Trang hoàng nhà cửa đầu năm luôn là cơ hội để gia chủ và các nhà thiết kế đem lại sinh khí tươi mới và kích hoạt các nguồn năng lượng cho không gian sống. Chọn đèn trang trí vì thế không chỉ là việc chọn thiết bị chiếu sáng, mà còn là những cân nhắc, điều chỉnh ở “phần mềm” cho không gian, để “phần cứng” được ổn định hơn, thẩm mỹ hơn và hợp phong thủy hơn.
Chọn đèn theo phương hướng
Ngoài các hướng đông – tây – nam – bắc, bố trí ánh sáng nhân tạo (thông qua hệ thống đèn) cho nội thất cần quan tâm đến các loại hướng sau:
– Hướng giao tiếp: tùy theo giao tiếp đối nội hay đối ngoại mà sử dụng đèn phù hợp hướng tương ứng. Ví dụ: cũng là đèn ngoài sảnh nhưng nếu là sảnh đón khách hướng trước nhà thì tính dương cao, cần chọn những loại đèn rực rỡ hơn là sảnh phụ, lối đi phía sau nhà. Hoặc với phòng khách, dù ở đây cũng có salon, tivi, tủ kệ như phòng sinh hoạt gia đình, nhưng hệ thống đèn trên trần phòng khách cần nhiều tầng bậc khác nhau, có thể thêm đèn chùm để gia tăng tính nổi bật khi tập trung đông người; trong khi phòng sinh hoạt thì ít đèn hơn, và là kiểu đèn giản dị, tĩnh tại hơn, ánh sáng phân tán và dịu nhẹ hơn.
– Hướng phương vị: là hướng tính toán bố trí đèn so với chủ thể xem xét. Ví dụ trong phòng ngủ thì vị trí nằm trên giường là chủ thể chính, các vùng chung quanh trái – phải – trước – sau, trên đầu, dưới chân là các phương vị tương ứng tốt xấu so với tuổi gia chủ và nhu cầu sử dụng. Từ phương vị so với chủ thể xem xét sẽ quyết định loại đèn và kiểu chiếu sáng, cụ thể là vùng hai bên trái phải (tương ứng Thanh Long – Bạch Hổ của giường ngủ) sẽ dùng đèn bàn điều chỉnh cường độ sáng, hoặc đèn treo thả xuống. Vùng tường trên đầu giường chỉ dùng đèn hắt nhẹ nhàng, tránh dùng đèn rọi gay gắt, còn các vùng xa giường có thể dùng đèn đứng hay đèn thả để tạo điểm kích hoạt khí – nói tóm lại không thể “rải đèn” tràn lan, đều đặn mà không chú ý đến phương vị xoay quanh chủ thể.
Chọn đèn tương hòa hoặc tương phản
Chiếu theo quy luật cân bằng âm dương, ánh sáng trong nhà cần được phân bố hợp với sinh hoạt và không gian tương ứng. Nếu nhà phố có nhiều tầng thì càng xuống dưới các tầng thấp (âm thịnh hơn) càng cần sử dụng đèn bổ sung ánh sáng vào ban ngày nhiều hơn, đồng thời cách chiếu sáng đi cùng màu sơn nội thất cũng cần những màu trung tính và sáng sủa như màu xanh nhạt, lam ngọc… để đem lại cảm giác nhẹ nhõm, thoáng rộng và thư giãn hơn.
Khi những nơi sinh hoạt chính bị cố định bởi vật dụng thiết bị (ví dụ bếp, kệ tivi, giường ngủ, bàn làm việc… là những vị trí khó thay đổi) thì vị trí và kiểu dáng đèn phải được tính đến trong “kịch bản sử dụng” ngay từ đầu. Tương hòa hoặc tương phản là hai cách cơ bản trong chọn kiểu chiếu sáng và kiểu đèn nhằm hướng tới hài hòa âm dương.
Tương hòa là nên chọn đèn cho từng phòng có sự đồng bộ với cả ngôi nhà về đường nét, hình khối, tông màu và cả cách thức chiếu sáng. Ví dụ: nhà có phong cách hiện đại với bề mặt trắng sáng nhiều thì chọn đèn theo gu thiết kế đương đại đơn giản, tránh dùng đèn cổ, đèn có chi tiết cầu kỳ phức tạp; ngược lại, nếu nhà theo phong cách cổ điển, có nhiều chi tiết chạm trổ thì đèn cần có kiểu dáng tương tự. Thậm chí một số biệt thự, khách sạn, resort theo phong cách đồng quê đã phải tìm mua hay thiết kế riêng hệ thống đèn đúng kiểu dáng, niên đại của phong cách nội thất đó.
Nếu chọn cách tương phản thì lấy sự đối lập để làm nổi bật yếu tố nào là chính, giúp tách bạch về mặt phông nền với đối tượng chủ đạo. Ví dụ: mặt bằng nhà vuông vức nhưng các bộ đèn chọn lựa lại chủ yếu là khối bo tròn, như một cách tạo điểm nhấn khác biệt. Hoặc toàn bộ sàn nhà lát gỗ hoặc trải thảm (đều thuộc Mộc) nhưng hệ thống đèn lại là những ống kim loại trắng sáng để vừa tạo sự nổi bật trong chiếu sáng, vừa là cách nhấn nhá hành Kim đối với hành Mộc.
Với không gian có mảng sơn hay vật liệu ốp lát sậm màu như gạch, đá đậm màu, giấy dán tường, gỗ… thì đèn có ánh sáng mạnh, kiểu dáng nổi bật, thậm chí tương phản luôn tạo sự hấp dẫn, gợi sức tưởng tượng, tăng chiều sâu và kích thích các năng lực sáng tạo. Còn khi không gian thuần màu trắng xám, theo kiểu tối giản, ít chi tiết thì những mảng trống có ánh sáng hắt thật nhẹ nhàng đi cùng kiểu đèn hiện đại, tương hòa trong không gian là cách thức dẫn truyền khí và năng lượng hữu hiệu.
Chọn đèn theo gia chủ
Khác với đèn chiếu sáng cơ bản, các loại đèn trang trí (như đèn chùm, đèn rọi tranh, đèn chiếu điểm, đèn đứng, đèn bàn hoặc đèn ngủ…) thường được mua sau khi nhà mới đã hoàn thành để gia chủ có thời gian chọn lựa, phối hợp với các phần trang trí khác như tranh ảnh, rèm cửa, bàn ghế… Nếu ngôi nhà không phải là lâu đài hay cung điện, cần tránh những loại đèn quá cầu kỳ, nhiều góc cạnh hay mũi nhọn, vừa dễ bám bụi vừa là điểm xung sát không tốt. Khi bước vào một căn phòng đầy đủ ánh sáng mà không ngọn đèn nào khiến lóa mắt, gây khó chịu có nghĩa là ánh sáng phòng đó đã được kiểm soát vừa phải.
Ánh sáng theo ngũ hành cũng cần tương sinh hài hòa với không gian và gia chủ, ví dụ phòng ngủ vốn thuộc Mộc nên dùng ánh sáng vàng nhẹ (Thổ), có thể điểm thêm ánh xanh (Thủy), phòng làm việc nên lấy ánh sáng trắng (Kim) làm chủ đạo, có bổ sung ánh sáng vàng (Thổ) để tương sinh. Gia chủ mạng Hỏa sẽ hợp hơn với ánh sáng xanh lá cây, vàng và cam, với kiểu đèn có nhiều góc nhọn, hình chóp hoặc hình ống. Trong khi đó, người mạng Thủy theo nguyên tắc ngũ hành sẽ thiên về ánh sáng trắng và xanh biển, kiểu đèn có uốn lượn mềm mại hoặc đèn tròn trịa (Kim sinh Thủy). Dĩ nhiên không thể áp đặt nếu gia chủ không thích, nhưng thông thường các nguyên tắc ngũ hành khá phong phú, và không ít thì nhiều sẽ tương hợp với đặc tính gia chủ và không gian cụ thể.
Kiến trúc dương tính (nhà ở, nơi sinh hoạt, không phải đền miếu thâm u) cần sáng sủa quang đãng, nhưng phải là sự sáng sủa có kiểm soát và kìm nén, cũng bởi mắt con người dễ chịu trước ánh sáng gián tiếp hơn là ánh sáng trực tiếp. Do đó trong nội thất cần tránh ánh sáng trực tiếp mà nên dùng hệ thống đèn có chụp bao che, phản quang, tán xạ gián tiếp. Đó cũng là ý nghĩa khác của quẻ Khiêm trong dịch học: từng đơn vị cá thể phải biết nén mình, góp phần tạo nên một tổng thể tốt hơn chứ không tìm cách nổi bật lên. Cụ thể một bộ đèn càng có hình thù hấp dẫn, kỳ lạ, càng có tính nổi bật và càng kén chọn không gian. Dĩ nhiên đây không phải là nguyên tắc cực đoan, chọn đèn phải vừa hài hòa, phù hợp với môi trường chung quanh, vừa có cá tính và thể hiện gu thẩm mỹ và phong cách sống của gia chủ.
Tóm lại, chọn đèn về cơ bản là chọn những thiết bị đa năng, vừa trang trí vừa phục vụ nhu cầu sử dụng, lại hàm chứa nhiều yếu tố phong thủy như kích hoạt năng lượng, trấn trạch… mang đến không gian các yếu tố hỗ trợ trong tâm lý. Phong thủy có câu “Hình nào thì Khí ấy, Khí nào thì Lý ấy” chính là triết lý chọn lựa biết cân nhắc giữa các nhu cầu và ham muốn, không để hình bên ngoài át khí bên trong, không để sự rực rỡ thu hút làm quên đi vai trò tăng cát giảm hung của đèn.
- Ảnh Xuân Trang