Không chỉ phản ánh kích thước, bố cục, đặc tính không gian, hoa còn thể hiện tình cảm của chủ không gian đó. Cũng như nội thất, sáng tạo hoa cần có nền tảng. Nếu một nhà thiết kế hoa cho rằng mình có thể “làm mềm” bất kỳ không gian nội thất nào thì một nhà thiết kế nội thất nghĩ gì khi quyết định theo đuổi công việc thiết kế hoa như một nghề thứ hai?
Hãy nghe nhà thiết kế nội thất Lê Duy Linh, người sáng lập thương hiệu hoa Bella Flora chia sẻ những suy nghĩ của anh về hoa và nghề làm hoa.
Giữa một rừng các shop hoa đủ cấp độ hiện nay, anh cảm thấy Bella Flora có gì đặc biệt?
Shop hoa nhiều nhưng đầu tư mỹ thuật không nhiều. Tất nhiên, mỗi shop đều có thế mạnh riêng, có thể là giá, hoa nhập, dịch vụ, hay thế mạnh là đối tượng khách hàng công ty hoặc event v.v… Thế mạnh của Bella Flora là thẩm mỹ, là tính mỹ thuật của từng sản phẩm. Hoa mà tôi chọn có thể không đặc biệt nhưng được chăm chút từ cấu trúc đến phối màu. Tiêu chí của tôi là khách hàng không phải tốn quá nhiều tiền cho một sản phẩm đẹp.
Với thẩm mỹ của một nhà thiết kế nội thất, anh quan niệm thế nào là một sản phẩm hoa đẹp?
Tiêu chí của tôi là “đại chúng nhưng đẹp”.
Thị trường hoa hiện nay đang chia làm ba cấp: cao cấp, trung cấp và bình dân. Cao cấp thường là có ý tưởng (concept) đặc biệt sang trọng (luxury), chủ yếu dành cho event, tiệc private party. Một số thương hiệu thì chú trọng dòng hoa cao cấp nhập từ nước ngoài. Số khác lấy thế mạnh giá vừa phải, dễ tiếp cận. Hoa của tôi chắc chắn sẽ không cạnh tranh với hoa chợ. Không bình dân, đương nhiên, nhưng cũng không cao cấp, đắt đỏ. Khách hàng của tôi do đó sẽ là phân khúc trung cấp, những người có thẩm mỹ và quan tâm đến tổng thể của một thiết kế hoa chứ không chỉ bông hoa đẹp.
Tôi muốn tạo nên những sản phẩm hoa có đầu tư chất xám. Với tôi, thiết kế hoa cũng gần giống như thiết kế nội thất. Người ta nghĩ một công trình ít tiền thường khó đẹp nhưng đa phần cái “khó đẹp” đó là do không tìm được kiến trúc sư có tâm, để đầu tư “tính thiết kế” cho nó. Giá không phải là yếu tố quyết định một bó hoa đẹp đến mức độ nào. Đẹp vẫn có thể có được với chi phí tương đối.
Chẳng phải “bán ý tưởng chứ không chỉ bán bông” nếu xuất phát ở tầm cao cấp thì sẽ càng dễ dàng sáng tạo hơn sao?
Đúng vậy. Chắc chắn bước tiếp theo mà tôi nhắm đến sẽ cao cấp nhưng chưa phải thời điểm này. Vấn đề của tất cả thương hiệu, dù ở bất kỳ lĩnh vực ngành hàng nào, là tiếp cận khách hàng. Muốn tiếp cận khách hàng cao cấp thì phải khẳng định được giá trị thương hiệu, mà điều này cần có thời gian. Trong khi đó, nhóm khách hàng trung bình khá rất đông. Họ cũng có cùng thẩm mỹ với tôi.
Nói cho dễ hiểu là tôi muốn có nhóm khách hàng Ikea cho Bella Flora. Bạn thấy đó, Ikea là thương hiệu đồ nội thất có giá phải chăng và lượng khách hàng rất đông. Dĩ nhiên, chất lượng Ikea không phải cao cấp. Nó là thương hiệu đồ nội thất đại chúng nhưng cái họ muốn là những người bình dân vẫn có thể có được những sản phẩm đẹp.
Vậy anh chọn nguyên liệu thế nào để sản phẩm của anh vừa thể hiện được ý tưởng riêng biệt vừa không đắt đỏ?
Giống như thiết kế nội thất, với tôi, hoa cũng như gạch, chỉ là nguyên liệu. Gạch gì, ở đâu cũng là gạch, tùy thiết kế mà chọn loại gạch nào để công trình được đẹp mà thôi. Tương tự, hoa nào cũng vậy, đặc biệt là ở thị trường nước mình hơi hạn chế về chủng loại hoa. Nếu là người thích hoa, bạn sẽ nhận ra Việt Nam không có nhiều giống, chủng, loại hoa đa dạng phong phú như nước ngoài. Nhưng cũng chính vì sự hạn chế này mà tôi đặt thế mạnh thiết kế đẹp lên trên nguyên liệu đẹp bị hạn chế.
Thường cái gì có tính thiết kế cũng đi theo trào lưu, hoa của anh có như vậy?
Không. Vì hoa có trào lưu, xu hướng thường liên quan đến màu sắc nhiều hơn chủng loại. Điều này dễ dàng xảy ra với thị trường nước ngoài chứ thị trường nội địa không bị ảnh hưởng. Và tôi cũng không muốn áp đặt cho khách hàng của mình phải theo một trào lưu nào đó.
Tôi quan niệm thời trang là hướng ngoại, còn hoa là hướng nội. Người ta chạy theo thời trang vì muốn được bên ngoài công nhận; hoa thì lại chứa đựng nhiều tình cảm cá nhân trong đó. Hoa là cho bản thân, kể cả dùng để tặng thì cũng thiên về tình cảm ẩn chứa bên trong của người được tặng. Nó là sở thích tự thân. Tại sao người ta thích đi chợ hoa? Vì chợ không bán cái mà chợ thích, rồi bắt người ta phải chọn theo. Người Việt thưởng thức hoa theo thói quen hoặc theo ý thích cá nhân. Người ta chỉ mua loại hoa, màu hoa theo sở thích của mình hoặc sở thích người được tặng, chứ chưa coi hoa là thời trang để thay đổi như xu hướng tiêu dùng. Do vậy, thời trang hoa nếu có chỉ thể hiện ở các event, party.
Đó là chưa kể, thị trường hoa nước ta chưa phát triển về giống hoa lẫn tư duy, còn giới hạn rất nhiều, không thể tạo trào lưu được. Nước ngoài có trào lưu là do những người trồng hoa liên kết với nhau, cùng tạo ra giống hoa mới, màu hoa mới, nhằm tạo ra xu hướng, gây sự chú ý. Những người trồng hoa, chơi hoa ở nước ta chưa có sự liên kết để tạo ra trào lưu như vậy.
Vì vậy mà tôi chủ trương làm hoa theo cách “cái gì người ta thích thì mình làm cho nó đẹp hơn”.
Nếu ra chợ chọn hoa, điều này đúng. Còn khi đã nhờ một shop hoa tạo ý tưởng, người ta thường mong chờ cái gì đó khác biệt…
Như tôi đã nói, thông điệp của hoa là tình cảm cá nhân, dù người ta mua hoa ở đâu – chợ, vườn hay shop.
Ví dụ thế này, mẹ bạn chỉ thích hoa màu vàng. Bạn đặt tôi làm một bó hoa cho mẹ của bạn. Vậy thì việc của tôi là làm sao cho hoa có màu vàng đẹp hơn. Bạn có biết, bất kỳ dịp gì, dù là ngày 8-3 hay Lễ Tình nhân, hoa hồng luôn được đặt với số lượng lớn? Trong tư duy và thị hiếu của người Việt, hoa hồng là loại hoa thể hiện tình cảm. Điều này không có đúng cũng không có sai, không thể nói là quê mùa hay cổ điển.
Tôi cho rằng cực đoan trong sáng tạo hoa là không nên và cũng không đúng đắn. Việc của người làm hoa là thể hiện được tình cảm cá nhân của khách hàng. Ý tưởng xuất sắc là thể hiện được tình cảm, chứ không phải số lượng hoa. Bởi hoa vốn không có nhiều.
Tuy nhiên, bất cứ sự sáng tạo nào cũng có nền tảng. Hoa cũng vậy, cấu trúc, màu sắc, layer… đều cần được áp dụng theo từng yêu cầu cụ thể. Công nghiệp hoa của nước ta chưa phát triển, nên người Việt chưa có ý niệm xem làm hoa là một nghề sáng tạo. Đại đa số xem hoa chỉ là một mặt hàng. Tôi muốn – bằng sự tôn trọng tình cảm của khách hàng – thay đổi cách suy nghĩ này. Làm hoa là một dịch vụ sáng tạo cái đẹp. Làm hoa đẹp cũng là một công việc cần đến chất xám. Tối muốn chất xám của mình giúp mọi người có cơ hội tiếp cận với cái đẹp dễ dàng hơn.
Anh chọn loại hoa nào để làm dấu ấn riêng của Bella Flora?
Tôi không muốn khách hàng nhận diện Bella Flora là cửa hàng bán một loại hoa đặc trưng nào đó. Mỗi loại hoa đều có vẻ đẹp và sự sang trọng của riêng nó.
Với nhiều người Việt, cái gì là hàng nhập ngoại cũng quý, nhưng với tôi, cái gì có sẵn, truyền thống, bình thường mà mình làm cho nó đẹp hơn thì mới là thách thức.
Nếu chiều chuộng ý thích bản thân, anh chọn hoa nào?
Hoa đặc biệt với tôi là những loại hoa truyền thống của Việt Nam, như thược dược, loa kèn Hà Nội, violet, hồng Đà Lạt… Mỗi loại hoa có vẻ đẹp riêng nhưng những loại có vẻ đẹp tự thân thì còn có tính văn hóa nữa. Sự thay đổi văn hóa của thế hệ thường phản ánh qua cách chơi hoa. Những loài hoa bản địa được người Việt yêu thích theo thời gian hẳn nhiên có giá trị tự thân của nó.
Cũng như thiết kế nội thất, những nguyên liệu địa phương luôn tạo ra những sản phẩm đặc biệt. Tôi thích những bông cúc trồng ở quê như cúc rẫy, cúc đất… Bản thân hoa cúc không bao giờ rụng, bình thường nhưng rất đẹp. Biết cách “làm hoa” sẽ giúp cho bó hoa nổi bật hơn, giá trị hơn. Đây là điều khiến tôi thích thú khi suy nghĩ đến việc thiết kế hoa; chứ sử dụng hoa sang trọng, đẹp sẵn rồi thì dễ quá, vì làm kiểu gì cũng đẹp hết.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này. Chúc Bella Flora sẽ như mong muốn của anh, đó là giúp mọi người có cơ hội tiếp cận với cái đẹp dễ dàng hơn.
- Ảnh Hải Đông