới. Cảnh vật thật ngoạn mục. Thảm cỏ và vòm thông vàng rực lên dưới nắng chiều.
Kon Sa Ha Truyn – cậu học trò người Kơho Cil vừa mới tốt nghiệp cấp 3 trong nhóm dẫn đường chạy như con sơn dương với chiếc balô nặng gần 20 ký trên lưng. Bởi cậu đi rừng từ nhỏ và đã có kỹ năng và sức khỏe. Còn với dân văn phòng như chúng tôi thì cũng zíc zắc như vậy nhưng phải dò dẫm từng búi cỏ gờ đá chắc chắn để đặt chân, hai tiếng đồng hồ mới xuống đến điểm cắm trại.
Trong ba ngày đi bộ, chúng tôi hai lần vượt sông Đa Nhim ở những đoạn khác nhau. Lần đầu bằng phà kéo ngay gần trạm kiểm lâm vườn quốc gia Bidoup Núi Bà và lần thứ hai qua cầu treo của người dân địa phương tự chế. Thật khó để chọn ra điều gì ấn tượng nhất trong suốt hành trình vì nó thuộc về cảm xúc trong từng khoảnh khắc, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng tắm thác Hang Cọp là điểm kết mỹ mãn và xứng đáng cho suốt ba ngày trong rừng. Dòng thác cao gần 30m trắng xóa, mát lạnh. Khi đó, bỏ hết vướng víu để ngâm mình trong nước, nhờ sức mạnh của nước hóa giải tất cả những căng cơ mệt mỏi. Rồi khi bước lên từ nước, bạn được hồi phục hoàn toàn: mới mẻ, sạch sẽ và tràn đầy năng lượng…
– Ảnh Bình – Tuân