Bếp truyền thống hiện nay đã được nâng tầm phong phú nhờ công nghệ và vật liệu hiện đại. Nhưng theo thời gian đã xuất hiện không ít các dạng bếp “biến thể” khá phong phú đến mức khó phân định rạch ròi, nhiều khi khiến không ít gia chủ băn khoăn: Làm sao để hợp phong thủy, làm sao bếp biến thể vẫn là bếp việt ấm cúng? Câu trả lời nằm ở chỗ cần hiểu và xử lý đúng các biến thể của bếp.
Mọi không gian đều vận động, khác biệt theo thời gian. Điều kiện cư trú thay đổi dẫn đến quan niệm về ngôi nhà đổi thay tùy từng khu vực, nhóm dân cư và mức sống.
Nếu thuở trước chỉ có dạng bếp trong nhà ở nông thôn và nhà ống nơi phố thị, thì nay đã có rất nhiều loại hình bếp khác nhau tương ứng với dạng nhà của thế hệ gia chủ ngày càng phong phú về quan niệm sống, đa văn hóa và đa nhu cầu.
Phong thủy dù là các quy ước tồn tại qua nhiều thế hệ mang tính văn hóa ứng xử sao cho vừa cho hợp, nhưng cũng chịu nhiều “sức ép” bởi các biến đổi đó. Có thể xem xét “bếp biến thể” theo một số dạng thức cơ bản dưới đây.
Biến thể về vị trí và công năng
“Nhất vị nhị hướng” là nguyên tắc phong thủy cơ bản khi bố trí các thành phần không gian. Vị trí bếp xưa thường ở sau nhà, nơi khuất gió, không lộ Táo khẩu… thì nay trước sức ép sử dụng mặt bằng cho kinh doanh đã đưa bếp lên lầu thượng, vào giếng trời, lọt giữa khoảng thông tầng, thậm chí đặt bếp ngay mặt tiền trên lầu… vị trí nào cũng có lý do và đòi hỏi gia chủ lẫn nhà chuyên môn phải xoay xở.
Phong thủy hiện đại cũng khá “nhập gia tùy tục” khi nhiều nhà làm cả bếp chính và bếp phụ, bếp để chưng và bếp nấu chính.
Hầu như không còn các quan niệm cứng nhắc kiểu chống chỉ định cho vị trí đặt bếp nữa, bởi các không gian khác cũng biến đổi mạnh mẽ, và bếp nay khá tiện dụng đẹp đẽ, xứng đáng để khoe hơn là che như kiểu “xó bếp xưa”.
Sự phát triển về thiết bị làm bếp cũng giúp bếp nay chỉ cần vài mét vuông mà vẫn đủ công năng. Các gia đình nhỏ tách ra riêng có thể dùng chung bếp với đại gia đình, hoặc tùy theo hoàn cảnh mà làm bếp riêng.
Nhưng dù có phân chia đến đâu thì bếp vẫn cần xếp đặt theo hướng và vị trí hợp mệnh tuổi chủ nhân, xem xét Cát Hung như một gian bếp độc lập.
- Xem thêm: Từ nấu đến ăn
Nguyên tắc chính phụ được áp dụng, cụ thể là với bếp cho cha mẹ ông bà thì tính theo hướng mệnh trạch của bậc phụ mẫu, là bếp chính, còn bếp riêng cho con cháu thì tính mệnh trạch theo tuổi con, tuổi cháu, cứ thứ tự mà tách, không lẫn lộn gộp chung, không lấn át hay nhập nhằng.
Với nhà phố hẹp dài thì có thể đổi vị trí giữa bếp và phòng người già (nếu có) nhằm đưa khu bếp ăn lên khoảng giữa nhà. Dạng bố trí này có thể kết hợp với Thiên tỉnh (giếng trời) là nơi Dương khí khá thịnh để thoát khói mùi và làm thoáng sáng cho bếp.
Còn bố trí bếp trên lầu có thể gây bất tiện cho việc lên xuống hằng ngày với người cao tuổi, nhưng bù lại sàn bếp được cao ráo và tăng diện tích phụ trợ cho tầng trệt vốn cần ưu tiên hơn cho không gian dịch vụ, để xe… và thang máy gia đình dần phổ biến nên việc leo lầu không còn là vấn đề nữa.
Bếp trên lầu thượng được liên hoàn với phòng thờ, sân giặt phơi… sẽ rất tiện dụng trong sinh hoạt thường ngày cũng như khi nhà làm đám giỗ, dịp lễ tết cần nấu nướng và giao tiếp nhiều.
Biến thể về đối tượng và phong cách
Dĩ nhiên bếp thay đổi vị trí thường do chủ quan của gia chủ và các điều kiện nhân khẩu. Bếp cho người già sớm hôm nấu nướng sẽ khác so với bếp của người trẻ thiên về sử dụng như quầy pha chế, ăn nhanh hoặc thậm chí là… góc sống ảo.
Bố trí bếp cho khách dùng trong điều kiện homestay sẽ khác với bếp dân dã nơi nhà vườn. Tùy đối tượng ưa chuộng mà có bếp mở hay bếp đóng, và cũng vì đối tượng sử dụng thay đổi nhân khẩu (cha mẹ già đi, con cái lập gia đình) mà phong cách bếp cũng khác nhau, thậm chí trái ngược hoàn toàn về chất liệu và nội thất bếp.
Người trẻ ưa dạng hitech và sáng sủa hiện đại, trong khi lứa trung niên trở lên lại thiên về kiểu cổ điển. Rồi bếp ta và bếp tây, bếp chung cư khác bếp nhà ống… là những biến thể phổ biến của bếp khi biến đổi theo đối tượng, dẫn đến phong cách bếp khác nhau rõ rệt.
Về phong thủy, việc xem xét lựa chọn kiểu dáng, màu sắc bếp theo mệnh ngũ hành là một cách thức quen thuộc, tuy nhiên Ngũ hành Tương sinh theo không gian vẫn quan trọng hơn theo mệnh tuổi. Cụ thể bếp có tính Hỏa là chính, nên có thể sử dụng màu xanh (Mộc), màu đỏ sậm hoặc cam (Hỏa) và màu vàng (Thổ) là bộ ba tương sinh.
- Xem thêm: Bếp Đông bếp Tây, xưa nay dung hòa
Gần khu vực nấu nên là màu sáng để dễ làm vệ sinh nhưng đừng chói chang quá sẽ thấy kích thích, nóng nực. Bàn ăn thì nên chọn màu tươi, tránh các màu xám, xanh đen hoặc tím dễ làm biến sắc thức ăn, không kích thích tiêu hóa.
Màu gạch, đá mặt bếp hoặc tủ cũng nên cân nhắc khi dùng gam màu toàn trắng (tượng trưng cho Kim, bị Hỏa khắc) sẽ dễ bị ố vàng trong điều kiện nấu nướng nhiều dầu mỡ.
Cho dù gia đình thời nay vẫn thích bếp kiểu xưa thì có thể xử lý chất liệu tương đồng không gian người cao tuổi (cũng như không gian tâm linh), tức là yếu tố Thổ nổi trội, Thủy Hỏa tương giao, giảm Kim tăng Mộc, bớt đi tính máy móc công nghiệp, thêm vào yếu tố gỗ, đá và cây xanh để đem lại cảm giác dân dã, tự nhiên.
Biến thể về kỹ thuật
Bếp xưa vốn không chủ động về kỹ thuật nên hay ô nhiễm và nhếch nhác, bếp nay thì ngược lại, các trang thiết bị phục vụ quy trình nấu nướng luôn được cập nhật và cải tiến khá hiệu quả.
Tuy nhiên vẫn cần lưu ý phong thủy về mặt khí hậu để giảm tác động mùi, khói của bếp truyền sang phòng khác. Do đó nếu bếp trong nhà ống mà nằm ở đầu hướng gió thì nên có vách ngăn, hoặc đóng cửa để chỉnh luồng khí.
Muốn biết các vùng tốt xấu (cát hung) trong không gian thì cần phải hiểu tính chất sinh hoạt và đặc tính sử dụng của không gian đó.
Trong phòng bếp, chỗ đặt bếp nấu là Hung (vì tỏa ra khói bụi, hơi nóng) nhưng vùng trước mặt bếp là Cát, bồn rửa chén là Hung còn bàn soạn thức ăn là Cát, quầy bar thuộc Cát trong khi sàn nước thuộc Hung.
Tủ lạnh là một dạng kho chứa đồ ăn nên phần Tọa (sau lưng) của tủ là Hung (thường có hệ thống điện, tỏa nhiệt nhiều) trong khi mặt trước tủ là Cát. Định vị rõ sẽ giúp bố trí được các vị trí tốt cho Cát, vị trí khuất cho Hung.
Các căn hộ chung cư thì hay đặt khu bếp gần cửa ra vào, tuy có lợi thế là dành diện tích thông thoáng chiếu sáng ngoài ban công, cửa sổ cho phòng khách, phòng ngủ, nhưng đồng thời cũng bộc lộ nhược điểm là vừa bước chân vào nhà đã gặp ngay bếp, và khả năng thoáng sáng tự nhiên cho khu vực này thường bị kém.
Có thể khắc phục bằng cách bố trí các hộp gen nối với ống kỹ thuật để thông gió cưỡng bức cho bếp, đồng thời xử lý vách ngăn di động (nhôm, kính, gỗ) để lúc đun nấu nhiều có thể ngăn cách bếp với không gian bên ngoài.
Dùng vách di động hay tủ đa năng còn giúp che chắn tầm nhìn khi khách vào nhà và tạo một khoảng đệm cần thiết với những căn hộ có diện tích nhỏ.
Biến thể gì cũng cần bếp ấm cúng
Trong quá trình sinh hoạt, những góc ấm cúng rất cần thiết để tạo lập không khí thân mật và hài hòa về Nội khí mà đôi khi làm trang trọng, cầu kỳ chưa chắc đã tạo được. Điều này thể hiện mối quan hệ giữa con người và sinh môi bao cảnh mà căn cứ theo Âm Dương – Ngũ hành và điều kiện cụ thể của mỗi nhà để phối kết.
Dẫu cho bếp biến chuyển sâu sắc theo phát triển công nghệ, thì nơi ăn uống và nấu ăn vẫn là tâm điểm của đối nội lẫn đối ngoại.
Trong định vị Cát Hung theo la bàn, sau các cung quan trọng dành cho hệ thống cửa (Môn) và tọa hướng chủ nhân, thì bàn ăn, quầy bar hay khoảng soạn rửa trong bếp là những vùng Trường khí chuyển tiếp, không quá thiên về Âm hay Dương, nên đóng vai trò “giảm tải” cho không gian chính rất hiệu quả.
Những góc thân mật này chỉ cần bài trí đơn giản, lấy yếu tố tiện dụng làm chủ đạo, nằm tại vùng chuyển tiếp công năng, thường không quá câu nệ hình thức.
Với nhà nhỏ hay căn hộ thì bếp cũng thường hay liên hoàn với phòng khách với các chức năng sinh hoạt và nơi ăn uống.
Vì vậy, bếp ấm cúng tương ứng vật dụng và chức năng bổ trợ khi cần, như bộ bàn xếp mở ra lúc thêm khách, hoặc khoảng hiên nhỏ vừa làm chỗ phơi đồ vừa giúp phụ trợ cho việc làm bếp (rửa, nướng nhiều khói, mùi).
Có thể nhà không rộng nhưng sẽ cần một góc nhỏ kê bộ bàn ghế nhâm nhi hàn huyên, gắn kết tình thân, ít gây vướng bận cho không gian chính.
Suy cho cùng thì mọi giải pháp phong thủy cũng chỉ nhằm tạo nên không khí gia đình vui vẻ, kết nối các thành viên mà nơi ẩm thực là chỗ rất quan trọng.
Một ngôi nhà đúng nghĩa hài hòa phong thủy thì luôn không thể thiếu một gian bếp gọn ghẽ, ổn định, cũng như những góc ẩm thực quây quần, an nhiên.
– Ảnh Xuân Trang