Peru nổi tiếng vì không chỉ là quê hương của con đường mòn Inca hay thánh địa Machu Picchu huyền bí, mà còn do sở hữu vẻ đẹp vô cùng hoang sơ, kỳ vĩ. Nơi đây chính là cái nôi văn hóa cổ đại nhưng tiên tiến bậc nhất của đế chế Inca. Vì vậy, đã nhiều năm qua, du khách yêu thích phiêu lưu mạo hiểm luôn tìm đến xứ sở này để khám phá những điều bí ẩn.
Sau khi đã làm quen với thủ đô Lima – “thành phố của các hoàng đế”, nơi pha trộn giữa kiến trúc hiện đại và những nét văn hóa truyền thống, chúng tôi đến Arequipa, điểm dừng chân thứ hai trong chuyến thăm Peru.
Cố đô ở phía nam
Từ Lima, có thể đến Arequipa theo hai cách. Để vượt qua quãng đường khoảng 1.020km, có thể đi xe bus của hãng Cruz del Sur từ 3 giờ rưỡi chiều hôm trước và đến nơi vào 9 giờ sáng hôm sau. Hãng này được đánh giá là có chất lượng dịch vụ cao, có thể sánh ngang với hàng không. Nhưng vì đường đi chủ yếu là đèo dốc, mà nghe nói các bác tài lái xe “khá điệu nghệ”, khiến nhiều du khách cứ bị thót tim nên chúng tôi chọn phương tiện máy bay cho yên tâm.
Sau khoảng hai giờ bay, từ trên cao nhìn xuống, Arequipa đúng là một thung lũng tươi đẹp được ôm trọn bởi ba ngọn núi lửa cao chót vót mang tên Chachani, El Misti và Pichu Pichu. Nằm ở độ cao 2.335m so với mực nước biển, dưới chân ngọn núi lửa El Misti tuyết phủ trắng xóa thuộc dãy Andes, Arequipa là thành phố lớn thứ hai của Peru. Khí hậu nơi đây khá mát mẻ nên du khách có thể đến tham quan vào bất cứ mùa nào trong năm.
Được thành lập vào năm 1540, trong thời kỳ thuộc địa, Arequipa đóng vai trò rất quan trọng đối với sự thịnh vượng của nền kinh tế mẫu quốc Tây Ban Nha. Năm 1821, sau khi giành độc lập, Arequipa được chính quyền mới chọn là thủ đô của Peru và ngôi vị ấy tồn tại từ năm 1835 đến năm 1883. Thời đó, cả vùng này phát triển nhờ dịch vụ du lịch và ngành công nghiệp nhẹ, chủ yếu sản xuất các mặt hàng từ len alpaca để xuất khẩu. Arequipa cũng là trung tâm giáo dục và đào tạo quan trọng ở miền Nam Peru, đặc biệt là có tới 15 trường đại học.
Hôm chúng tôi “chạm ngõ”, bầu trời Arequipa rực rỡ, xanh thăm thẳm. Những con phố nhỏ, những tòa nhà cổ kính với kiến trúc hết sức độc đáo được xây từ sillar (phiến đá màu trắng hình thành sau những trận núi lửa) đã giúp Arequipa có biệt danh “thành phố trắng”. Đó cũng là lý do thành phố này được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Những khu phố cổ với từng khối nhà đều đặn, cửa hướng ra đường lát đá, phía trước có khoảnh sân nhỏ được chủ nhà chăm sóc công phu.
Đi bộ lang thang trong khu vực trung tâm quả là khá dễ chịu. Vẻ cổ kính và yên bình nơi đây khiến lòng du khách cảm thấy nhẹ nhõm. Arequipa là thành phố giàu có, nhưng sự chênh lệch giàu – nghèo cũng rất rõ. Bên cạnh những khu biệt thự kín cổng cao tường là nhiều khu nhà lụp xụp. Có lẽ vì thế mà lực lượng bán hàng rong ở đây cũng rất đông. Họ bán đủ thứ mặt hàng, phục vụ cho cả người địa phương lẫn khách du lịch.
Đến khu chợ nhỏ trước khi vào trung tâm quảng trường rất náo nhiệt, một cảnh nhộn nhịp bày ra trước mắt chúng tôi. Nào là các mặt hàng lưu niệm đặc trưng của Peru, nhiều loại bánh nướng bên cạnh quầy bán món tim alpaca xiên que, ướp hương vị, khi nướng thơm nức mũi.
Di sản kiến trúc thuộc địa
Quảng trường trung tâm Armas được xây dựng vào năm 1540, toàn một màu trắng lấp lánh trong ánh nắng. Phía bắc của quảng trường là nhà thờ Arequipa, phía đông nam là nhà thờ La Compañía, phía tây nam cũng lại một nhà thờ nữa mang tên Our Lady of Mercy. Giữa quảng trường là một đài phun nước bằng đồng. Phía xa là ngọn núi lửa El Misti cao 5.825m vốn được xem là nguy hiểm nhất trong số năm ngọn núi lửa đang còn hoạt động ở nước này.
Nhà thờ Arequipa là một trong những nhà thờ nổi tiếng nhất của Peru và cả khu vực Nam Mỹ, được xây dựng bằng nham thạch màu trắng ngay sau khi quảng trường Armas ra đời, sừng sững chiếm hết một phía của quảng trường. Nhà thờ này mang phong cách kiến trúc tân cổ điển pha trộn Gothic. Mặt tiền được trang trí bằng 72 cột theo kiểu Corinth. Bàn thờ bên trong bằng đá cẩm thạch chạm trổ tinh xảo.
Trong khi đó, nhà thờ La Compañía được xây dựng năm 1578. Do bị hủy hoại sau nhiều trận động đất, đến năm 1698, được xây lại theo kiến trúc Baroque với mặt bằng hình khối giống nhà thờ tại Tây Ban Nha và châu Âu thời bấy giờ. Trang trí bên trên lối vào nhà thờ gợi nhớ các trang trí khối chữ tượng hình, hình tượng nhân thần xen kẽ với linh thú của người Maya tại các đền thờ, cung điện trong các đô thị Maya cổ xưa. Nội thất có nhiều bức tranh tường miêu tả động thực vật vùng nhiệt đới. Bàn thờ gỗ được chạm trổ, phủ vàng lá…
Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là bảo tàng Santuarios Andinos, nơi lưu giữ “Juanita – công chúa băng tuyết”. Giới thiệu với khách tham quan trước tiên là đoạn video 20 phút kể về chuyến du khảo kỳ thú và vất vả của đoàn thám hiểm do ông Johan Reinhard dẫn đầu tại vùng Ampato, gần Arequipa, nơi phát hiện ra xác ướp Juanita.
Vào thời điểm ấy, Juanita được xem là toàn vẹn nhất trong số các xác ướp ở vùng Andes vì cả bắp thịt, máu và nội tạng vẫn còn nguyên. Các nhà khảo cổ cho rằng dân Inca quan niệm thiên tai xảy ra khiến mùa màng thất bát là do thần Mặt trời nổi giận, vì vậy cần phải hiến tế để xoa dịu thần, mà vật xứng đáng nhất để tế thần là bé gái còn trinh nguyên, trong sạch. Bé nào được chọn làm vật hiến tế sẽ mang vinh dự cho cả dòng họ và có cuộc sống tốt đẹp ở thế giới bên kia.
Vật tế được đưa lên những đỉnh núi cao để hiến tế. Juanita khi đó mới 12 tuổi, lúc chết còn ngậm trong miệng những lá cocoa nghiền nát và sau này, người ta phát hiện trong máu em có chứa một lượng chichi – một loại bia được chế biến từ bắp lên men. Juanita có niên đại khoảng 500 năm, được trưng bày trong tủ kính ở nhiệt độ -20 độ C. Xung quanh còn có vài thi hài khác cùng tuổi hoặc nhỏ hơn. Khám phá các xác ướp này là chìa khóa mở ra những điều huyền bí về phong tục và cách sống của người Inca.
Từ câu chuyện Juanita, chúng tôi được anh hướng dẫn địa phương có kiến thức rộng giới thiệu đến tu viện nữ Santa Catalina xây dựng từ năm 1579 và một thế kỷ sau được trùng tu, có diện tích rộng đến 20.460m2. Vào thời đó, các gia đình quý tộc giàu có vì muốn chắc chắn có một chỗ ở trên thiên đường nên gửi con gái vào làm nữ tu. Tòa nhà cũng được xây bằng đá sillar nhưng nhuộm màu xanh, đỏ, cam, hồng…, chia thành từng khu nhỏ với những căn nhà từ đơn sơ đến tiện nghi, tùy theo khả năng cung cấp tài chính cho các nữ tu của từng gia đình. Tu viện như một thành phố yên tĩnh thu nhỏ này rất đẹp vì khắp nơi hoa cỏ được trồng và chăm sóc rất cẩn thận.
Ở thời kỳ đỉnh cao, Santa Catalina có gần 500 nữ tu cùng người hầu, nhưng nay chỉ còn khoảng mấy chục nữ tu sinh sống và thờ phụng Chúa trong một khu vực nhỏ, phần còn lại được mở cửa cho khách đến tham quan. Vào ngày thứ Ba và thứ Năm hằng tuần, tu viện còn mở cửa cả vào buổi tối cho những ai thích cảm giác mạnh. Rất may trong chuyến đi này, chúng tôi đã đến đây vào buổi tối thứ Năm. Ban ngày, dưới ánh nắng, tu viện tĩnh mịch này là nơi lý tưởng để dạo chơi, ngắm cảnh. Vậy mà, sau 6 giờ chiều, nơi đây có vẻ rùng rợn vì chỉ thấy ánh nến leo lét hắt ra từ cửa sổ vài căn phòng và một dãy đèn tù mù soi dọc hành lang khu vực có người ở. Phần còn lại hoàn toàn tối tăm, thỉnh thoảng đâu đó lóe lên vài đốm lửa mà sau này chúng tôi mới biết đó là ánh sáng do các du khách khác tạo nên. Khám phá tu viện rộng lớn dưới ánh đuốc lập lòe cũng là một trải nghiệm rất thú vị.
Một ngày ở Arequipa thế là đủ. Chúng tôi về nghỉ ngơi, lấy sức cho hành trình tiếp theo là khám phá hẻm núi Colca Canyon, cách Arequipa khoảng 160km, được cho là “chất” hơn cả Grand Canyon nổi tiếng ở Mỹ.