Với tên gọi “Ngôn ngữ hình ảnh: Triển lãm tranh đương đại Hungary và Việt Nam”, triển lãm khép lại một năm hoạt động của Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (97 Phó Đức Chính, Q.1, từ 19-12 đến 28-12-2018) xứng đáng là một bữa tiệc thị giác chất lượng cao khi đem đến cho người xem nhiều tác phẩm đặc sắc của các nghệ sĩ đương đại hai nước Hungary và Việt Nam. Trước đó, triển lãm này đã ra mắt công chúng thủ đô tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ 23-11 đến 2-12-2018.
Trong lời giới thiệu triển lãm, bà Márta Simonffy – Giám đốc Hiệp hội Nghệ sĩ hội họa và Mỹ thuật ứng dụng Hungary viết: “Có lẽ có rất nhiều phong cách và khuynh hướng biểu đạt nghệ thuật, nhưng người nghệ sĩ sẽ luôn phản ảnh những khoảnh khắc thời gian và những truyền thống đã nuôi dưỡng anh ấy.
Tuy nhiên, nghệ thuật đương đại có chung rất nhiều quy ước, đặc điểm và ý nghĩa song song không phụ thuộc vào chính khoảnh khắc hay nơi mà tác phẩm nghệ thuật được tạo ra”, và “Bất luận sống ở nơi đâu, người nghệ sĩ đều cùng sử dụng ngôn ngữ của sáng tạo, đó là ngôn ngữ phổ quát toàn cầu để biểu đạt ý tưởng và cảm xúc. Một ngôn ngữ chung như vậy của các nghệ sĩ sẽ tạo nên một tấm gương để nhìn vào đó, chúng ta có thể nhận thức thế giới của mình”.
Có thể thấy sự phong phú về mặt tạo hình và chất liệu để 12 tác giả đến từ Hungary và 10 đồng nghiệp của họ tại Hà Nội thể hiện tư duy thẩm mỹ đương đại qua hơn 40 tác phẩm tại triển lãm. Tất cả phản chiếu một thế giới phẳng về mặt nghệ thuật, ở đó, nói như họa sĩ Lương Xuân Đoàn – Phó chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam, các họa sĩ trong nước đã “tự tin và cởi mở” để hội nhập vào dòng chảy nghệ thuật tạo hình đương đại sau ba thập niên đổi mới và mở cửa.
Nói cách khác, tranh của Lý Hùng Anh, Nguyễn Công Cừ, Đặng Xuân Hòa, Đặng Thu Hương, Hà Mạnh Thắng, Lê Thừa Tiến, Lê Quý Tông, Vũ Trung, Nguyễn Đình Hoàng Việt và Nguyễn Đình Vũ đã làm nên một “cuộc gặp gỡ đẹp đẽ, ấm áp” với tác phẩm của các họa sĩ đến từ Đông Âu, gồm: Barabás Zsófi, Bikácsi Daniella, Csurka Eszter, Illényi Tamara, Jovián György, Kovács Lola, Lévay Jen, Mayer Berta, ry Annamária, Szotyory László, Várnay Gyula và Vécsey Gábor. Bởi “Không còn những khoảng cách xa lạ về ngôn ngữ, chất liệu và khuynh hướng sáng tác. Quốc gia nào cũng có câu chuyện vui buồn muôn thuở của xã hội đương đại và số phận con người trong cõi nhân gian đâu có khác gì nhau” (Lương Xuân Đoàn).
Dẫu còn nhiều khác biệt chung quanh định nghĩa, định dạng, định tính thế nào là tranh đương đại (contemporary art) như tên gọi của triển lãm, có thể thấy sự khác biệt khá rõ của phòng tranh Hungary – Việt Nam này so với nhiều triển lãm khác đã có mặt tại TP. Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung thời gian gần đây. Những tác phẩm của Lê Thừa Tiến là ví dụ cụ thể, dù hai bức Phản chiếu 4, Phản chiếu 8 của anh được ghi là sơn mài, thế nhưng cả hai không khác gì tác phẩm điêu khắc về dạng thức (form) lẫn tạo hình.
Hoặc các tranh Đông tàn đa chất liệu với cấu trúc bề mặt phức tạp của Hà Mạnh Thắng, hay bộ ba tác phẩm của Nguyễn Đình Vũ (Giai điệu mùa xuân, Xanh và trắng # 1 – 2) mở rộng biên độ của các thực thể được cấu thành trong tranh. Tranh sơn mài trên gỗ của Đặng Thu Hương (Biển, Vườn 1, Vườn 2) và bộ ba tác phẩm của Vũ Đức Trung (Thời gian bị lãng quên) đã không còn gần với những quy ước của thể loại tranh được coi là “truyền thống Việt”…
Về phía bạn, tranh cực thực của Jovián György (Sử gia nghệ thuật Brigitta Muladi) hay những cách biểu hiện sự vận động trong không gian hai chiều trong tác phẩm của Csurka Eszter (Không đề), Kovács Lola (Nửa chặng đường), Szotyory László (Thác nước lớn) hoặc chỉ là bố cục tạo hình trong tranh Barabás Zsófi (Bình minh, Nghệ thuật xếp giấy)… cho người xem thấy được phần nào khung cảnh hội họa đương đại của Hungary. Đặc biệt là ba tranh in phun harmonogram trên lá nhôm bọc nhựa của Lévay Jen (Thương nhân trong nhà tắm 3, 4, 6) và tranh in thấu kính (lenticular printing) nhìn “một thành hai” của Várnay Gyula (Bức thư của Tadjana, Hình ôtô nhỏ trên cây) có lẽ lần đầu tiên được biết đến tại Việt Nam.
Các triển lãm như “Ngôn ngữ hình ảnh: Triển lãm tranh đương đại Hungary và Việt Nam” đem đến cho người xem những trải nghiệm cần thiết để hiểu thêm về nghệ thuật tạo hình đương đại, và như lời giới thiệu của bà Márta Simonffy thì “Nghệ thuật trao cho mỗi người chúng ta những món quà cảm xúc và cảm thức về cái đẹp theo một cách thức được kiến tạo đặc trưng, thậm chí trải nghiệm này cần một sự giải mã rất khác biệt với những bối cảnh thường nhật”.