Tôi mới dọn về một căn hộ tuy thuộc dạng chung cư xây từ 20 năm trước nhưng khá khang trang và tiện đi làm, đi học. Nhưng không hiểu sao tôi thấy trong nhà mình rất ồn với đủ tiếng động vọng ra từ hàng xóm, từ trên lầu, rồi tầng bên dưới mở nhạc tôi cũng nghe thấy. Xin hỏi quý báo có giải pháp nào cách âm hiệu quả cho căn hộ không? Xin cảm ơn.
Mai Hòa (Q.10, TP.HCM)
Trước tiên phải xác định về mặt tâm lý là ở trong chung cư thì khả năng riêng tư yên tĩnh sẽ không thể chủ động được, vì vậy ở các nước tiên tiến luôn có các “luật về hành xử” riêng mà từng chung cư, từng khu nhà có thể xây dựng và áp dụng để các cư dân tôn trọng nhau, thỏa thuận ăn ở cùng nhau sao cho ổn thỏa và đảm bảo sự riêng tư của mọi người. Các chung cư cũ ở Việt Nam hiện nay do xây dựng xen lẫn trong khu dân cư nên khả năng bị ô nhiễm tiếng ồn khá cao. Dù vậy, mỗi gia đình, mỗi người vẫn có những cảm nhận khác nhau về độ ồn, nên giải pháp cách âm, chống ồn cho căn hộ cần tham khảo để xử lý.
Tiếng ồn nơi ở thường truyền qua hai hình thức là trong không gian và qua kết cấu. Ngoài những tiếng ồn qua loa nghe nhạc, tiếng người nói bên ngoài vọng vào… là truyền trong không gian, thì một số lớn các tiếng ồn còn lại là truyền qua kết cấu. Nhiều người hay nghĩ là nếu làm kết cấu dày và đặc chắc thì cách âm tốt hơn, nhưng thực tế và khảo sát âm học chứng minh là tiếng ồn truyền qua kết cấu đặc chắc sẽ dễ hơn truyền qua không khí (ví dụ nhà tầng trên kéo bàn ghế nhưng ta nghe rất rõ và thấy như rất gần, hoặc dân du mục áp tai xuống đất có thể nghe thấy tiếng bầy ngựa chạy từ rất xa đang đến, dù trong không gian có thể chưa nhìn thấy hay nghe thấy gì cả). Vì vậy với tiếng ồn truyền qua không gian thì dùng cách bịt kín để giảm bớt. Còn với tiếng ồn truyền qua kết cấu thì dùng vật liệu cách âm và bố trí khoảng trống hợp lý để ngăn tiếng ồn lan truyền, cụ thể như sau:
– Sử dụng hệ thống vách hay cửa cách âm như vách thạch cao hai lớp có khoảng trống nhồi vật liệu cách âm ở giữa (như bông, sợi thủy tinh, mút xốp…), cửa kính hộp hút chân không có joint cách âm kín tại các khe tiếp giáp.
– Tạo các lớp vách và trần có bề mặt không song song, với khoảng rỗng ở giữa và đảm bảo không có khe hở rò rỉ âm, đây là cách mà các phòng thu âm thường hay làm, với các bề mặt vách có bề mặt gồ ghề hoặc mút xốp, cửa kính đặt so le nhau. Những không gian đệm trước khi vào nhà hay vào phòng với cửa và vách cách âm như trên cũng khá hiệu quả, tuy nhiên phải bố trí khéo để không tạo cảm giác ngăn chia chật chội.
– Dùng thảm trải sàn, liên kết kỹ thảm với tường cũng giúp cách âm tốt, nếu dùng sàn gỗ thì nên là loại có trải lớp xốp đàn hồi bên dưới lớp gỗ. Tại vị trí tiếp giáp giữa cửa và sàn phải có lớp đệm cao su, nẹp chỉ chuyên dụng nhằm cách âm triệt để.
– Các vị trí có khoét lỗ ở trần và tường như ổ cắm, máng đèn, hốc thông gió, ống máy lạnh… cũng nên lưu ý vì đây cũng là nơi rò rỉ tiếng động, nhất là ở bề mặt có tiếp xúc với nguồn gây ồn.
Dù theo cách nào, gia chủ cũng cần nhờ các chuyên gia khảo sát kỹ thực tế để kiểm tra nguồn gây ồn và tìm ra nguyên nhân khắc phục. Các cơ sở cung cấp thiết bị âm thanh và trang trí nội thất cho rạp hát tại gia, phòng nghe nhạc… cũng có thể giúp tư vấn, xử lý được vấn đề này.
D11, đường 5A, khu dân cư Him Lam, P. Tân Hưng, quận 7, TP.HCM