Q Xin được hỏi, việc mua sắm đồ đạc nội thất có cần căn cứ theo tuổi của gia chủ để hợp phong thủy không, hay là chỉ cần xài được và hạp nhãn mọi người? Gia đình nhỏ của tôi sắp ra ở riêng, bên ông bà cha mẹ cho khá nhiều đồ đạc, chúng tôi không thích lắm vì khá cũ, nhưng không biết nên xử lý vấn đề này như thế nào. Nhờ quý báo tư vấn giùm, trân trọng cảm ơn.
Trần Quỳnh Quyên (Bình Thủy, Cần Thơ)
A Mọi ngôi nhà trong quá trình sinh hoạt không thể thiếu các vật dụng, nhưng hãy thử quan sát, ta sẽ nhận ra một số vật dụng hiệu suất sử dụng thấp, hoặc không được coi sóc thường xuyên dẫn đến thành vật thừa, ngăn trở sự thông suốt cũng như thanh sạch của Trường khí. Do đó, nên học tập người Nhật trong vấn đề tạo không gian “tối thiểu để được tối đa”, tức là xem xét cái gì cần thì xài, khai thác hiệu quả, chứ không nên “ham” hoặc mang đồ về chất đầy nhà, sẽ khiến bừa bộn, ảnh hưởng xấu đến môi trường cư ngụ. Nếu giảm vật dụng trong nhà ở mức vừa đủ sẽ thấy không gian được thoáng rộng và cân bằng âm dương hơn, vì các góc âm (như sau lưng đồ đạc, gầm cầu thang…) không bị Âm hóa hoàn toàn mà có thể đi vòng quanh, lau chùi, hay xê dịch khi cần thay đổi vị trí, góc nhìn.
Sự mất đồng bộ hoặc quá thiên về một loại vật liệu, màu sắc nào đó cũng đem đến hai thái cực tương phản. Ở thái cực đa sắc, ngôi nhà trở nên “hỗn loạn” vì có quá nhiều vật dụng, màu sắc không tương đồng, thiếu sự thống nhất. Còn thái cực đơn sắc lại đem đến kết quả ngôi nhà chỉ toàn một màu nào đó (có gia chủ cho rằng mình mạng Hỏa thì phải sơn màu đỏ toàn nhà mới hợp!), trong khi quy luật Ngũ hành luôn cần hài hòa bổ sung cho nhau, không thiên lệch hành nào quá mức. Do đó, cũng không cần phải chọn đồ đạc theo mệnh tuổi của gia chủ như một số nơi lầm tưởng.
Hình nào thì Khí ấy chính là nguyên tắc Phong thủy cơ bản cho chọn lọc, bài trí không gian. Một ngôi nhà lộn xộn hoặc quá trống trải, thiếu rõ ràng hay loạn phong cách… đều là những biểu hiện của một nội khí lệch lạc, thiếu quân bình. Nên biết kìm chế trong mua sắm vật dụng và thường xuyên sắp xếp nội thất ngăn nắp, tạo một không gian ở “sạch” theo nhiều nghĩa: thoáng gọn, sạch sẽ, ít chi tiết và vật dụng thừa, đồ nội thất có khả năng thay đổi linh hoạt…
Sự lộn xộn của trường khí nội thất có thể xảy ra do trưng bày quá nhiều, đồ đạc thiếu đồng bộ hoặc cố giữ lại nhiều vật dụng mang tính kỷ niệm mà không có sự chọn lọc. Không phải mảng trang trí đẹp, lạ nào ở nơi quán xá hay nhà người khác cũng có thể áp dụng vào nhà của mình nếu không biết chọn lọc phù hợp. Đó là chưa kể nếu tương lai nhà có em bé thì đồ đạc sẽ chịu nhiều biến động, thay đổi, thậm chí phải bỏ bớt đồ để dành chỗ cho bé chơi. Do đó, ngay từ khi mới ra riêng, gia chủ nên mạnh dạn từ chối nhận những đồ nội thất nếu thấy không phù hợp với không gian mới, và có thể chọn lọc, đặt đóng mới đồ đạc sao cho hài hòa với không gian, nhu cầu của mình.