Từ thủ đô Hà Nội, vượt 120km theo quốc lộ 1A đến huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa, đi sâu vào dãy núi Tam Điệp du khách sẽ đến được động Bích Đào hay còn gọi là động Từ Thức. Đây là một thắng cảnh đẹp gắn với câu chuyện Từ Thức gặp tiên đầy thi vị.
Truyền thuyết kể rằng, Từ Thức vốn là quan tri huyện ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Một lần đi chơi hội, ông quan trẻ này đã cởi áo gấm giúp nàng Giáng Hương xinh đẹp thoát khỏi tình huống éo le.
Không lâu sau chàng từ quan đi ngao du đây đó. Một lần đến dãy núi Tam Điệp, Từ Thức gặp lại Giáng Hương trong động tiên ở núi này và hai người thành vợ chồng.
Sống với nhau được một năm, Từ Thức muốn về thăm nhà. Giáng Hương đồng ý và gài sẵn phong thư kín nói lời ly biệt.
Khi về đến quê, nhìn thấy tất cả đều đã đổi thay, Từ Thức hỏi một cụ già râu tóc bạc phơ thì mới biết cụ già đó thuộc hàng cháu chắt trong dòng họ của mình.
Ngày chàng ra đi, cha của cụ vẫn còn là một đứa bé. Thì ra một năm ở cõi tiên bằng một trăm năm dưới trần. Từ Thức muốn trở lại với vợ nhưng chẳng còn cơ hội. Trước cửa động tiên, dây leo chằng chịt đan kết…
Dãy núi Tam Điệp là một hệ thống hang động núi đá vôi với nhiều nhũ đá, từ xa nhìn như một lũy thành mà vào thời Quang Trung, núi đã nổi tiếng với tên gọi phòng tuyến Tam Điệp.
Trên sườn núi có một triền đất cao, cây cổ thụ sum suê bao quanh một ngôi miếu nhỏ. Đây được coi là vùng địa linh trước động Từ Thức.
Động Từ Thức gồm có hai phần. Phần động bên ngoài khá rộng, trần động hình vòm như một chiếc chén úp khổng lồ.
Phía dưới trần động có một nhũ đá tỏa xuống trông tựa như trái đào tiên nên động còn được gọi là động Bích Đào. Bên dưới là nền đá phẳng, nhẵn, vẫn còn sót lại vết tích đền thờ Từ Thức ngày xưa.
Bên vách động là những đụn nhũ thạch lấp lánh được ví như những kho chứa khác nhau: kho tiền là những chỗ thạch nhũ xanh nổi hình tròn từng lớp chồng lên nhau; kho vàng là những thỏi đá óng ánh màu vàng; kho muối là một quần thể thạch nhũ bé, trắng toát; kho gạo lại hấp dẫn hơn bởi những thỏi đá mịn màu nâu bạc…
Phần động bên trong là cả một không gian kỳ vĩ, bí ẩn. Tiếng nước nhỏ giọt tí tách. Vòm hang có vô vàn nhũ đá với muôn dáng vẻ, hình tượng nên được mang nhiều tên gọi như: rồng ấp trứng, bà tiên bán thuốc, rùa quỳ, voi phục…
Các nhũ đá liên tục nhỏ nước, khi bắt ánh sáng của đèn đuốc lại càng thêm lung linh. Tại đây còn có đàn đá, trống đá là những phiến nhũ đá mỏng, màu trắng ngà, rủ từ trần xuống.
Nếu cầm que gõ vào những thanh nhũ, mỗi thanh vang ngân lên âm thanh riêng. Trống đá có tiếng vang chẳng khác mấy tiếng trống làng quê và nhiều người ở cuối buổi du ngoạn thường gõ một hồi lên đó thay lời tạm biệt.
Đi sâu vào chút nữa, chếch về phía bên trái là vũng nước trong vắt, mát rượi, dưới đáy là những hòn cuội trắng, xinh.
Cạnh bên là ao bèo bằng đá với những lớp bèo cũng bằng đá, bồng bềnh điểm những chùm hoa trắng lục, rồi những nhũ đá hình thù ngộ nghĩnh.
Trong hang Từ Thức có khá nhiều ngóc ngách. Âm u, huyền bí nhất là “Ngách xuống âm phủ” – tên gọi của một cửa hang ăn sâu xuống lòng núi với những bậc đá gập ghềnh, tối tăm hun hút, lại nhiều lối rẽ ngang dọc khiến cho ai bạo dạn cũng chỉ xuống được vài bước rồi phải đi ngược trở lại.
- Xem thêm: Thẩm Váng: thạch động của người cô đơn
Tận cùng hang này là một dòng nước chảy xiết. Theo lời kể của người dân địa phương, trên vách hang nơi đây thường xuất hiện loài rắn có mào, to chừng cổ tay, trông rất đáng sợ nhưng lại không làm hại tới ai bao giờ.
Đi trong hang, thấy đây đó râm ran tiếng người cười nói, tiếng chân khỏa nước, tiếng nước chảy rả rích, thấy thấp thoáng những vầng ánh sáng di động bập bùng, ẩn hiện khiến cảnh quan vốn lô xô nhiều hình tượng lại càng giống như trong cõi mộng Từ Thức.