Đa số các bố trí phong thủy từ truyền thống đến hiện đại đều hay xác lập trên mặt bằng. Những quan hệ về không gian, phương vị, định hướng… cũng nhìn trên tổng thể, phương nằm ngang của đất và nhà. Điều này đặt ra vấn đề cần xem xét thấu đáo hơn cấu trúc không gian theo chiều đứng có tác động tốt xấu ra sao đến nơi ở, nhất là phần nội thất đối với dạng nhà phố, biệt thự có lầu…
Cầu thang không chỉ để lên xuống
Trong nhà ở có lầu, cầu thang luôn giữ vai trò trung tâm của sự phân bố nguồn khí (Khí Khẩu), ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người cư ngụ bên trong. Cầu thang hợp lý thường ở khoảng giữa nhà (nhất là đối với nhà phố) để giao thông không bị chênh lệch khoảng cách, tránh các lối đi dài hút gió lùa và khó thoát hiểm. Chính vì hay nằm ở vị trí trung tâm nên bố trí cầu thang cần kết hợp với sân trong, giếng trời hoặc cửa trời để cải thiện trường khí trong nhà, giúp không gian giữa nhà được thông thoáng, chiếu sáng tự nhiên tốt hơn.
Một số chỉ định về cầu thang trong phong thủy Huyền Không xem đây là vị trí cần đặt ở phương sinh hay vượng khí. Điều này hợp lý về mặt khoa học vì không gian cầu thang là nơi tập trung cũng như phân bố người ra các tầng, nếu đặt ở góc xấu, tối tăm, bất tiện… thì sẽ ảnh hưởng đến công năng và thẩm mỹ toàn nhà. Chất liệu và màu sắc của cầu thang vừa tạo ảnh hưởng lại vừa chịu tác động của ánh sáng và cấu trúc không gian khi đi dần từ thấp lên cao, nhất là hiện nay nhà nào cũng làm khoảng lấy sáng trên nóc. Vì thế cần chú ý yếu tố phát triển và cân bằng âm dương khi dùng màu và vật liệu trong khu cầu thang. Những màu sáng, phản chiếu rõ (mang tính Dương) nên bố trí ở vùng dưới thấp, còn màu tối và âm tính hơn sẽ bố trí ở các tầng lầu để cân bằng lại với Dương quang mạnh trên cao. Khả năng chuyển tiếp màu theo chiều cao cũng cần lưu ý, tránh những chuyển màu quá đột ngột hoặc thiếu quy luật, có thể gây nhiễu loạn trường khí buồng thang và tạo ảo giác, mất tập trung cho người di chuyển. Ví dụ tường cầu thang nên bố trí các mảng miếng có tính tương đồng theo độ nghiêng của thang, hoặc làm lan can nhẹ nhàng để tạo sự quan sát bình ổn cho người đang di chuyển. Nếu treo tranh trong thang thì chỉ nên treo tại các vị trí đi lại nhìn ngắm ổn định như chiếu nghỉ, chiếu tới và tranh ảnh mang tính trang trí, hạn chế chi tiết rối mắt, có thể kết hợp với mảng gạch, đá để định vị không gian của tầng, nhờ vậy trục thang trở nên hấp dẫn và tránh sự nhàm chán, trì trệ về dẫn truyền khí.
Giếng trời kết nối Nội Khí
Không gian giếng trời cũng không nằm ngoài quy luật ngũ hành tương sinh tương khắc, mà biết khéo léo vận dụng sẽ đem lại sự hài hòa về trường khí nội thất theo chiều đứng. Tùy nhà, về cơ bản giếng trời hay nằm gần Trung Cung, nơi mang đặc tính của hành Thổ, cân bằng với các hành khác theo nguyên tắc Hỏa Thăng – Thủy Giáng – Thổ Bình Hòa, hoặc Mộc Chuyển – Kim Ẩn – Thổ Trung Dung. Bốn hành còn lại trong ngũ hành đều xoay quanh hành Thổ làm cầu nối để tăng giảm, tương tác qua lại với nhau thông qua vật liệu, màu sắc, đường nét của khu vực giếng trời. Từ đó, các bố trí nội thất sẽ cân nhắc tính chất ngũ hành để điều chỉnh cho hài hòa. Ví dụ như một cầu thang lượn có hồ nước đặt dưới gầm là dạng Thủy Vượng, sẽ khó sử dụng và gây ẩm thấp. Còn nếu đặt hồ nước ấy trong giếng trời, cho nước chảy trên tường xuống, có ánh sáng trực tiếp chiếu vào… thì Thổ sẽ khắc Thủy Vượng, Dương sẽ bù Âm, giảm được tù hãm tối tăm, tăng mát mẻ cho nội thất.
Với dạng nhà mặt bằng méo mó, giếng trời nên đặt vào ngay các góc méo dạng hành Hỏa (góc nhọn) để trả lại sự vuông vức cho nội thất (Hỏa sinh Thổ). Khi cần tiết kiệm diện tích, giếng trời có thể kết hợp với ô trống giữa hoặc bên cạnh cầu thang. Cách làm này tất nhiên không thông thoáng trực tiếp bằng giếng trời độc lập, nhưng khi trên nóc thang có Thiên song (cửa trời) dạng chéo (Hỏa sinh Thổ) thì khả năng luân chuyển Nội Khí vẫn tốt và có thể trang trí vách cầu thang thành một trục nhấn toàn nhà. Trường hợp nhà có cầu thang đi về một bên và đổi tầng, hoặc dạng cầu thang lệch tầng sẽ tạo thành kiểu giếng trời xiên (cũng thuộc hành Hỏa) thuận tiện về giao thông và tầm nhìn, thông thoáng cũng tốt hơn kiểu hun hút thẳng đứng.
Một số nhà vì nhu cầu bảo vệ có làm khung sắt trên giếng trời, nhưng nếu khung sắt quá dày sẽ gây cảm giác tù túng, không tốt bằng những giếng trời để thoáng có vật liệu gần gũi thiên nhiên (Thổ, Mộc hoặc Thủy) và bông sắt bảo vệ vừa đủ, có đường nét tạo hình sinh động, giúp giếng trời thành điểm nhấn nổi bật cho nội thất theo chiều thẳng đứng.
Lệch hay thẳng đều cần thông suốt
Làm nhà lệch tầng hay thẳng tầng có lúc khiến cho không ít gia chủ băn khoăn và có thể gây ra tranh luận giữa chủ nhà và nhà thiết kế. Tính chất không gian nhà ở được phân chia như thế nào phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như kích thước xây dựng, mục đích sử dụng, cách bố trí và khả năng thông thoáng, chiếu sáng… mà dù làm lệch tầng hay thẳng tầng đều cần phải giải quyết. Nhiều nhà làm thẳng tầng vẫn rất tiện dụng và đẹp, đồng thời cũng không ít nhà làm lệch tầng thiếu hợp lý lại khiến cho không gian lộn xộn, phức tạp một cách không đáng.
Bản chất nhà lệch tầng là sự khác biệt về cao độ giữa các tấm sàn, giữa các không gian chung hoặc riêng. Ưu điểm đầu tiên của lệch tầng là giải quyết được vấn đề thông thoáng (khi kết hợp với giếng trời), nhờ các tấm sàn thay đổi so le tạo những ống hút gió xiên (tất nhiên là phải mở lối cho gió vào). Ưu điểm thứ hai là giải quyết được vấn đề tầm nhìn giữa các tầng, nâng cao khả năng quan sát và tạo cảm giác thoải mái, không nhàm chán cho người đi lại; khi vào nhà lệch tầng người ta có cảm giác “là lạ” và thấy như nhà có nhiều không gian, hấp dẫn hơn. Ưu điểm thứ ba là tận dụng không gian hơn nếu biết cách, ví dụ như những chỗ phụ để xe, kho đặt dưới trệt không cần làm cao để đẩy phòng khách hoặc bếp lệch lên sàn phía sau (hoặc phía trước), chỗ nào cần cao thì làm cao, cần thấp thì làm thấp, không giống như nhà thẳng tầng có chiều cao “cứng” trong suốt một tầng.
Thế nhưng nhà lệch tầng cũng có không ít nhược điểm cần đánh giá đúng. Trước tiên, tổng thể về giao thông bị chia cắt với các cao độ khác nhau nối lại bằng cầu thang, gây ra một số bất tiện khi cứ ra khỏi phòng là phải lên hoặc xuống cầu thang, không phù hợp với người cao tuổi, trẻ em hoặc nhà có người bệnh. Nếu không làm khu vệ sinh riêng theo từng tầng lệch thì từ tầng này phải đi lên (hoặc xuống) sàn tầng khác để dùng khi có nhu cầu, gây bất tiện. Xét về cao độ, nhà lệch tầng có thể sẽ không phù hợp với một số khu quy hoạch có bắt buộc khống chế chiều cao tầng, đồng thời thiết kế và thi công nhà lệch tầng đòi hỏi tính toán kỹ về cốt cao độ và đếm số bậc thang. Nhược điểm nữa của nhà lệch tầng là tỷ lệ chiếm chỗ của ô cầu thang và điểm sàn tới của mỗi tầng luôn khá nhiều nên nếu nhà thiếu diện tích thì sẽ khó hiệu quả. Về mặt cơ động trong bài trí và đa năng hóa không gian, nhà lệch tầng cũng không linh hoạt bằng nhà thẳng tầng vì sàn bị giới hạn, chỉ phong phú trong điểm nhìn.
Như vậy việc xử lý cao độ trong nhà ở có lệch tầng hay không sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tính chất sử dụng không gian, nhân khẩu trong gia đình, khống chế về diện tích… và cả gu thẩm mỹ cá nhân của gia chủ, chứ không phải lệch tầng ưu điểm hơn thẳng tầng. Nếu gia đình có người cao tuổi thì cần chú ý bố trí tránh không làm nhiều bậc không gian “lên bờ xuống ruộng” khấp khểnh quá sẽ thiếu an toàn khi lên xuống trong nhà. Về phong thủy, khi giải quyết được ngăn chia phòng ốc hợp lý, thông thoáng và bài trí nội thất hài hòa xuất phát từ nhu cầu thực sự của gia chủ… thì rõ ràng làm nhà lệch tầng hay thẳng tầng không còn quan trọng nữa, kiến trúc và nội thất trở về đúng với bản chất là tạo nên những không gian sống hữu dụng, đẹp bền và kinh tế.
- Ảnh Xuân Trang