Nhiều người cho rằng cuộc sống đôi khi là một cái vòng lẩn quẩn. Thời bao cấp, lương ít, đi làm, ai cũng thủ cho mình một cà mèn cơm.
Khi ấy, cơm cà mèn và cái bàn làm việc cơ quan là hai thứ thân thiết vào buổi trưa của rất nhiều công chức nhà xa. Rồi cuộc sống thay đổi, mọi thứ được tính hết vào lương, kể cả cơm!
Hàng loạt quán cơm bên ngoài công sở với đủ thứ bắt mắt, hấp dẫn, lại còn có cả ly bia vàng óng! Lon cơm của vợ vài miếng thịt, trái cà, quả trứng dễ làm ai đó bị “quê độ” với bạn bè đồng nghiệp.
Nữ công chức văn phòng thì ỷ lại vào hộp cơm, buổi trưa chỉ cần gọi điện thoại là có người phục vụ tại chỗ, từ giấy lau cho đến cây tăm, không mất công đi đâu xa, tha hồ ngồi máy vi tính chơi game hay chat chit…
- Xem thêm: Chuyện “nấu cơm”
Đến khi, ào một cái, tin tức lan nhanh: Hộp xốp đựng cơm màu trắng tinh khôi đó có chứa chất nguy cơ gây ung thư!
Không nghe thì thôi, xưa nay ăn không sao, giờ lỡ nghe rồi, ăn cũng thấy ớn. Vậy là có ngay một bài báo trở lại chủ đề trở về thời cơm cà mèn, ngủ bàn!
Mà, ngay chính những người hô hào cũng không biết liệu những “con người của công việc” có thể duy trì cơm cà mèn đến bao lâu, bởi quen tiện nghi rồi, việc nấu nồi cơm buổi sáng và thêm thức ăn nữa đâu phải chuyện đơn giản.
Đó là chuyện người lớn đang đi làm. Với trẻ đi học càng… căng hơn khi mà giờ đây đầy rẫy tin tức về ngộ độc thực phẩm ở trường học, rồi sự lây truyền bệnh tả.
Cha mẹ giật mình nhìn lại việc cho tiền con cái. Chúng sử dụng vào mục đích gì không ngoài hai thứ chơi game và ăn quà vặt?
Tình trạng báo động đến mức Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh phải có công văn chỉ đạo các trường tiểu học phải đảm bảo nhà ăn trong trường tuân thủ đúng vệ sinh an toàn thực phẩm, văn minh, thân thiện.
Tiền bạc đâu phải chuyện dễ quản. Người quen cầm tiền rồi, một ngày không có tiền sao chịu nổi. Trẻ em cũng vậy thôi.
Mà chắc gì trẻ đã thích ăn trong nhà ăn của trường. Phía ngoài cổng trường, hết cóc xoài, ổi, me… đến mực tẩm, bò khô, gỏi, chè, nước ngọt đủ màu xanh đỏ… luôn hấp dẫn trẻ.
- Xem thêm: Đi đâu cũng nhớ cơm nhà
Một phụ huynh kể rằng chị không bao giờ cho con tiền bởi không muốn con tiếp xúc với tiền, hơn nữa sợ con ăn quà vặt bị đau bụng.
Một hôm, đón con hơi trễ, đến nơi chị thấy cháu và một bạn nữa đang chia nhau que đậu hũ chiên có rưới tương ớt. Cháu nói đói bụng, thấy bạn ăn thèm quá, xin bạn cho ăn.
Nhìn quanh, chị thấy một nhóm bạn chia nhau que đậu hũ hay cá viên chiên, xúc xích, bò viên… Thậm chí có một em đi theo năn nỉ bạn cho mút chút cây kem mà bạn đang cầm trên tay. Lại thấy có hai bé đang chia nhau ly nước ngọt có màu xanh đến sợ.
Một phụ huynh khác cho biết, một lần đến trường đón con, chị thấy con đứng một góc nhìn các bạn đang xúm vòng tròn chia nhau mấy miếng xoài chấm mắm ruốc. Con chị không dám tham gia vì mẹ không cho.
Lên xe, ngồi sau lưng mẹ, con thỏ thẻ rằng bữa nào mẹ mua xoài chấm mắm ruốc về nhà ăn, thấy bạn ăn mà thèm lắm! Chị nghe mà thắt lòng.
Chao ôi, tủ lạnh ở nhà không thiếu thứ gì, từ phô mai, sữa, yaourt, kem…, chỉ thiếu miếng xoài chấm mắm ruốc! Chị biết nếu có tiền trong tay, con chị chẳng ngại gì mà không mua thử món xoài đó!
Khi công việc ngày càng cuốn con người đi, nghề dịch vụ ăn uống càng phát triển bởi ai cũng có nhu cầu ăn nhanh.
Tuy nhiên, chính vì sự phát triển không đồng bộ mà bao nhiêu thủ thuật làm giả kiếm lời được áp dụng triệt để. Người ta không nề hà mánh lới, không cần quan tâm đến an toàn sức khỏe của người khác.
Đến một ngày, nhìn lại mới thấy mình đã nạp bao nhiêu chất độc vào người. Cha mẹ kỹ lưỡng quá thì con cái lúc nào cũng thấy thèm những thứ rất mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
Gà rán, khoai tây chiên, hamburger… ăn hoài, thường quá, không hấp dẫn bằng mấy thứ xanh xanh đỏ đỏ, cóc xoài, ổi, me…
- Xem thêm: Bữa cơm mẹ nấu
Đã có người giật mình và quyết tâm thay đổi, trở về nếp xưa. Và rõ ràng ai cũng thấy một điều là nếp xưa an toàn hơn, vệ sinh hơn, nhưng sao không thể ngon bằng hàng quán.
Cái chính ở chỗ bởi mọi thứ đã quen rồi, thay đổi nào cũng phải dần dần. Mẹ tập nấu ăn lại đi, tập nêm nếm cho ngon, chịu khó mua mấy thứ tầm thường giống bên ngoài cổng trường về chế biến.
Còn cha phải bớt đi ăn nhậu ngoài đường, chiều tối về nhà ăn cơm với vợ con. Xin nhớ rằng làm ra để hưởng thụ, để sống vui về già chứ không phải để nuôi bệnh. Đó mới gọi là chất lượng cuộc sống!